Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh thế giới và khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, môi trường địa chiến lược thay đổi nhanh chóng cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên. Tuy gặp muôn vàn khó khăn nhưng trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đóng góp ngày càng thực chất và nhiều hơn vào việc phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao. Những kết quả mà ASEAN đạt được trong năm 2020 dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN là minh chứng rõ ràng cho một ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng, kiên định và không khuất phục trước nghịch cảnh. “Giương cao ngọn cờ ASEAN”, “tạo động lực cho ASEAN”, “một năm hiệu quả của ASEAN” chỉ là một vài trong số rất nhiều lời ca ngợi của dư luận quốc tế về nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. “Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện đúng tinh thần “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” bằng các hành động thực tế”, Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động, Việt Nam cùng với các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Sự bùng phát bất ngờ cùng những hệ lụy chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19 cho thấy, chủ đề này thật đúng lúc và đích đáng hơn bao giờ hết. Thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời, cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách, hành động giữa các nước thành viên, ngay từ giữa tháng 2-2020, sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với dịch Covid-19, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của hiệp hội để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Để rồi sau đó, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã nhất trí nhiều sáng kiến và hợp tác ứng phó với Covid-19, như: Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN, Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, Khung phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống.
Trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang gặp nhiều thách thức thì Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã chứng kiến nhiều đối tác cam kết đóng góp tài chính với những con số cụ thể dành cho các sáng kiến của ASEAN trong ứng phó, khắc phục tác động của dịch bệnh; tuyên bố ủng hộ tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) cũng như lập trường nguyên tắc của ASEAN về đề cao thượng tôn pháp luật, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế; các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á; nâng cấp quan hệ ASEAN-Liên minh châu Âu lên đối tác chiến lược; mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đây là những minh chứng cụ thể cho thấy, dưới sự dẫn dắt khéo léo, linh hoạt, hài hòa, hiệu quả của Việt Nam, ASEAN đã thành công trong việc tiếp tục duy trì sự đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, nhận được sự tôn trọng, ủng hộ và hợp tác của các cường quốc, các đối tác trên thế giới.
Cũng phải khẳng định năng lực chủ trì và điều hành của Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Bất chấp đại dịch, trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, trên các nền tảng kỹ thuật số hiện đại, ASEAN vẫn duy trì trao đổi và hợp tác, rút ngắn khoảng cách địa lý và không gian vật chất giữa các quốc gia. Điều đó được thể hiện qua việc lần đầu tiên tổ chức các hội nghị và ký kết nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN theo hình thức trực tuyến, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần đầu tiên họp 3 lần trong năm thay vì 2 lần theo thông lệ hay số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua...
Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam trùng với thời điểm đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập “mái nhà chung” ASEAN. ASEAN là một trong những điểm đột phá đầu tiên để Việt Nam triển khai phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Tham gia ASEAN đã mang đến nhiều lợi ích và cơ hội để Việt Nam từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế, nâng cao thực lực và cải cách trong nước, phát huy vai trò và vị thế của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hơn 1/4 thế kỷ tham gia ASEAN, dù trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN. Đó là Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy kết nạp các nước còn lại để hiện thực hóa giấc mơ về một “đại gia đình” ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á. Đó là Việt Nam đã chủ động, tích cực và có trách nhiệm khi tham gia vào các công việc của hiệp hội, trong đó có xây dựng thể chế cho ASEAN, như: Hiến chương ASEAN (2008), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, 2025... Đó là dấu ấn Việt Nam khi tổ chức tốt Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (năm 1998), đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN 2000-2001, Chủ tịch ASEAN 2010... Với việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục đóng góp vào thành quả của ASEAN với tâm thế cùng thắp sáng “ngọn lửa chung”, nỗ lực không ngừng nghỉ để qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của hiệp hội sẽ ngày càng thêm gắn kết bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của “đại gia đình” ASEAN.
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 được đánh giá thành công toàn diện, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, qua đó góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25/CT-TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Và như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 ngày 11-12 vừa qua: “Thành công toàn diện, vang dội của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là một đỉnh cao thắng lợi mới của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều này, như tiếp thêm sinh khí mới để chúng ta tự tin và chủ động tiếp tục thắng lợi tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.
HOÀNG VŨ