QĐND - Trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, tôi gặp Trung úy Nguyễn Viết Cường, Chính trị viên phó Đại đội 16 (Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1). Anh cho biết: “Tết Ất Mùi tôi ở lại trực cùng bộ đội. Là người mới về đơn vị công tác nên trực Tết là điều kiện thuận lợi để tôi nắm bắt tâm tư, tình cảm của anh em”.

Nghe tâm sự của anh, tôi nhớ lại chuyện của Đại úy Nguyễn Văn Hiệp cách đây vài năm, khi anh mới ra trường, được điều về làm chính trị viên ở một đại đội độc lập thuộc Vùng 4 Hải quân. Những ngày đầu mới về đơn vị, anh băn khoăn vì chi bộ đại đội không đạt TSVM, đơn vị không đạt VMTD; nguyên nhân chủ yếu do đơn vị đóng quân phân tán, với nhiều chiến sĩ thuộc đối tượng “giáo dục riêng”. Không chùn bước trước khó khăn, anh bàn bạc với chỉ huy triển khai các biện pháp đưa đơn vị đi vào nền nếp. Lúc đầu, một số chiến sĩ có thái độ phản ứng, thậm chí phát biểu: “Đồng chí Hiệp mới về, nhưng đã làm đảo lộn chế độ sinh hoạt của đơn vị. Đây là biểu hiện làm việc “lấn sân” của chỉ huy...”.

Giờ nghỉ giải lao trên bãi tập của bộ đội Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 246.

 Nghe những ý kiến như vậy, Đại úy Nguyễn Văn Hiệp không tự ái mà cho rằng, chiến sĩ dám nói thẳng, nói thật, có nghĩa là họ vẫn gắn bó, yêu mến đơn vị. Anh bàn bạc với chỉ huy đơn vị, không vội gò ép đơn vị vào các chế độ mà thực hiện từng bước. Bản thân anh tranh thủ tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng người, tạo sự gần gũi với chiến sĩ bằng cách tổ chức và cùng tham gia các hoạt động phong trào, sinh hoạt tập thể, tăng cường trò chuyện, lắng nghe ý kiến từ chiến sĩ. Biết chiến sĩ của mình “cá tính”, anh tranh thủ tâm sự tìm ra điểm mạnh, điểm yếu và biết sở trường của từng người để khuyến khích phát huy... Ít lâu sau, đơn vị đi vào nền nếp. Cuối năm đó, chi bộ đại đội được trên công nhận đạt TSVM, đại đội VMTD; đặc biệt, tập thể đại đội đồng thuận, coi nhau như anh em một nhà. Mới đây, tôi gặp lại Nguyễn Văn Hiệp, anh đã được trên bổ nhiệm làm chính trị viên tiểu đoàn và luôn tự nhủ phải gần gũi, thân thiết với bộ đội, coi họ như người thân trong gia đình thì việc khó đến đâu cũng có thể giải quyết được.

Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn người chính trị viên phải thân thiết với chiến sĩ như một người chị. Trong tập thể đơn vị, chính trị viên phải luôn là chỗ dựa tinh thần cho bộ đội. Thực tế, việc quản lý tư tưởng bộ đội không đơn giản, nhưng khi người chính trị viên thân thiết, gần gũi với bộ đội, chắc chắn sẽ tạo được sự tin yêu, quý trọng và sự “mở lòng” của bộ đội. 

Bài và ảnh: THẢO NGUYÊN