 |
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: TPO |
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một trong số những nhà ngoại giao đã tham gia hầu hết các sự kiện trên bàn đàm phán Hội nghị Pa-ri. Với phong cách ngoại giao lịch lãm và duyên dáng, bà được giới truyền thông quốc tế đặt cho biệt danh "Madame Bình". 35 năm đã trôi qua, ký ức về những năm tháng đấu trí căng thẳng trên bàn đàm phán vẫn in đậm trong tâm trí của bà, bởi được trực tiếp tham gia một sự kiện có tầm quan trọng như vậy đối với lịch sử dân tộc thì không ai có thể quên được.
“Hai người điếc nói chuyện với nhau”
- Bà được cử tham gia Hội nghị Pa-ri như thế nào?
- Tháng 7-1968, khi tôi đang đại diện cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đi vận động dư luận thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thì được giao nhiệm vụ chuẩn bị sang Pháp tham gia đàm phán Pa-ri. Lúc đó theo thỏa thuận, Hội nghị Pa-ri gồm 4 bên. Ngoài Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) và Mỹ còn có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) và Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn). Nguyễn Văn Thiệu thấy Mỹ muốn đàm phán thì tỏ ra lo lắng, thêm vào đó thấy thế của mình không thuận nên tìm cách trì hoãn, không muốn cử đoàn sang Pa-ri.
Đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH, điện về nói đoàn của Mặt trận cứ đi trước, không cần phải chờ xem thái độ của Thiệu thế nào bởi dư luận đang nóng lòng chờ đàm phán diễn ra, mình sang sớm sẽ chủ động hơn trong tuyên truyền. Theo gợi ý của đồng chí Xuân Thủy, ngày 31-10, chúng tôi rời Hà Nội qua Trung Quốc, Liên Xô (cũ) rồi sang Pa-ri. Đúng như dự đoán, nhờ đến Pa-ri sớm, lại chủ động nói về lập trường của mình, về chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam nên sự xuất hiện của đoàn Mặt trận thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận thế giới
- Lúc đó, bối cảnh trên chiến trường và rộng hơn là tương quan lực lượng giữa ta và địch thế nào?
- Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Mỹ hiểu rằng, không thể thắng Việt Nam bằng chiến tranh, nên bắt đầu tính đến chuyện đi vào đàm phán. Tuy nhiên, lúc đó Mỹ vẫn hy vọng coi đàm phán chỉ là bình phong nhằm từng bước thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng thời giảm sức ép của dư luận Mỹ và thế giới đòi Nhà Trắng rút quân. Về phía ta, đi vào đàm phán sẽ mở thêm được một mặt trận mới là ngoại giao. Ngoài ra, để kết thúc chiến tranh thì đằng nào cũng phải có thỏa thuận, ký kết nên hoạt động ngoại giao trước đó là điều tất yếu. Chính các yếu tố đó đã đưa hai bên tiến hành các bước thăm dò để tiến tới Hội nghị Pa-ri.
- Khi rời Hà Nội sang Pa-ri, bà có nghĩ cuộc đàm phán lại kéo dài đến vậy không?
- Biết là sẽ khó khăn nhưng không ai nghĩ đàm phán lại kéo dài đến vậy. Đây là cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng và phức tạp mà chỉ riêng chuyện hình thức chiếc bàn đàm phán thế nào cũng tốn cả tháng trời mới thỏa thuận xong. Lúc đầu, đàm phán chưa đi vào cụ thể. Thêm vào đó từ cuối năm 1969 sang năm 1970, tình hình trên chiến trường miền Nam có khó khăn. Bàn đàm phán vì thế cũng im ắng. Đó là thời gian chán ngán, mình cứ nói và đối phương cũng cứ nói, đến mức có người nói đàm phán gì mà như “hai người điếc nói chuyện với nhau”. Ta lên án tội ác của Mỹ và khẳng định Mỹ xâm lược thì Mỹ phải rút quân không điều kiện. Còn Mỹ thì cứ lặp đi lặp lại yêu cầu miền Bắc phải rút quân khỏi miền Nam thì Mỹ mới rút quân.
