PV: Đại sứ có thể cho biết, sau khi ra khỏi EU, quan hệ giữa Anh và Việt Nam có sự thay đổi nào?

Đại sứ Gareth Ward: Một trong những trọng tâm là thúc đẩy hợp tác thương mại song phương. Vương quốc Anh ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), dự kiến sẽ sớm có hiệu lực trong thời gian tới. Hiện nay, khi chúng tôi đã rời khỏi EU, mong muốn của Anh là có được một hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam bởi quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển rất năng động trong những năm gần đây. Bạn có thể nhìn vào một số sản phẩm và dịch vụ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, như trong ngành hàng không và hệ thống máy bay Airbus, có rất nhiều nội dung và đóng góp chuyên môn của Anh. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, dược phẩm cũng đều là những lĩnh vực mà Anh có thể hỗ trợ, góp phần tăng cường tính đa dạng trong nền kinh tế Việt Nam.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward. Ảnh: Đại sứ quán Anh cung cấp.

Một trọng tâm khác trong hợp tác giữa Việt Nam và Anh liên quan đến các thách thức toàn cầu, bao gồm: Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), an ninh cũng như Gìn giữ hòa bình (GGHB). Năm nay, BĐKH là ưu tiên của chúng tôi, đặc biệt khi Anh và Italy sẽ đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26) vào cuối năm nay. Đây sẽ là dịp để hối thúc các quốc gia trên thế giới cắt giảm phát thải khí carbon (CO2). Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều bởi BĐKH, sự gia tăng mực nước biển và thay đổi về nhiệt độ, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Anh cũng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực GGHB và tiếp tục ủng hộ tự do an ninh và an toàn hàng hải theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chúng tôi cũng rất vui mừng khi giữa Anh và Việt Nam có những buổi huấn luyện quân sự chung, chuyến thăm tàu hải quân cũng như những hoạt động khác. Đó là những mảng ưu tiên của chúng tôi ở Việt Nam hiện nay. Hiện, Anh mong muốn hướng tới châu Á-Thái Bình Dương, một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Anh sẽ nỗ lực để hợp tác nhiều hơn nữa với Việt Nam.

PV: Như vậy Anh sẽ tìm kiếm thỏa thuận thương mại riêng với Việt Nam?

Đại sứ Gareth Ward: Về mặt pháp lý, từ nay đến cuối năm 2020, Anh vẫn là một phần trong các thỏa thuận EVFTA cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Tuy nhiên sau đó, Anh và Việt Nam sẽ có cơ hội để bắt đầu thỏa thuận hợp tác thương mại song phương. Hiện giờ, Anh không có kế hoạch thiết lập một hiệp định song phương mới về bảo hộ đầu tư với Việt Nam bởi giữa hai nước đã có Hiệp định về Bảo hộ và Xúc tiến Đầu tư (ký kết năm 2002).

PV: Hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Anh đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ chung giữa hai nước, thưa Đại sứ?

Đại sứ Gareth Ward: Cách đây 10 năm khi Anh và Việt Nam thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác quốc phòng (HTQP) giữa hai nước mới dừng lại ở mức khá hạn chế. Từ đó tới giờ, HTQP song phương đã có những bước phát triển vượt trội. Chúng ta đã có đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng cùng với một loạt chương trình huấn luyện về GGHB, luật biển; các chuyến thăm giao lưu tàu hải quân; hợp tác chung về bảo đảm an ninh ở Nam Sudan. Có thể thấy, đã có rất nhiều sự thay đổi trong những năm qua và tôi nghĩ rằng, sự hợp tác này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới với nhiều cuộc đối thoại chính sách cấp cao và chương trình huấn luyện hơn nữa. Bên cạnh đó, Việt Nam và Anh có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực huấn luyện về quân y, kỹ thuật quân sự, công binh, thủy đạc hay tăng cường năng lực cho lực lượng cảnh sát biển. Đó là những lĩnh vực mà Anh mong muốn chia sẻ thêm chuyên môn và kinh nghiệm của mình với Việt Nam.

Hơn nữa, trong năm 2020, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Các nội dung liên quan tới vấn đề GGHB và bảo đảm an ninh cũng đều sẽ đề cập tới khía cạnh quốc phòng. Các chủ đề có thể bao gồm sự bất ổn ở một số quốc gia châu Phi hay khu vực Trung Đông; chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Vì vậy, HTQP giữa Việt Nam và Anh sẽ không chỉ dừng lại ở những lĩnh vực song phương và các chương trình nâng cao năng lực mà còn đề cập tới những vấn đề chính sách mang tính toàn cầu khác.

PV: Năm 2020, Việt Nam vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Vậy Anh sẽ thúc đẩy hợp tác với ASEAN như thế nào sau khi ra khỏi EU?

Đại sứ Gareth Ward: Mới đây, chúng tôi rất vui mừng khi Anh đã mở Đại sứ quán tại ASEAN (có trụ sở ở Jakarta, Indonesia). Anh ưu tiên mối quan hệ với ASEAN. Trong năm nay khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam trong nhiều sự kiện, tập trung vào các vấn đề tài chính xanh, sáng tạo và công nghệ. Mong muốn của Anh là chia sẻ chuyên môn của mình và giúp Việt Nam trở thành nước đi đầu trong các lĩnh vực liên quan đến sáng tạo, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam có nhiều ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN. Chúng tôi hy vọng nhiều lãnh đạo cấp cao của Anh sẽ có mặt ở Việt Nam, đặc biệt trong các sự kiện liên quan đến BĐKH hoặc tăng trưởng xanh.

Cũng trong năm 2020, Việt Nam đứng ra tổ chức một sự kiện lớn của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh, nhấn mạnh về vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình, đóng góp vào sự phục hồi của một đất nước vừa trải qua xung đột. Chúng tôi đã thấy phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lực lượng GGHB của Việt Nam tại nước ngoài, trong nhiệm vụ rà phá bom, mìn tại Việt Nam. Đây là hình mẫu tốt để các quốc gia khác học tập, đồng thời cũng là minh chứng cho nghiên cứu rằng nếu phụ nữ được tham gia vào quá trình xây dựng hòa bình, quá trình đó sẽ đạt được nhiều thành công hơn là nếu không có sự tham gia của phụ nữ. 

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

LINH OANH - QUỐC TRÍ (thực hiện)