QĐND Online - Sáng 17-10, tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã diễn ra buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức". Dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu; nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải ông Lã Ngọc Khuê; Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Giao thông vận tải Lương Hoài Nam.

Tại buổi tọa đàm, khi được hỏi, tại sao trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải dựa trên những căn cứ nào để tự tin trình ra một siêu dự án với tổng mức đầu tư dự kiến gần 18 tỷ USD và nguồn vốn huy động từ đâu, ông Phạm Quý Tiêu cho biết: Bộ GTVT được Chính phủ giao triển khai thực hiện dự án này, trong quá trình chuẩn bị Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, phối hợp với các bộ, ngành để hoàn chỉnh dự án. Theo ông Tiêu, Bộ GTVT căn cứ vào quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế lớn nhất, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển GTVT của TP Hồ Chí Minh-Đồng Nai và Quy hoạch phát triển giao thông hàng không. Đặc biệt, vừa qua, Nghị quyết 13 của Trung ương cũng đã nêu vấn đề đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp với các hệ thống đồng bộ hiện đại

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu (thứ hai từ phải sang) trao đổi tại buổi tọa đàm.

Trả lời câu hỏi về vấn đề huy động vốn của Dự án này khi trong đó có 50% là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; 50% là vốn khác, ông Tiêu nói: Tại sao ở đây vẫn đặt vấn đề phải dùng vốn ODA và trái phiếu Chính phủ vì cho đến bây giờ, với hàng không dân dụng thì hạ tầng khu bay, đường băng, sân đỗ vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm và đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) và PPP (hợp tác công tư); cho nên Chính phủ vẫn quyết định hạ tầng cơ sở về giao thông nói chung và đặc biệt là hàng không với những cơ sở hạ tầng (đường băng, đường lăn, sân đỗ), các cơ sở để đảm an ninh hàng không thì Nhà nước phải đầu tư, thế nên đặt ra vấn đề phải có ODA. Điều này đã được cam kết giữa hai thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản vào cuối năm 2013. Nhật Bản quan tâm và họ sẽ dành khoảng 2 tỷ USD cho dự án này, tuy nhiên từ nay đến lúc đó chúng ta còn phải đàm phán rất nhiều.

Thứ trưởng Tiêu cho biết, giai đoạn 1 tính toán cần khoảng 2,07 tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó chủ yếu là đường cất, hạ cánh. Nếu làm 1 đường thì chỉ hết hơn 1 tỷ USD, phần giải phóng mặt bằng gần 1 tỷ USD. Các phần vốn khác sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, trong đó các công trình của quản lý Nhà nước như: Hải quan, Công an, hàng không thì chắc chắn phải dùng ngân sách Nhà nước. “Trong lúc khó khăn mà vẫn tìm ra được một dự án có hiệu quả thì chúng tôi nghĩ càng phải quyết tâm làm, ông Tiêu khẳng định.

Theo Thứ trưởng Tiêu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm cách TP Hồ Chí Minh khoảng 40km về hướng Đông Bắc, với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (đến năm 2030); được triển khai với mục tiêu xây dựng từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không quốc tế - ICAO), giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng của quốc gia. Tổng số vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 18 tỷ USD và chia làm 3 giai đoạn, riêng giai đoạn 1 hơn 7,8 tỷ USD. Dự kiến trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế cũng đánh giá, trong 10 năm tới Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển hàng không nhộn nhịp nhất, dự báo tăng trưởng 5-6%/năm.

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tới.

Tin, ảnh: HOÀNG LAN