Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đồng chủ trì họp báo.
 |
Các đồng chí đồng chủ trì họp báo. |
Website diễn đàn hoạt động liên tục, phục vụ nhiều năm
Trình bày một số nội dung chủ yếu về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Thông qua diễn đàn, Quốc hội sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường.
Giới thiệu về trang thông tin điện tử diễn đàn, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trang thông tin có tên miền là diendankinhte.quochoi.vn. Website được thiết kế hiện đại, với 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, là công cụ để Ban tổ chức tổng hợp, cung cấp các thông tin chính thống về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2021 mà còn duy trì vận hành, cập nhật thông tin cho các kỳ tổ chức diễn đàn tiếp theo.
Website Diễn đàn kinh tế Việt Nam sẽ cung cấp kịp thời các tài liệu, ảnh, video, tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên, nhà báo khai thác, phục vụ công tác đưa tin về diễn đàn đảm bảo tính thời sự, chính xác, đầy đủ và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước cũng như của các cơ quan, tổ chức nước ngoài về các vấn đề kinh tế, xã hội của Việt Nam và thế giới.
 |
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo. |
Bảo đảm an toàn nợ công, lạm phát trong tầm kiểm soát
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, việc đặt ra các gói hỗ trợ tiếp theo là rất cần thiết.
Ngày 3-12, Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra 3 nội dung, trong đó có nội dung về chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế. Thời gian qua, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, các cơ quan hữu quan và đã bàn nhiều về nội dung này.
Đồng chí Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, liều lượng hỗ trợ trong 2 năm tới nếu ở mức làm tăng thêm mỗi năm 1% bội chi GDP là phù hợp, bảo đảm an toàn về nợ công và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Yêu cầu của chính sách hỗ trợ là bảo đảm có tác động nhanh, lan tỏa, liên tục, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cả cung - cầu và tập trung vào những ngành kinh tế sẽ tạo ra tác động trực tiếp, lan tỏa.
Trong 2 năm tới thì năm 2022 sẽ tập trung cho phục hồi, năm 2023 sẽ tập trung kích thích tăng trưởng. Nguồn bảo đảm sẽ được cân nhắc, bảo đảm tính khả thi và mức độ hấp thụ của nền kinh tế, nguồn vay thì phải cân nhắc khả năng trả nợ. Quốc hội cũng yêu cầu phải có chương trình quản lý rủi ro, tránh trục lợi chính sách, tránh phân tán, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại họp báo. |
Doanh nghiệp cầm cự đến nay đã rất "oải"
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, yêu cầu đầu tiên là quy mô phải đủ lớn. Nợ công của chúng ta hiện là 47%, trong khi quy định trần nợ công là 55%. Như vậy thì vẫn còn dư địa cho các gói hỗ trợ. Tuy nhiên cần phải có tính toán kỹ lưỡng. Quy mô theo tính toán khoảng từ 6-8% GDP, không đến mức 10% GDP như các nước khác trong khu vực.
Gói hỗ trợ chia làm 2 loại mục tiêu, mục tiêu ngắn hạn để giải quyết các vấn đề trước mắt; mục tiêu trung hạn và dài hạn hơn để bảo đảm khôi phục và tăng trưởng.
Về ngắn hạn, trọng tâm, trọng điểm là hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều công cụ, đặc biệt là công cụ về tài chính như giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn, doanh nghiệp cầm cự đến giai đoạn này đã rất "oải", nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp phá sản rất nhiều, kể cả các doanh nghiệp khỏe. Cứ mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường là con số rất đáng báo động.
Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi...
 |
Quang cảnh họp báo. |
Đặc biệt, người lao động là một trong những nguồn lực đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế nên cần có chính sách hỗ trợ bảo đảm cuộc sống để người lao động vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh; có chính sách đào tạo lại người lao động. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường lao động để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về dài hạn thì phải bảo đảm được những trụ cột cho tăng trưởng, như vốn, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn với kinh tế số.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang bị lệch nhịp so với thế giới. Dự kiến, năm nay, kinh tế nước ta tăng trưởng khoảng 2-3% trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5%. Do vậy phải rà soát lại các động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, các gói hỗ trợ phải bảo đảm tính hiệu quả và có tác dụng ngay.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG