 |
Đại tá Lê Đức Đồng bên cạnh chiếc máy bay của Nguyễn Cao Kỳ mà đơn vị ông bắn rơi |
76 tuổi, cựu đại tá Lê Đức Đồng vẫn là phó bí thư chi bộ, tổ phó tổ dân phố điển hình về văn hóa của phường Phương Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong căn buồng nhỏ của mình, ông cất giữ những kỷ niệm “không thể quên” trong thời chống Mỹ, nhất là tấm ảnh ông đứng cạnh chiếc máy bay của tướng không quân ngụy Nguyễn Cao Kỳ mà đơn vị đã bắn rơi ngày 7-2-1965.
Cuốn nhật ký là một cuốn lịch nhỏ dày gần 200 trang, cỡ to hơn bao thuốc lá mà ngày xưa cứ mỗi lần tết đến các tờ báo lại in để tặng cộng tác viên, thông tin viên. Ông được tặng cuốn lịch này vì được đơn vị bình bầu là chiến sĩ thi đua của quân khu. Ông nói:
- Lần đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu 4, tôi được tặng một cuốn lịch sổ tay của báo Nhân Dân và một cái ca tráng men trắng có in 4 chữ: Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Quyển sổ tôi giữ lại, còn chiếc ca trong một lần văn công Tổng cục Chính trị vào biểu diễn cho tiểu đoàn Phòng không dưới lòng địa đạo, không có hoa tôi lấy chiếc ca cắm thêm vài bông hoa giấy của khẩu đội 4 làm rồi tặng chị em.
Trưởng thành từ thợ kỹ thuật nên nét chữ của ông đều tăm tắp, đủ nét, thẳng hàng. Cuốn nhật ký trong tay tôi cứ như nói hộ ông những điều đến nay ông vẫn cất trong lòng, hoặc như ông nói: Bây giờ già rồi, lúc nhớ, lúc quên. Cuốn sổ như những cột mốc giúp mình nhớ lại những điều đáng nhớ trong đời.
Ngay trang đầu cuốn sổ, ông viết cho con, nhưng tôi biết những dòng chữ ấy ông để tự răn mình:
Để lại cho con chẳng bằng tiền
Chẳng vàng, chẳng bạc,
chẳng kim cương
Để lại cho con lòng son sắt
Quyết tâm theo Đảng chí
không mòn.
- Tôi bắt đầu ghi nhật ký từ ngày 1-3-1965, lúc ấy đơn vị được lệnh trên rút về Chấp Lễ (Vĩnh Chấp), anh đọc rồi sẽ hiểu.
Lật từng trang cuốn nhật ký thấm đậm tình quân dân cá nước, tình đồng đội, đồng chí trong những ngày đánh giặc:
1-3-1965: Đến địa điểm mới mình cuốc bộ trở lại Tây Trường để kiểm tra lần cuối. Bà con ở Tây Trường quí hóa thật. Mệ Lan, mệ Hòa, o Thủy, o Hường mồ hôi nhễ nhại gánh nước hành quân theo xe để như mệ Lan nói: “Lúc khát các con có nước uống. Nếu dọc đường phải đánh nhau với lũ giặc trời, nước để làm cho nòng pháo khỏi nóng. Các mệ, các em gái trở thành chiến sĩ tải đạn cho các con”... 3 giờ 15 phút có 4 chiếc máy bay AD6 luẩn quẩn gầm rít trên bầu trời. Đơn vị vừa triển khai, đánh trận mở màn ở trận địa mới bắn rơi một máy bay AD6. Đánh xong bộ đội tiếp tục đào công sự. O Thuận, o Xuyến nhận đào công sự cho mình. Còn các mệ cứ bắt bộ đội thay áo để các mệ gánh đi giặt.
 |
Quả bom bi và cuốn lịch “Nhật ký” của đại tá Lê Đức Đồng |
22-23-24 tháng 3-1965: Tư tưởng chủ quan đã xuất hiện trong đơn vị. Giáo dục, nói, thuyết phục nhiều nhưng một số anh em vẫn chưa chuyển. Nhất là công tác sẵn sàng chiến đấu. Tối 23 và sáng 24 bà con thị trấn Hồ Xá vào thăm trận địa. Quà của bà con là kẹo, thuốc rê. Lúc đến khẩu đội 4, mệ Tình cứ níu tay mình: “Bà con giao cả sinh mạng và nhà cửa, ruộng vườn cho bộ đội cao xạ”. Mình cảm động lắm nhưng không nói nên lời. Nghĩ sao đây? Mãi rồi cũng nói với bà con: “Chúng con sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, còn người, còn pháo, còn đánh”.
