QĐND - Đó là chủ đề buổi Tọa đàm do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức sáng 14-12 tại Hà Nội nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn cũng như đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Hà Nội, trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế gắn với hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, cùng với cả nước, Hà Nội đã khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực. Kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước tăng trưởng khá, với mức bình quân 10,8%/năm, các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển. Kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%, nhập siêu từng bước được kiểm soát. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường, sự nghiệp văn hóa – xã hội khoa học công nghệ tiếp tục phát triển…

Đại sứ Ô -xtrây-li-a A.Coóc phát biểu tại Tọa đàm.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại sứ Ô -xtrây-li-a tại Việt Nam A -la-xtơ Coóc (Allaster Cox) cho rằng, Việt Nam có mối liên hệ và chịu ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. “Việc gia nhập WTO đã tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường đầu tư nước ngoài về ngân hàng, bán lẻ và các lĩnh vực quan trọng khác. Điều này cộng với dân số trẻ và vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam tại Đông á đã và đang thu hút thị trường thế giới”, ông A -la-xtơ Coóc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng khốc liệt ngay tại “sân nhà” từ các doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp Hà Nội còn nhỏ về quy mô, yếu về năng lực tài chính, thiếu các thiết bị công nghệ hiện đại, hạn chế về hiểu biết luật pháp quốc tế… Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự buổi tọa đàm, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Việt Nam gia nhập WTO vào một thời điểm không mấy thuận lợi, chỉ một năm sau đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính -tiền tệ toàn cầu mà di chứng của nó kéo dài cho tới tận nay đi liền với những bất ổn vĩ mô của nước ta vì vậy càng khó đánh giá chuẩn xác cái gì liên quan tới việc gia nhập WTO, cái gì bắt nguồn từ những nhân tố khác. “Nói một cách hình ảnh thì trước mắt chúng ta là những thách thức kép lẫn những cơ hội kép”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói.

 Trong bối cảnh như vậy, ông Khoan cho rằng, các doanh nghiệp nên chú ý tận dụng những cơ hội mới nẩy sinh. “Ngay việc các cam kết khi gia nhập WTO hoặc Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc hay việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực đầy đủ vào năm 2015 không chỉ đặt ra thách thức mà mở ra không ít cơ hội ta cần tận dụng chứ không nên co mình, than vãn…”.

Bài và ảnh: Linh Oanh