LTS: Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 12 đến 19-1 là sự kiện chính trị thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế. Đại hội không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra với chất lượng cao, mà còn tạo ra một luồng sinh khí mới, một sức sống mới để đất nước vững bước phát triển trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ hôm nay, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số dấu ấn của Đại hội XI.
Bài 1: Kết tinh trí tuệ bổ sung và phát triển Cương lĩnh
Một trong những thành công của Đại hội XI là Đảng ta đã tập hợp được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tiếp tục bổ sung, phát triển hoàn thiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991).
Sáng tỏ mô hình và con đường phát triển đất nước
Theo Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội có đặc trưng chủ đạo là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu đó, nước ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong suốt thời kỳ quá độ.
Đại hội đã khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là nền kinh tế phải tổ chức trên cơ sở vừa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là, đó không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng chưa phải là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; gắn kết kinh tế với xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển…
Nói về sự phát triển nhận thức của Đảng từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.
 |
Đại hội biểu quyết thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI. Nguồn: TTXVN |
Quá trình chuẩn bị rất công phu
Ngay sau ngày bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chúng tôi đến Hội đồng Lý luận Trung ương, gặp PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng. Đồng chí cho biết, ngay từ Hội nghị Trung ương 4, khóa X (tháng 1-2007) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập 2 tiểu ban tổng kết và phát triển Cương lĩnh do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng tiểu ban. Nội dung Cương lĩnh được chia thành 5 nhóm: Những vấn đề chung; Kinh tế; Văn hóa, xã hội; An ninh, quốc phòng, đối ngoại; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Giúp việc hai tiểu ban có tổ biên tập Cương lĩnh gồm các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực của đất nước. Trong 4 năm tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh, hai tiểu ban đã về làm việc ở 27 Ban Thường vụ tỉnh, thành phố, 77 cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành; nhiều lần xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Các dự thảo tổng kết, phát triển Cương lĩnh được trình Bộ Chính trị, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến chỉnh sửa, bổ sung liên tục từ Hội nghị Trung ương 5, đến Hội nghị Trung ương 11 vẫn còn những nội dung phải giải trình, làm rõ, như cách thể hiện ở nội dung phần 1 “Quá trình cách mạng và những bài học kinh nghiệm”; bối cảnh; đặc trưng XHCN; mục tiêu tổng quát thời kỳ quá độ; chế độ sở hữu… Đến hội nghị Trung ương 12 trước khi gửi xin ý kiến đóng góp ở Đại hội các cấp và toàn dân, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết 4 vấn đề lớn: Đánh giá tổng quát; Mục tiêu 2011 đến 2020; vị trí, vai trò các thành phần kinh tế và kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.
Trung ương giao cho 4 cơ quan tổng hợp ý kiến đóng góp ở Đại hội các cấp và ý kiến của nhân dân với tư tưởng chỉ đạo là, dù 1 ý kiến cũng tổng hợp báo cáo. Trung ương đã nhận được hàng ngàn ý kiến đóng góp của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, kể cả ý kiến của các Đảng anh em, bầu bạn nước ngoài… Nhiều ý kiến xác đáng được Trung ương cân nhắc bổ sung, tiếp tục chỉnh sửa vào Cương lĩnh và đến Hội nghị Trung ương 14 vẫn còn 2 vấn đề có ý kiến khác nhau, là tên gọi của Cương lĩnh và đặc trưng của nền kinh tế để đưa ra biểu quyết tại Đại hội.
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Thường trực Ban Biên tập Cương lĩnh về Hệ thống chính trị đánh giá rất cao những đóng góp quý báu của các tầng lớp nhân dân, kể cả bầu bạn nước ngoài. Các ý kiến đã tập trung góp ý cho Đảng phải đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo. Mà theo nhân dân muốn đổi mới được trúng thì Đảng phải bám vào những đặc điểm rất riêng là: “đảng cầm quyền”; “độc đảng lãnh đạo”. Theo nhân dân thì những đặc điểm đó có hai mặt: Rất vinh dự, tự hào, nhưng trách nhiệm thì cũng rất lớn, nếu không đổi mới, nếu không đặc biệt chú ý chỉnh đốn Đảng thì Đảng rất dễ sa vào quan liêu độc đoán, đội ngũ cán bộ, đảng viên rất dễ suy thoái đạo đức. Và như thế thì Đảng sẽ không giữ được vai trò lãnh đạo nữa.
Tập thể những nhà khoa học, đội ngũ trí thức còn kiến nghị Đảng phải tìm ra một giải pháp hữu hiệu hơn để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, khi mà tệ nạn tham nhũng, cửa quyền; tệ nạn hối lộ, biếu xén, chạy chức, chạy quyền rất bức xúc trong dư luận chưa ngăn chặn được. Và một trong những giải pháp mà các thành viên của mặt trận đóng góp là phải có “cơ chế cứng” để Đảng thực hiện vai trò tư vấn, giám sát của Mặt trận và đoàn thể…
Tiếp thu ý kiến của nhân dân, phần những bài học kinh nghiệm trong Cương lĩnh đã bổ sung thêm vào bài học thứ 2, nói rõ: “Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân, sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của Đảng”. Còn trong bài học thứ năm: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Việt Nam” chứ không chỉ là “nhân tố hàng đầu bảo đảm” như trong Cương lĩnh năm 1991.