28-3-1965: Lại được xem văn công đoàn xung kích của nhà hát ca vũ nhạc Việt Nam. Mình biết ông nhạc sĩ Xuân Giao. Hai vợ chồng nghệ sĩ múa Trúc Quỳnh mang cả đứa con 6 tuổi theo đoàn. Anh em đơn vị thật sự cảm động. Biểu diễn xong cả đại đội không ngủ vì đêm ấy các khẩu đội trở thành “công trường thủ công” với tiếng cưa, tiếng giũa. Sáng ra, anh Bích thay mặt đơn vị tặng mỗi diễn viên một chiếc lược làm bằng xác chiếc máy bay AD6 do đơn vị bắn rơi và cả đoàn văn công được chúng tôi tặng cho một quả bom bi.
1-4-1965: Tắm đến 8 lần vẫn chưa xong. 4 lần chuẩn bị dội nước thì báo động. Vừa chạy vừa mặc áo. Lần thứ 9 mới tắm xong. Nhận thư của vợ, lá thư báo tin con gái Bắc Hà, con trai Đức Hồng đều gửi ở nhà bà ngoại. Cô ấy cũng đi sơ tán cùng cơ quan ở mãi Hòa Bình. Mình đọc thư và biết Công ty xây dựng của cô ấy đang xây dựng các công trình ngầm ở Hòa Bình. Cuộc chiến đấu chắc chắn phải lâu dài và ác liệt...
Tôi căng mắt đọc hết cuốn nhật ký của ông, vì chữ nhỏ “Viết cho tiết kiệm vì lúc đó giấy trắng hiếm lắm. Tôi viết cả lên vỏ bao thuốc lá Trường Sơn, nhưng lâu quá rồi không giữ được” như lời ông nói. Hơi ngạc nhiên vì không thấy ông ghi chép trận chiến đấu ngày 7-2-1965 khi tiểu đoàn ông (thực ra chỉ còn một đại đội, còn hai đại đội khác đã được điều đi bảo vệ mục tiêu trên hành lang đường 559) đối mặt với phi đoàn Hoa Phượng do thiếu tướng không quân ngụy quyền Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy. Tôi hỏi ông:
- Trong sổ nhật ký cháu không thấy trận đánh ngày mồng 7-2.
Ông trầm ngâm:
- Trận ấy như tạc vào tâm khảm tôi, làm sao mà quên được. Tôi sẽ kể cho anh nghe: 14 giờ 15 phút-Tôi vẫn nhớ lúc ấy tôi có hẹn làm việc với đại đội trưởng Dương Đức Vượng lúc 14 giờ-ngồi trao đổi công việc khoảng 15 phút thì bầu trời Hồ Xá như vỡ ra từng mảng bởi tiếng rít của hàng đàn máy bay AD6 từ hướng hạm đội 7 vào. Tôi và anh Vượng nhào ra trận địa lúc đó đã mù mịt lửa khói, tiếng đạn đanh gọn, sắc của các khẩu đội tạo ra một lưới lửa khổng lồ dày đặc. Tiếng bom 500kg nổ ùng ục, tiếng bom bi giòn như rang ngô trong nồi cát nóng. Vừa chớm đến khẩu đội 1, thì một quả bom nổ ngay chân công sự pháo. Đất cát trùm lên khẩu đội. Tôi bị hất đi nhưng vùng dậy ngay và nghe rõ tiếng khẩu đội trưởng Trung:
- Anh em ơi chạy lại cứu khẩu đội 1.
Tôi lao lên cùng Trung ra sức bới cát. Chỉ một lúc sau bới được Khải số 1, Nuôi số 2, chỉ còn Thành số 6 bị kẹp vào nòng pháo. Chúng tôi cố gắng hết sức kéo càng pháo rộng ra để Thành lựa người tuồn ra được. 10 phút sau khẩu đội 1 tiếp tục nhảã đạn. Men theo mép đường giao thông hào tôi chạy tới khẩu đội 2 lúc đó chỉ còn một mình Lộc vừa quay hướng, quay tầm, nạp đạn còn Vịnh hai tay đẫm máu lủng lẳng trong tay chiếc áo dài chân vẫn nghiến răng đạp cò như muốn trút căm thù vào lũ giặc trời đang điên cuồng lao xuống. Tôi vẫn nhớ khi đến khẩu đội 4 động viên anh em thì một quả rốc-két nổ gần khẩu đội, một mảnh rốc-két bắn vào mặt pháo thủ Tưởng, lúc đó đã bị thương vào bụng vẫn hiên ngang quay tầm. Mảnh rốc-két hất anh từ trên mâm pháo xuống. Số 5 Viên nhảy lại ôm lấy Tưởng, đôi mắt anh đỏ ngầu, rực lửa căm hờn. Vuốt mắt cho bạn xong, Viên như con mãnh hổ nhảy lên mâm pháo hô lớn: “Bắn mạnh vào đầu chúng nó để trả thù cho anh Tưởng và các anh”. Cùng lúc ấy một chùm đạn lao lên và chiếc AD6 bốc cháy. Lúc này tôi vẫn nhớ lời của chiến sĩ thông tin hữu tuyến Phong động viên anh em: “Các anh yên tâm nạp đạn, đạp cò, đã có chúng tôi tiếp đạn”.
