Kiên trì ngoại giao đa phương giữa làn sóng chủ nghĩa bảo hộ
Tại buổi trả lời phỏng vấn báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, nhìn lại năm 2018, tình hình thế giới diễn biến hết sức bất thường. Một số nước, một số lãnh đạo quay lại với chủ nghĩa bảo hộ để xử lý các hoạt động đối ngoại khiến nhiều nước cảm thấy bất ổn, nếu điều chỉnh không kịp sẽ nảy sinh vấn đề trong quan hệ quốc tế. Cũng đang có trào lưu nhìn nhận lại, rũ bỏ các cam kết đã có, các cơ chế đa phương mà phần lớn các nước vẫn đang dựa vào. Trong khi đó, tranh chấp, xung đột vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
“Trong bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước vẫn triển khai một cách đầy đủ. Những chuyến thăm đến các nước vẫn được mở rộng. Trong năm 2018 có nhiều chuyến thăm của lãnh đạo nước ta đến các nước quan trọng và các nước đều mong muốn chào đón chúng ta đến thăm. Chúng ta vẫn tiếp tục mở rộng, nâng cấp quan hệ với một số nước, điều không dễ dàng trong một năm có nhiều biến đổi phức tạp. Một dấu ấn nữa là chúng ta tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương quan trọng. Điều này mang lại cho Việt Nam vai trò đặt ra các vấn đề quan tâm chung”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
 |
Các diễn giả tham gia Phiên thảo luận “Triển vọng địa-chính trị châu Á” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018). Ảnh: HOÀNG VŨ |
Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Ngay từ cuối tháng 12-2018, Việt Nam chính thức thành lập Ủy ban quốc gia về ASEAN do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Ủy ban. “Người Việt Nam luôn luôn chuẩn bị trước. Đây là kinh nghiệm mà chúng ta đã từng trải qua khi dành tới 2, 3 năm để chuẩn bị cho Năm APEC 2017. Chúng ta phải chuẩn bị bảo đảm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, từ nội dung đến công tác hậu cần, lễ tân…", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ. Phó thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ. Với những đóng góp và vị thế của Việt Nam hiện nay, các nước sẽ đặt tin tưởng vào Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Điều đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam.
Đánh giá cao việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, các nước rất kỳ vọng vào sự tham gia của Việt Nam. “Ở các khu vực có xung đột hay có vấn đề bất ổn xảy ra, hình ảnh bộ đội Việt Nam, với lịch sử hào hùng luôn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã tạo niềm tin cho người dân những nước này”, Phó thủ tướng khẳng định.
Hiệp định CPTPP không mang lại lợi thế hiển nhiên
Ngày 14-1, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, không ai dám khẳng định rằng dễ dàng đạt được lợi ích theo tính toán khi tham gia Hiệp định CPTPP.
Một trong những thách thức đặt ra đối với Việt Nam khi CPTPP chính thức có hiệu lực là làm sao để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước nếu muốn thụ hưởng những thuận lợi mà hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới này mang lại. Chỉ có làm tốt điều này thì mới có thể có được lợi thế theo tính toán, bởi lợi thế không hiển nhiên mà có.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, có một thực tế luôn luôn đúng là nếu biết biến thách thức thành cơ hội thì sẽ thành công. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, sẽ thay đổi ra sao để đáp ứng với tình hình mới.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đã có rất nhiều FTA, trong đó phải kể đến FTA từ lâu với ASEAN. Thị trường ASEAN với 650 triệu dân rõ ràng mang đến nhiều cơ hội nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thực sự tranh thủ tận dụng được nhiều. Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội ngay từ đầu khi tham gia các hiệp định tự do; làm được như vậy thì các doanh nghiệp trong nước mới có thể phát triển.
Bóng đá giúp lan tỏa hình ảnh con người Việt Nam kiên cường
Chia sẻ về tình yêu với bóng đá, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, nếu có thời gian, ông thường xuyên theo dõi, không bỏ lỡ trận đấu nào có đội Việt Nam, kể từ giải U.23 châu Á, AFF Cup 2018 đến Vòng chung kết Asian Cup 2019 đang diễn ra.
Phó thủ tướng cho rằng, tinh thần và ý chí của các cầu thủ cũng chính là tinh thần kiên cường, là khát vọng chiến thắng của người Việt Nam. Thành công của bóng đá đã tạo niềm hứng khởi cho tất cả người dân nói chung và những người làm ngoại giao nói riêng. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ, cá nhân ông cũng đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ Ngoại trưởng các nước ASEAN sau thành công của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 vừa qua. Điều đó cho thấy bóng đá vừa có tác động lan tỏa, vừa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người lớn đến thế nào.
LINH OANH (ghi)