QĐND - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Chi bộ thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chọn trọng tâm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xóa bỏ hủ tục văn hóa. Sau một năm thực hiện nội dung trên, địa phương này đã thu lại nhiều đổi thay tích cực.

Trước kia, việc thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” được địa phương tổ chức hiệu quả, nhưng khoảng 2-3 năm gần đây có xu hướng xuất hiện trở lại những thủ tục tang lễ rườm rà, với những phần việc có biểu hiện mê tín dị đoan và gây lãng phí. Chẳng hạn như khi gia đình có người chết, người thân phải tổ chức từ 2 đến 3 lễ trước khi an táng như: Mời rượu trầu, xin làng đưa ma... Còn tang lễ thì kéo dài từ 3 đến 5 ngày, tổ chức ăn uống gây nhiều tốn kém... Kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Chi bộ Phong Ấp tổ chức tự phê bình và phê bình thẳng thắn nhận khuyết điểm về kết quả lãnh đạo, để tình trạng văn hóa hủ tục xâm nhập trở lại địa bàn.

Ngay sau sinh hoạt kiểm điểm, chi bộ xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề; 10 đảng viên trong chi bộ quyết tâm thực hiện trước, thực hiện triệt để, làm gương cho quần chúng. Tiêu biểu như các đồng chí Trần Cảnh, Đặng Văn Khánh,… khi gia đình người thân có tang lễ, các đảng viên này đều vận động tổ chức theo nếp sống văn hóa mới, với các thủ tục đơn giản nhưng ý nghĩa. Ngoài ra, chi bộ còn cử đảng viên trực tiếp gặp gỡ, vận động người cao tuổi trong thôn, chỉ đạo thành lập Ban vận động tiến hành trưng cầu ý dân, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay xóa bỏ hủ tục…

- Nhờ đảng viên gương mẫu “làm trước”, quần chúng thấy được tính hợp lý nên đã làm theo. - Ông Phùng Thanh Trúc, Trưởng thôn Phong Ấp cho biết.

Phong Ấp đang tiếp tục xóa tục rải vàng mã trong đám tang. Nhận thấy việc rải vàng mã gây lãng phí, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, cấp ủy, chính quyền đã tiến hành họp dân xin ý kiến bỏ tục rải vàng mã và cũng lấy gia đình đảng viên gương mẫu thực hiện trước.

Ngoài ra, thôn Phong Ấp còn lập quỹ trợ táng trên cơ sở tự nguyện đóng góp của mỗi hộ dân. Gia đình có người thân qua đời sẽ được hỗ trợ số tiền 1,2 triệu đồng phục vụ tang lễ. Người dân được vận động tham gia hỗ trợ việc đào huyệt, tẩm liệm nhằm chia sẻ mất mát, đau thương, đỡ tốn kém tiền của gia đình có người quá cố.

Hoạt động lễ hội ở thôn cũng được thực hiện nghiêm túc. Phát huy những giá trị tích cực, loại bỏ những điểm không hợp lý, lễ hội ở địa phương này được thực hiện trên tinh thần trang trọng nhưng tiết kiệm. Hiện nay, thôn Phong Ấp duy trì lễ hội đình làng vào tháng 3 âm lịch hằng năm. Lễ hội diễn ra trong 1 - 2 ngày với phần lễ rước sắc, cúng đình được tiến hành long trọng, trang nghiêm và phần hội khá đơn giản để người dân gặp gỡ, trao đổi thắt chặt tình đoàn kết… Việc đổi mới cách thức tổ chức lễ hội như trên được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ.

Như vậy, với cách lãnh đạo cụ thể, trên cơ sở đảng viên nêu gương thực hiện trước, đến nay Chi bộ thôn Phong Ấp đã lãnh đạo địa phương trở thành điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn hóa của xã Ninh Bình. Nhiều mô hình văn hóa được hình thành, được 9 thôn trong xã học tập, làm theo. Đây cũng là phần việc quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của chi ủy, chi bộ thôn Phong Ấp thời gian qua.

NGÔ THANH