QĐND - Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) cho ý kiến là mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Thông báo của hội nghị nêu rõ: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành với Tờ trình của Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, theo đó: "Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân".
Chính quyền địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống cơ quan nhà nước. Chính quyền địa phương là những cơ quan nhà nước gần dân nhất, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để thực thi quyền lực nhà nước, là cầu nối giữa nhà nước và nhân dân. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một trong những Sắc lệnh đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (ngày 2-9-1945) là Sắc lệnh về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp (Sắc lệnh số 63-SL ngày 22-11-1945). Điều 1, Sắc lệnh số 63-SL đã ghi: “Để thực hiện chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam, sẽ đặt hai thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính”. Trong quy định này, chính quyền địa phương đã được xác định gồm hai loại cơ quan: Cơ quan có tính chất hội đồng do nhân dân bầu ra, được gọi là Hội đồng nhân dân và cơ quan chấp hành của hội đồng thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, được gọi là Ủy ban hành chính.
Các bản Hiến pháp của Việt Nam-văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước ta đều có những quy định về tổ chức chính quyền địa phương. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chương “Chính quyền địa phương” là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân cả nước, đồng thời cũng là chương nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức. Chương "Chính quyền địa phương" (Chương IX) đã đánh dấu những thay đổi lớn của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992, làm rõ hơn tính chất của hệ thống cơ quan công quyền ở địa phương trong mối quan hệ với Trung ương, thể hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) trong chính thể của chính quyền địa phương; đồng thời, cũng quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính.
Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính ở nước ta; đồng thời, bổ sung quy định về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
 |
Ảnh minh họa/TTXVN |
Khoản 1, Điều 110 trong Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập”.
Để cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương, Ban Soạn thảo dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được thành lập do Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ là cơ quan trình dự thảo trước Quốc hội. Dự thảo này được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014), được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến vào đầu năm nay. Dự thảo cũng đã nhiều lần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Mới đây nhất, khi trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn có hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Phương án 1, cơ bản giữ nguyên như hiện nay, tất cả các đơn vị hành chính đều có đủ HĐND và UBND. Phương án 2, bỏ HĐND cấp phường ở đô thị, chỉ có UBND phường. Chủ tịch UBND phường sẽ do cử tri của phường bầu trực tiếp hoặc do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp (quận, thị xã, thành phố) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Tại hội nghị này, nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách cho rằng, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, qua nghiên cứu dự thảo luật và thực tế giám sát, tiếp xúc cử tri tại địa phương, phương án cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, xã, phường, thị trấn là phù hợp. Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn và ở đâu có UBND mà không có HĐND thì ở đó đã mất đi một công cụ pháp lý hữu hiệu. Tính hợp pháp của các quyết định chính sách cũng bị suy giảm theo. Theo đó, hiệu quả của nhà nước sẽ bị giảm, dễ phát sinh tiêu cực, không vì lợi ích của nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cả 2 phương án trên dường như đều chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, như là một cuộc cách mạng về tổ chức, về bộ máy hành chính nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Bởi phương án 1 có ưu điểm là bảo đảm tính ổn định tránh xáo trộn, đảm bảo kiểm soát quyền lực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng lại không có sự đổi mới. Phương án 2, dù có đổi mới nhưng lại dẫn đến những quan ngại về nguy cơ dẫn đến chính quyền xa dân, quan liêu, không rõ cơ chế kiểm soát của chính quyền phường. Chính vì lý do này mà vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương đã được đưa vào chương trình Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhiều lần họp bàn trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 và tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường những năm vừa qua. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, cho nên còn có ý kiến khác nhau”.
Tại Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trên cơ sở Tờ trình của Bộ Chính trị, Trung ương đã thảo luận, phân tích kỹ những mặt ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án và đã quyết định chọn phương án "Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm có HĐND và UBND)". Ưu điểm nổi bật của phương án này là: Bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia địa giới hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương cùng với các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội…; đáp ứng được yêu cầu phải có sự giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp; bảo đảm thực hiện được nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải chịu sự giám sát của cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra; việc tổ chức cấp chính quyền gồm HĐND và UBND ở đơn vị hành chính cấp cơ sở thể hiện sự gần dân, sát dân của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc phân biệt chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ được thể hiện trong các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý khác nhau giữa đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Theo đó, chính quyền nông thôn cần được chú trọng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả 3 cấp; chính quyền đô thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý theo ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, ủy quyền phù hợp giữa cấp thành phố với các thị xã, quận, phường,...
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội hoàn chỉnh Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20-5-2015.
ĐỖ PHÚ QUÝ