 |
Hòa tấu ghi-ta của chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 2. |
Ghi-ta là nhạc cụ gần gũi, mang tính "quần chúng" cao, phù hợp với mọi lứa tuổi. Với chiến sĩ trẻ, học chơi đàn ghi-ta không chỉ để biết chơi một nhạc cụ mà còn tạo nên không khí vui tươi, trẻ trung của phong trào văn nghệ trong những ngày nghỉ, giờ giải lao ngoài bãi tập…
Cây đàn của chiến sĩ
Trong giờ giải lao của học viên Phân đội 4 Trường Quân sự Quân khu 2, Đại úy Dương Tiến Cường, chính trị viên phân đội tổ chức văn nghệ tại chỗ ngoài bãi tập. Sau khi nghe những bản nhạc ghi-ta được chiến sĩ biểu diễn đầy cuốn hút, tôi nhanh chóng đến hỏi các chàng lính trẻ vì sao lại học và chơi ghi-ta? Mỗi chiến sĩ trả lời một kiểu khác nhau. “Vì có thể tranh thủ tự học được. Có khi chỉ cần đồng đội biết chơi hướng dẫn sơ qua là bật bông được rồi”, “Đây là nhạc cụ phổ biến, vừa bình dị, vừa sang trọng, càng chơi càng say mê”, “Chính trị viên khuyên anh em học! Tôi sẽ học để thể hiện cho bạn gái nghe…”.
Đây là những câu trả lời rất tự nhiên mà không kém phần hóm hỉnh, đậm chất lính. Chỉ cần đạt được yếu tố “tác chiến ở mọi địa hình và thời tiết”, cây đàn ghi-ta đã trở nên gắn bó với chiến sĩ trẻ.
Chuyện trong đơn vị mà tôi được nghe kể, chính trị viên Hà Văn Ngọc nhờ có ngón đàn như “rót mật vào tai” đã làm con tim một hoa khôi Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc xao động. Giờ thì đôi trai tài, gái sắc ấy đã “thề non, hẹn biển” rồi.
Thêm một “tài lẻ”
Quả thật, khi đã học và chơi ghi-ta, mỗi chúng ta luôn hào hứng, say mê bởi âm nhạc của nhạc cụ rất đỗi quen thuộc này đem lại nhiều bổ ích cho bản thân cũng như đồng đội. Ai biết chơi ghi-ta thì coi như có thêm một “tài lẻ”, nhất là các chiến sĩ trẻ thì ngón đàn ghi-ta khéo léo được coi như một “vũ khí" lợi hại để chinh phục bạn gái. Khi chơi ghi-ta, thì hầu hết sự căng thẳng được giải tỏa, giúp bộ đội thêm khả năng sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật rõ rệt, tinh thần phấn chấn... Chính những yếu tố đó giúp mỗi chiến sĩ thu thập thêm nhiều kiến thức trong học tập, rèn luyện cũng như trong lao động tăng gia, sản xuất, xây dựng đơn vị...
Hơn nữa, trong suốt quá trình học tập, chơi đàn sẽ giúp mỗi chiến sĩ có thêm bài học về sự nhẫn nại, cần cù và lòng quyết tâm chinh phục những vấn đề phức tạp và khó khăn hơn.
Ở đơn vị học ghi-ta không khó
Học ghi-ta chẳng khó chút nào nếu như mỗi chiến sĩ biết tận dụng thời gian tự mày mò, cộng thêm sự hướng dẫn, góp ý của đồng chí, đồng đội biết chơi và tình yêu thực sự dành cho âm nhạc. Để học tốt, mỗi chiến sĩ trước khi ôm cây đàn nên tham khảo nhạc lý. Đây là nội dung cơ bản nhất giúp ta hiểu rõ tiết tấu nhanh chậm, luyến láy của bản nhạc để khi gặp bài hát lạ sẽ tránh được sự lúng túng …
Có thể, nhiều chiến sĩ đã tìm được cho mình một phương pháp học ghi-ta, nhưng lại có những người nghĩ rằng mình không có năng khiếu làm việc đó, học chỉ vô ích, lãng phí thời gian. Xin thưa rằng, trong đơn vị, để tìm được một chiến sĩ có năng khiếu bẩm sinh là điều không dễ dàng. Sự chịu khó mày mò, học hỏi và tình yêu cây đàn ghi-ta mới là vấn đề quan trọng, giúp những người học chơi ghi-ta thành công.
Xin trích lại lời của Đại tá Vi Văn Hợi, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 2, một tay ghi-ta lão luyện mà tôi rất hâm mộ, để các chiến sĩ có thể tự tin: “Với người lính chúng ta, không nhiều đồng chí được sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật. Có năng khiếu bẩm sinh là điều tuyệt vời nhất. Bằng không, mỗi chiến sĩ chỉ cần có tấm lòng yêu âm nhạc, chịu khó mày mò, học ở đồng chí, đồng đội, thì đều có thể cất cao tiếng hát, tiếng đàn, cho vơi đi những vất vả khó khăn trong cuộc sống.
Bài và ảnh: TÔ VĂN BINH