Trận chiến không cân sức chỉ diễn ra khoảng 50 phút, đại đội đã bắn rơi ba chiếc máy bay. Một chiếc rơi ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hai chiếc rơi ở xã Vĩnh Thái và xã Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh) còn chiếc thứ 4 do khẩu đội 1 bắn thì bị thương nặng. Mãi ba hôm sau chúng tôi mới biết đó là máy bay do Nguyễn Cao Kỳ lái, chỉ huy phi đoàn Hoa Phượng gồm 27 máy bay hòng hủy diệt thị trấn Hồ Xá trung tâm văn hóa, chính trị của huyện tuyến lửa Vĩnh Linh. Nguyễn Cao Kỳ cố điều khiển máy bay vượt qua sông Bến Hải và rơi ở đất làng Trung Trỉ, huyện Do Linh (Quảng Trị).
Sau trận đánh, thời gian củng cố trận địa, sửa chữa pháo làm công tác tư tưởng cho bộ đội tôi mới ngộ ra một điều và tự vấn lương tâm mình. Có phải mình khe khắt quá? “Mẹ chồng quá” trong cách nói, cách phê bình anh em! Hình như khi phải đối mặt với cái chết con người ta mất hết những gì đố kỵ, nhỏ nhen thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
11 năm ở tuyến lửa trải qua hàng trăm trận đánh đối đầu với không quân Mỹ. Ông bị thương khi cùng đơn vị cơ động ra bảo vệ phà Bến Thủy (Nghệ An). Gãy chân trái, ông phải nửa nằm, nửa ngồi, chiếc chân gãy treo trên khung gỗ.
- Thời gian đó tôi tưởng hết đường về với anh em vì cái chân “chết tiệt” này. Nhưng rồi tình đồng đội, trận địa lên tiếng trong tim tôi. 6 tháng nghiến răng tập đi, chân trái dần hồi phục.
Quả bom bi ông giữ đến bây giờ chính là quả bom bị kẹt dưới bánh xe của khẩu đội một. Ông cẩn thận gói mang về và tháo kíp nổ, coi nó như một kỷ niệm trong cuộc đời.
- Còn tấm ảnh của bác bên cạnh chiếc máy bay AD6 của Nguyễn Cao Kỳ? Tôi hỏi ông.
- Rất may là tháng 7-1983, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, đến khu nhà 8 mái, nơi ngày xưa ngụy quyền đặt chiếc máy bay này để “biểu dương công trạng”. Anh em không biết đã kéo nó vứt ra bãi rác. Tôi phát hiện được và báo cáo ngay với đồng chí Phùng Thế Tài. Tôi nhờ anh Sâm (trước kia là tiểu đội trưởng trinh sát ở tiểu đoàn) bấm hộ một kiểu. Không ngờ tấm phim đó lại là phim dương bản. Bây giờ chiếc máy bay AD6 đó được trưng bày ở Bảo tàng Quân khu 7.
Năm 1984 ông trở về với đời thường. 20 năm liên tục ông thành “chuyên viên hòa giải” như ông ví von chức chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phương Liệt mà ông đảm nhiệm. Quãng thời gian ấy ông được Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao 2 tấm huy chương: Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân và Vì sự nghiệp dân vận.
- Tưởng đã được nghỉ hẳn không ngờ bà con vẫn tín nhiệm bầu tôi làm tổ phó dân phố, chi bộ bầu giữ chức phó bí thư-ông cười hiền rồi nói tiếp: - Mình còn cống hiến được thì cố gắng, chỉ mong sao công sức của mình, của anh em cựu chiến binh góp phần nhỏ trong công cuộc đổi mới của Đảng, đó là làm cho khu phố mình đẹp hơn, tốt hơn.
Bài, ảnh: VŨ ĐẠT