Dự thảo nghị quyết được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản.

Dự thảo nghị quyết bảo đảm sự nhất quán, kế thừa chính sách đã được thực hiện trước đây, đã được quy định tại Luật Nhà ở năm 2005, Luật Đất đai năm 2003 và 2013. Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết được xây dựng với kỳ vọng tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại; tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao do một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn.

Quang cảnh phiên họp tại hội trường. Ảnh: Trọng Hải


Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu thống nhất với sự cần thiết của việc xây dựng nghị quyết như tờ trình của Chính phủ, trong đó có nhiều nội dung của dự thảo được các đại biểu quan tâm.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo nghị quyết được áp dụng trên phạm vi toàn quốc đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản trong trường hợp: Nhận quyền sử dụng đất; đang có quyền sử dụng đất; đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất; thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích đất của cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Về nội dung này, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ băn khoăn về phạm vi áp dụng thí điểm. Đại biểu bày tỏ, nếu đã là thí điểm thì sao lại áp dụng trên phạm vi cả nước, thay vào đó nên xác định phạm vi áp dụng tại một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn.

Các đại biểu tham gia phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là chính sách có nhiều tác động đến việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; kết quả đầu ra của cơ chế thí điểm là những dự án nhà ở thương mại, vì vậy có thể để lại những hậu quả không thể khắc phục, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và nhà đầu tư, vì vậy cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng khi xác định phạm vi thí điểm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc sẽ bảo đảm công bằng giữa các địa phương và không tạo cơ chế xin-cho.

HOÀNG CHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.