 |
Học sinh cử tuyển Tây Nguyên học thực tập lâm sàng tại Bệnh viện 103 (Học viện Quân y). Ảnh: KHẮC HOAN |
Bước sang học kỳ 2 năm học 2007-2008 này là tròn 6 năm các học viên A Hệ, H'Duyên Byă, Kso Svong, Kso Muôn… tham gia lớp “Đào tạo bác sĩ cử tuyển cho các tỉnh Tây Nguyên” tại Học viện Quân Y (HVQY). Gặp tôi, A Hệ bảo: “Chỉ còn một năm nữa, chúng em ra trường, trở thành bác sĩ. Chúng em đang chờ mong ngày trở về, đem tri thức, kinh nghiệm học được phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào…”…
Những “cánh chim đầu đàn”
Học viên Y Hùng, tốp trưởng - Lớp bác sĩ cử tuyển khóa 2, cầm trên tay cả xấp thư dày khoe với tôi: “Người Tây Nguyên quen nói bằng cái miệng, chứ không dùng cái tay. Thế mà từ ngày ra đây học, chúng em luôn nhận được thư từ gia đình, người thân và nhất là lãnh đạo địa phương...”. Y Hùng kể, Tết Nguyên đán vừa qua, 92 học viên cử tuyển của tỉnh Đắc Nông đang theo học tại HVQY được Nhà trường và tỉnh Đắc Nông tạo điều kiện về ăn Tết với gia đình. Trước khi trở lại trường, đích thân đồng chí Phan Tuấn Pha, Bí thư Tỉnh ủy tổ chức buổi gặp mặt thăm hỏi, động viên các học viên cố gắng học thật tốt để về phục vụ địa phương.
Cách đây không lâu, tôi gặp đồng chí Y Thịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông khi anh đến thăm học viên là con em trong tỉnh đang theo học lớp đào tạo bác sĩ cử tuyển tại HVQY. Nhìn các học viên trong những bộ trang phục truyền thống chăm chú ôn bài trong thư viện và nghe cán bộ, giảng viên nhà trường thông báo kết quả học tập của học viên, không giấu hết niềm vui, anh Y Thịnh bày tỏ: “Đắc Nông là tỉnh nghèo nhất của cả nước, vì vậy còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất là về y tế. Đã có nhiều bác sĩ trẻ ở các tỉnh miền xuôi lên Đắc Nông công tác, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn lại bỏ việc vì không chịu được những khó khăn, thiếu thốn ở đây. Cho dù tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút, mời gọi bác sĩ trẻ về công tác, nhưng thực sự vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. HVQY đã giúp chúng tôi giải quyết khó khăn đó. Chỉ vài năm nữa thôi, qua lớp học này, tỉnh sẽ có được một đội ngũ bác sĩ đông đảo, không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh…”.
Trò chuyện với đồng chí A Thịnh, tôi được biết: Hiện tại y tế ở tuyến xã của Đắc Nông mới chỉ có 27/61 xã có bác sĩ. Các bệnh viện cấp tỉnh, huyện cũng thiếu bác sĩ có tay nghề cao. Qua 5 khóa tuyển sinh, hiện Đắc Nông có 92 học viên đang theo học lớp bác sĩ cử tuyển tại HVQY. Như vậy, trong tương lai gần những khó khăn mà Đắc Nông đang gặp phải chắc chắn sẽ giảm được đáng kể, nhất là đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào.
Không chỉ Đắc Nông, hiện nay hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đều thiếu bác sĩ, đặc biệt là các trạm y tế cấp xã. PGS - TS, Đại tá Nguyễn Đình Tảo, Phó trưởng phòng Đào tạo, HVQY, người nhiều năm gắn bó với Tây Nguyên và cũng là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng đề án “Đào tạo bác sĩ cử tuyển cho các tỉnh Tây Nguyên” đưa tôi xem bảng thống kê mới nhất về thực trạng cơ sở y tế của các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai: 455 bác sĩ/ hơn 1 triệu dân, tuyến xã mới chỉ 85/205 xã có bác sĩ; Kon Tum: 199 bác sĩ/ 369.000 người, 40/96 xã có bác sĩ; Lâm Đồng: 544 bác sĩ/hơn 1,1 triệu người, 100/145 xã có bác sĩ; Đắc Lắc: 720 bác sĩ/ 1,7 triệu người, 76/180 xã có bác sĩ.
