Thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), nhiều ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương về việc không nên quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương như luật hiện hành.
Để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương, đa số ý kiến cho rằng việc giao HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết. Nên giới hạn mức diện tích nhà ở tối thiểu này không được thấp hơn 8m2 sàn/người.
Giải trình thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Bộ Công an thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nội dung quy định tại dự thảo luật. Theo đó, điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, để bảo đảm việc đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt hiệu quả, dự kiến đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.
Kết luận về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực để bảo đảm các điều kiện thi hành luật ngày 1-7-2021 như hoàn thiện cấp số định danh cá nhân, xây dựng và đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu liên quan. Đồng thời, cần đầu tư nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương với địa phương, đầu tư máy móc thiết bị, chuẩn bị đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực. Trường hợp không thể hoàn thành thời gian nói trên thì đề nghị Chính phủ sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của luật để báo cáo Quốc hội trước khi thông qua luật.
Trước đó, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), việc tích hợp giấy phép về môi trường là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Một số ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ việc tích hợp các loại giấy tờ thủ tục hành chính trong một giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành việc tích hợp từ 7 giấy tờ thủ tục thành một giấy phép, cho rằng điều này mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính. Tuy nhiên, đề nghị cần có quy định cụ thể từ xét duyệt đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép đến hậu kiểm, bảo đảm thống nhất, không chồng chéo; đồng thời, cần có cơ chế để bảo đảm tính minh bạch, chống tiêu cực trong việc này...
THẢO NGUYỄN