Khi có đóng góp của bầu bạn các nước, nhất là các thành viên trong Hội đồng lý luận Trung ương đi khảo sát thực tế, học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước, phần Bối cảnh quốc tế, Cương lĩnh đã bổ sung hai vấn đề là Chống khủng bố và Ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt là phần nhận định về đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại, Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 đã chỉnh sửa viết lại: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc” (Cương lĩnh 1991 viết: Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội).
Mặc dù đã được chuẩn bị rất kỹ, nhưng khi Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) được Trung ương trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục thu hút hàng trăm ý kiến phân tích, đóng góp của các đại biểu. Chúng tôi theo dõi trực tiếp các buổi thảo luận của Đại hội và đã được chứng kiến không khí dân chủ, sôi nổi trao đổi, đóng góp vào Cương lĩnh với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm rất cao của các đại biểu.
Có những nội dung trong Dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển các đại biểu vẫn tiếp tục chất vấn, đề nghị làm rõ, thậm chí phân tích, đưa ra lý lẽ không đồng tình. Điển hình như tiêu đề của Cương lĩnh, nhiều ý kiến cho rằng thiếu chữ "bảo vệ" là chưa phản ánh được đầy đủ hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi đồng chí Trương Tấn Sang thay mặt Bộ Chính trị giải trình, phân tích về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn được đặc biệt coi trọng trong Cương lĩnh, số đông đại biểu đã thống nhất, nhưng Trung ương vẫn chuẩn bị 2 phương án (một theo Dự thảo, một theo ý kiến đóng góp của các đại biểu). Biểu quyết trong phiên bế mạc, Đại hội đã quyết định theo phương án một. Còn thảo luận về đặc trưng kinh tế các đại biểu cũng chưa thống nhất với Cương lĩnh dự thảo: "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu" và biểu quyết quá bán đề nghị cơ bản giữ như Đại hội X: "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp". Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, Trung ương đã sửa trong Dự thảo Cương lĩnh theo ý kiến biểu quyết số đông của Đại hội...
Những nội dung mới
Theo Hội đồng Lý luận Trung ương, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 có rất nhiều nội dung mới, nhưng nội dung mới quan trọng nhất là làm sáng rõ hơn, khoa học biện chứng hơn về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, Cương lĩnh đã bổ sung thêm hai đặc trưng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (đây là đặc trưng bao trùm, tổng quát) và đặc trưng “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Đây là những vấn đề đã được đề cập, bổ sung từ Đại hội X, đến Đại hội XI đã chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng”. GS.TS Hoàng Chí Bảo nói: “Đây là kết quả của công tác nghiên cứu với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” và với sự đóng góp rất thẳng thắn của nhân dân, nhất là những nhà khoa học, cho rằng công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo chính là vì mục tiêu dân chủ; xây dựng được một xã hội dân chủ là cơ sở để đất nước phát triển đúng hướng…”.
Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ dân chủ là điều kiện, là tiền đề của công bằng, văn minh. Đồng thời, cũng để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngoài hai đặc trưng trên, Cương lĩnh còn bổ sung, phát triển một số đặc trưng cho chính xác với mục tiêu. Ví dụ như ở Cương lĩnh 1991 viết “do nhân dân lao động làm chủ” thì nay viết lại là “do nhân dân làm chủ” (bỏ từ lao động). Đặc trưng về con người, Cương lĩnh 1991 xác định: Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”…
Về nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 tiếp tục khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” nhưng có bổ sung, nhấn mạnh vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
“Cương lĩnh mở”
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Cương lĩnh bổ sung phát triển 2011 là bước tiến dài về lý luận của Đảng ta. Cương lĩnh đã góp phần từng bước làm sáng tỏ và hoàn thiện đường lối đổi mới, xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhưng hoàn toàn chưa phải đã hoàn thiện, nếu như không muốn nói còn nhiều nội dung phải tiếp tục được bổ sung. Ví dụ, phải cụ thể hóa: Thế nào là dân giàu?; Thế nào là nước mạnh?; Thế nào là một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc? . Phương thức lãnh đạo của Đảng cũng cần phải được làm rõ và cụ thể hơn. Nhất là 8 mối quan hệ phải được cụ thể hóa cho phù hợp với từng giai đoạn… Có thể nói, Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 là “Cương lĩnh mở” để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đóng góp ý kiến, bổ sung hoàn thiện.
Đồng chí Nguyễn Viết Thông cho biết, thời gian tới Đảng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu những vấn đề như: Có cần phải ban hành Luật về Đảng không?; Về “xã hội dân sự”; Về đời sống tâm linh…
Qua các bước chuẩn bị và sự đóng góp rộng rãi của toàn Đảng, toàn dân và bầu bạn trên thế giới, nhất là các ý kiến thảo luận dân chủ trong Đại hội cho thấy Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) thực sự là công trình khoa học hội tụ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.
Huy Thiêm