Anh Tảo cho biết: “Chúng tôi đã dồn toàn tâm, toàn lực, tinh thần và trách nhiệm để đào tạo cho các em học viên lớp cử tuyển với mong muốn đạt được kết quả cao nhất. Sau 6 năm triển khai, dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua. Mục đích cuối cùng là đào tạo các em trở thành những bác sĩ có bản lĩnh, tay nghề cao, trở về phục vụ đồng bào, quê hương tốt nhất. Chỉ còn một năm nữa, lớp cử tuyển khóa 1 sẽ ra trường, các tỉnh Tây Nguyên sẽ có thêm 100 bác sĩ…”.
Học để phục vụ đồng bào mình
Năm 2005, lần đầu tiên tôi gặp học viên H'Duyên Byă. Khi đó H'Duyên Byă mới qua kỳ thi dự tuyển, chuyển sang học chính khóa tại HVQY. So với các anh, chị trong khóa, H'Duyên Byă là học viên ít tuổi nhất (sinh năm 1984). Đây cũng là lần đầu tiên H'Duyên Byă xa nhà nên không chỉ nhớ nhà, mà còn sợ không biết mình có theo học được không?… Gặp lại H'Duyên Byă trong bộ blu trắng, tham gia thực tập tại khoa ngoại Bệnh viện 103, nếu không là “người quen” hẳn tôi sẽ nhầm, tưởng cô là một cán bộ của đơn vị. Khác xa với 5 năm trước, H'Duyên Byă - cô gái dân tộc Ê Đê - chững chạc và trưởng thành hơn rất nhiều. Không giấu được niềm vui, H'Duyên Byă bày tỏ: “Ngày còn ở xã Cư M'ta (huyện M'Đrắk, tỉnh Đắc Lắc), vì nhà nghèo, lại đông anh em nên tôi chẳng dám mơ được đi học đại học để trở thành bác sĩ. Được ra Bắc học, tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để học thật tốt. Tây Nguyên có rất nhiều bác sĩ dưới xuôi lên nhận công tác, nhưng gặp khó khăn trong giao tiếp với bà con, không quen phong tục tập quán, không nói được tiếng của các dân tộc thiểu số nên chưa vận động được nhiều bà con làm theo. Tôi là người dân tộc, sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, tôi quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt để giúp bà con mình, người thân của mình có sức khỏe tốt hơn”.
Học viên H’LinĐa, có khuôn mặt buồn, nhưng những động tác khám, đo huyết áp, tiêm, truyền dịch… cho bệnh nhân rất thuần thục và chính xác. Thuần thục tới mức, nhiều bác sĩ hướng dẫn phải thốt lên: “Cô ấy thực sự có năng khiếu bẩm sinh để trở thành một bác sĩ giỏi”.
Qua lời kể của H’LinĐa, tôi mới biết nguyên nhân tại sao cô lại có khuôn mặt buồn đến thế. Dịp đầu hè năm ngoái (2007), H’LinĐa nhận được điện của gia đình: “Mẹ ốm nặng, về ngay”. Khi H’LinĐa về đến nhà thì sức khỏe của mẹ cô đã suy kiệt, nằm liệt một chỗ. Cả nhà đôn đáo đưa mẹ đi khám ở bệnh viện huyện. Bác sĩ ở huyện nói “Bệnh này phải chuyển lên tỉnh”, nhưng khi lên đến tỉnh, bác sĩ lại nói: “Phải chuyển ngay ra bệnh viện trung ương may mới cứu được”. Nhà H’LinĐa không khá giả gì, nên đến khi vay mượn đủ tiền để thuê xe đưa mẹ ra Bệnh viện 103 thì đã muộn. Sau khi khám, làm các xét nghiệm các bác sĩ cho H’LinĐa biết: “Mẹ bị ung thư phổi, đã chuyển sang giai đoạn cuối rồi”. Cuối tháng 4-2007 mẹ mãi mãi không còn ở bên H’LinĐa. Cố ngăn những giọt nước mắt, H’LinĐa nghẹn ngào: “Nếu như các trạm y tế tuyến xã của huyện Cư M’ga (tỉnh Đắc Lắc) quê em có đủ bác sĩ thì bệnh tình của mẹ em sẽ được phát hiện sớm hơn, có thể chữa trị kịp thời”.
