Báo cáo đề dẫn do PGS, TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng trình bày cùng gần 20 tham luận của các đại biểu đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều thông tin, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với cách mạng Việt Nam. Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, quê ở ấp Long Thuận A, xã Long Hồ, huyện Châu Thành (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Sớm giác ngộ cách mạng, mới 16 tuổi, đồng chí đã tích cực tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng, với tài năng và nhiệt huyết cách mạng, năm 1931, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách là Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Cũng trong năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân, đày đi Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về đất liền, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Năm 1946, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Kể từ đó, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Phạm Hùng được Đảng, Nhà nước giao những trọng trách ở những nơi và những thời điểm đòi hỏi phải có năng lực tổ chức thực hiện sáng tạo và bản lĩnh kiên định của người lãnh đạo. Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm về tài năng, trách nhiệm trong các quyết định và triển khai các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng.

 Các đại biểu dự tọa đàm thống nhất, khẳng định: Đồng chí Phạm Hùng đã kiên trì, thẳng thắn đấu tranh vì mục tiêu của Đảng, vượt lên mọi khó khăn, trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Chính phủ thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng. Đồng chí đã đi xa, nhưng cuộc đời cách mạng sôi nổi và phong phú, sự nghiệp cách mạng cao đẹp của đồng chí vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

NGÔ THANH