QĐND Online – "Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội - tuyến số 3) sẽ bước vào giai đoạn quyết định trong các tuần tới đây", bà Marie-Cécile Tardieu-Smith, Tham tán kinh tế, Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp đã phát biểu như vậy trong buổi gặp gỡ báo chí tổ chức sáng 7-7 tại Hà Nội nhằm thông tin về tình hình thực hiện việc tiến hành khảo sát địa chất Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 của thành phố Hà Nội.

Theo bà Marie-Cécile Tardieu-Smith, nhờ những nỗ lực to lớn của các bên hữu quan trong đó có UBND thành phố Hà Nội, các nhà tài trợ, chủ đầu tư Ban Dự án đường sắt đô thị HRB, nhà tư vấn chung SYSTRA và tiếp theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng phần ngầm, bản tiến độ tổng thể của dự án đã được thiết lập. Và theo kế hoạch, tiến độ này cần phải được tuân thủ chặt chẽ để có thể đưa tuyến đường sắt đô thị số 3 đi vào vận hành ngày 31-12-2016.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã khởi công khu xuất phát vào ngày 25-9-2010 nhân dịp kỷ niệm Hà Nội tròn 1000 năm với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công trình này đối với công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Phối cảnh nhà ga số 5- ga Lê Đức Thọ của tuyến đường sắt.

Tại buổi gặp gỡ, bà Marie-Cécile Tardieu-Smith cũng cho biết, dự án này nhận được sự ủng hộ tài chính quan trọng của các nhà tài trợ lớn như Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp, Cơ quan phát triển Pháp, Ngân hàng phát triển Châu Á và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu.

Công tác khảo sát địa chất nhằm mục đích chuẩn bị thiết kế kỹ thuật cho các ga ngầm và các đường hầm thuộc phần ngầm của tuyến cũng đã và đang được tiến hành. Theo ông Alain Bechereau - Phó giám đốc nhà tư vấn SYSTRA và Giám đốc dự án, chương trình khảo sát địa chất công trình được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2006) - Nghiên cứu khả thi với việc khoan 5 lỗ (cứ 800m đến 1000m /1 lỗ khoan); Giai đoạn 2 (năm 2008) - Thiết kế cơ sở với 21 lỗ khoan (cứ 400m đến 500m/1 lỗ khoan) và giai đoạn 3 (năm 2011) - Thiết kế kỹ thuật qua 59 lỗ khoan (cứ 150m đế 300m/1 lỗ khoan). Ông Alain Bechereau cho biết, chiều sâu của các lỗ khoan nằm trong phạm vi từ 30m đến 57m và trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, khoảng cách giữa các lỗ khoan được giảm xuống nhằm để hiểu rõ hơn về các điều kiện địa chất và để đảm bảo thiết kế an toàn khi vị trí chính xác của các kết cấu (tuyến hầm, các ga, các móng cọc…) được xác định.

Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith cho biết, vào lúc 23h30 ngày 7-7-2011, bà sẽ cùng ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đi thăm và quan sát công việc khoan khảo sát trước sảnh chính của ga Hà Nội.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 của thành phố Hà Nội có 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ Nhổn đến ga Hà Nội, chiều dài 12,5km; Giai đoạn 2: Từ Nhổn đến Hoàng Mai, chiều dài 21km và tuyến số 3 - dự kiến kéo dài: đến Sơn Tây, chiều dài 48km.

Theo thiết kế, đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội sẽ có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Chiều dài của đoạn ngầm xấp xỉ 4 km, có 2 ống hầm (khoảng cách giữa 2 ống hầm xấp xỉ 16m và có thể thay đổi); đường kính mỗi hầm là 6.300mm và chiều sâu của hầm (cũng có thể thay đổi) từ -15m đến -30m.

Ngày 13-4 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định số 1061 phê duyệt tổng mặt bằng phần ngầm này.

Theo dự kiến, tháng 11-2011 sẽ khởi công xây dựng các công trình kiến trúc của khu xuất phát; cuối tháng 2-2012 sẽ triển khai thi công phần trên cao và tháng 11-2012 sẽ triển khai thi công phần ngầm với mục tiêu đưa tuyến đường sắt số 3 đi vào vận hành năm 2016.

Đại diện phía tư vấn SYSTRA cũng cho biết thêm, đoạn đi ngầm sẽ được đào bằng máy TBM để giảm thiểu những ảnh hưởng đối với bề mặt của đất cũng như các công trình phía trên, hạn chế tiếng ồn; với kỹ thuật này, những ngày mưa cũng không gây ảnh hưởng đến tiến độ và công tác thi công. Hơn nữa, hệ thống đường ngầm chủ yếu đi dọc các tuyến phố với độ sâu từ 15m đến 30m sẽ không gây ảnh hưởng đến bề mặt phố.

Các vấn đề liên quan khác như giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo giao thông của người dân Hà Nội… cũng được các bên phối hợp thực hiện, nỗ lực hết sức để dự án có hiệu quả nhất.

“Đây là dự án giao thông đường sắt đô thị quan trọng không chỉ của Hà Nội mà cả ở Việt Nam, mang tầm chiến lược của hai Chính phủ. Dự án sẽ góp phần xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và bảo vệ môi trường cho Thủ đô Hà Nội; đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố Hà Nội”, bà Marie-Cécile Tardieu-Smith khẳng định.

Tin, ảnh: Phúc Thắng