Nỗi đau của gia đình, khó khăn của quê hương, giờ đây đã trở thành động lực giúp H’LinĐa quyết tâm hơn trong học tập để trở thành một bác sĩ giỏi.
Bài học quý về đào tạo nhân lực
Trao đổi với đội ngũ cán bộ thực hiện Dự án, tôi được biết, Dự án đào tạo bác sĩ cử tuyển cho các tỉnh Tây Nguyên là một trong những dự án đầu tiên về đào tạo cán bộ cho các địa phương còn nhiều khó khăn, khó thu hút nhân lực có trình độ từ nơi khác đến. Qua 6 năm thực hiện, có thể khẳng định, Dự án đã hoàn thành vượt mức những yêu cầu đề ra, 100% học viên theo kịp và nắm bắt được những yêu cầu của các môn học, sẵn sàng trở về phục vụ đồng bào khi ra trường… Dự án khá thành công trong việc giải quyết nguồn nhân lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa. Trước hết để triển khai dự án có hiệu quả, Học viện tổ chức tiến hành theo hai bước. Bước một, lựa chọn những thanh niên có trình độ văn hóa cao cử đi học lớp dự tuyển, bồi dưỡng văn hóa một năm. Bước tiếp theo, tổ chức thi tuyển, chọn những học sinh đạt tiêu chuẩn, tham gia học tiếp hệ đại học tại HVQY.
Thượng tá Ngô Kim Tuấn, cán bộ quản lý học viên hệ cử tuyển cho biết: “Các em học viên đều rất chăm chỉ, tiếp thu nhanh. Tỷ lệ thi tuyển từ lớp dự tuyển lên đại học trung bình đạt 98%. Ở hệ đại học, hầu như không có sự thua kém về trình độ, kiến thức giữa học viên hệ cử tuyển và học viên thi tuyển”. Theo anh Tuấn, có được kết quả đó là nhờ cán bộ, giáo viên nhà trường đã nghiên cứu, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh cử tuyển”.
Từ những thành công ban đầu ấy, tôi được biết hiện có rất nhiều tỉnh ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam bộ… cũng đã có văn bản đề nghị HVQY, nghiên cứu đào tạo bác sĩ cử tuyển theo mô hình Dự án “Đào tạo bác sĩ cử tuyển cho các tỉnh Tây Nguyên”. “Chúng tôi đang nghiên cứu dự án xây dựng Trung tâm y học miền núi. Dự án này không chỉ có chức năng đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; mà còn tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động, tham gia thực hiện các dự án nâng cao sức khỏe, y tế cho các tỉnh miền núi” – PGS-TS, Đại tá Nguyễn Đình Tảo cho biết. Nếu được triển khai, đây sẽ là hướng đi mới trong giải quyết bài toán xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài và ảnh: PHÚ SƠN
Dự án Đào tạo bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên được thực hiện trong thời gian từ năm 2003 đến 2015 do Học viện Quân y đảm nhiệm. Dự án sẽ đào tạo cho các tỉnh Tây Nguyên 600 bác sĩ; khóa đầu tiên có 100 học viên sẽ tốt nghiệp ra trường vào năm 2009 và khóa cuối cùng tốt nghiệp năm 2015. |