QĐND Online - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 21-7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 (gọi tắt là Chương trình).

Đề nghị sớm có một văn bản về phòng, chống dịch Covid-19

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận tại phiên họp là việc ban hành luật về y tế, sức khỏe của người dân.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh tính chất nguy hiểm, phức tạp và chưa rõ thời gian kết thúc của dịch Covid-19 hiện nay ở nước ta. Đại biểu nhấn mạnh, đến nay, chưa có một văn bản chính thức nào về vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cần sớm có một văn bản về phòng, chống dịch Covid-19 để mỗi địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể sẽ đưa ra biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả.

Ngoài ra, đại biểu TP Hà Nội cũng nhắc đến sự thay đổi nhiều trong hoạt động khám, chữa bệnh hiện nay: Khám bệnh hiện nay chủ yếu là thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, mổ xẻ; có thể thực hiện bằng máy móc hoặc có thể thực hiện từ xa nhờ thành tựu khoa học kỹ thuật, cách mạng công nghiệp 4.0... Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu cùng sự thay đổi của hệ thống y tế trong nước, nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế của nước ta cũng có sự thay đổi lớn, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc sửa đổi luật về khám, chữa bệnh và về bảo hiểm y tế là cần thiết và phải làm nổi bật được những thay đổi đó của cuộc sống, của người dân.

 Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: VPQH

Chung quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh mối quan tâm của cả hệ thống chính trị và xã hội hiện nay là phòng, chống dịch Covid-19. Đại biểu cũng cho rằng, nên sớm đưa vào chương trình xây dựng những luật, pháp lệnh về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cần giao Chính phủ sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngay để có công cụ pháp lý trong quản lý và điều hành. Bởi lẽ, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm được ban hành vào cuối năm 2017, đến nay đã hơn 14 năm qua, bộc lộ nhiều bất cập”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) cũng nhấn mạnh đến sự cấp thiết của các dự luật về y tế, sức khỏe; đề nghị đưa vào chương trình xây dựng Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi là luật khung để Bộ Y tế căn cứ ban hành các thông tư, hướng dẫn cụ thể.

 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: VPQH

Thận trọng khi thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Tại phiên họp, việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu với nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) nhắc đến tình trạng kéo dài thời gian xây dựng một dự án luật hết sức cấp bách theo phản ánh của cử tri và chính quyền địa phương và đến nay vẫn chưa được sửa đổi: Đó là Luật Đất đai.

Trong Chương trình năm 2022, Quốc hội dự kiến đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tại 3 kỳ họp, song theo nữ đại biểu, như vậy phải đến giữa năm 2023, dự án luật này mới được thông qua và đầu năm 2024 mới có hiệu lực thi hành. “Thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì cũng phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành luật, từ đó dẫn đến có thể kéo dài đến cuối nhiệm kỳ, luật mới đi vào cuộc sống. Trong khi Luật Đất đai hết sức cần thiết sửa đổi để sớm giải quyết nhiều cái bất cập trong quản lý đất đai trong việc bảo đảm quyền sử dụng tài sản, đất đai của công dân và nhiều vấn đề bất cập khác”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị nên đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp cuối của năm 2021 để sớm hoàn thành việc sửa đổi luật, kịp thời giải quyết nhiều vấn đề bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.

 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: VPQH

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) cũng thống nhất với dự báo và nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm định của Ủy ban Pháp luật thông qua Luật Đất đai sửa đổi trong 3 kỳ họp. Tuy nhiên, đại biểu cũng kiến nghị giao cho Chính phủ và các bộ, ngành, các đơn vị là phối hợp làm thế nào để cuối năm 2022 có thể ban hành được Luật Đất đai sửa đổi. "Có như vậy mới thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan làm luật của mình đối với vấn đề rất nóng bỏng và rất cần phải sửa đổi sớm", đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh. 

Tranh luận ý kiến về việc sửa đổi Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) bày tỏ, trên thị trường bất động sản hiện nay, giá tăng rất "kinh khủng", thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng về bất động sản. Theo đại biểu, bất động sản biến động mạnh là bất động sản để ở, còn bất động sản về du lịch thì đang xuống mạnh. Lý do là hiện nay, tại tất cả địa phương, nhiều công trình của các doanh nghiệp đã giải tỏa, đền bù rồi nhưng vướng về Luật Đất đai, Luật Đấu thầu nên họ không thể xử lý được...

Theo đại biểu, các chủ doanh nghiệp, các địa phương đều trả lời việc chậm trễ các công trình là do vướng Luật Đất đai. "Nếu chúng ta kéo dài đến kỳ họp thứ 4 mới đưa ra Luật Đất đai, sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ ứ đọng và doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng rất nguy hiểm. Đề nghị Quốc hội cần đưa ra Nghị quyết tập trung vào vấn đề này để giải tỏa vấn đề bức xúc trong địa phương, doanh nghiệp, người dân", đại biểu Nguyễn Văn Thân kiến nghị. 

PHƯƠNG HẰNG