Không được nói “có” mà cũng chẳng được nói “không”
- Chúng ta làm thế nào để phản bác yêu sách của Mỹ?
- Lúc đó có một câu hỏi mà các phóng viên nước ngoài luôn đặt ra với hai đoàn Việt Nam là có quân miền Bắc ở miền Nam không (muốn gián tiếp cáo buộc miền Bắc xâm lược miền Nam). Ở nhà chỉ thị sang là không được nói “có” mà cũng chẳng được nói “không”. Bởi nói “có” thì đối phương sẽ xuyên tạc là miền Bắc xâm lược miền Nam. Nhưng nếu nói “không” thì tự chúng ta phủ nhận “hai miền Nam - Bắc là một”.
Suy nghĩ mãi rồi cuối cùng hai đoàn cũng tìm ra được công thức làm các phóng viên chịu không thể vặn vẹo thêm. Đó là Việt Nam là một dân tộc nên bất cứ nơi nào có xâm lược thì tất cả dân tộc Việt Nam có nghĩa vụ và có quyền đánh quân xâm lược. Ta cũng khẳng định Mỹ xâm lược thì Mỹ phải rút quân không điều kiện. Việt Nam có xâm lược Mỹ đâu, có tranh chấp gì đâu với Mỹ mà phải nhượng bộ theo kiểu “tôi nhượng anh cái này, anh nhượng tôi cái kia”. Cứ nói như thế mãi cuối cùng dư luận nghe cũng có lý và chấp nhận.
- Đó là chuyện đấu lý hằng ngày với nhau, song còn muốn tạo được bước ngoặt trên bàn đàm phán thì chắc không thể thiếu những cú đột phá?
- Lúc đầu, ta đưa ra yêu cầu cả gói phải giải quyết cùng một lúc cả hai vấn đề quân sự và chính trị ở miền Nam. Tức là Mỹ phải rút quân cùng với việc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức để mở đường cho hòa giải và hòa hợp dân tộc, thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời gồm ba thành phần.
Nhưng trong quá trình đàm phán thì ta thấy là tình hình chính trị ở miền Nam đã có nhiều thay đổi. Chiến thắng trên chiến trường và việc nhân dân thấy rõ bộ mặt thật của chính quyền Sài Gòn đã đẩy thế của mình mạnh lên cả về quân sự và chính trị. Ta cũng nhận thấy âm mưu của Mỹ là kéo dài đàm phán để Ních-xơn thắng cử nhiệm kỳ hai, sau đó lại tiếp tục “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Từ thực tế đó, Bộ Chính trị chỉ đạo tập trung giải quyết ngay vấn đề quân sự, tập trung buộc Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn sự dính líu quân sự và rút hết quân về nước. Ta tạm thời gác một số vấn đề chính trị ở miền Nam vì hiểu rõ rằng, nếu Mỹ rút đi thì tương quan lực lượng sẽ nghiêng về phía ta, lúc đó đương nhiên việc giải quyết các vấn đề chính trị ở miền Nam sẽ thuận lợi. Đây là sách lược đàm phán cực kỳ khôn khéo và nó đã giúp tạo bước ngoặt trên bàn đàm phán cũng như trên chiến trường miền Nam.
“Điện Biên Phủ trên không” là tất yếu
- Trong đàm phán, chúng ta đã vận dụng rất thành công nghệ thuật ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác. Vậy đâu là cái “bất biến”, đâu là cái “vạn biến” tại Hội nghị Pa-ri?
- Cái “bất biến” là độc lập dân tộc là điều không thể bàn cãi, Mỹ xâm lược thì Mỹ phải rút quân. Còn “vạn biến” thì là tùy lúc mà đưa ra yêu cầu của mình. Vì thế mới có chuyện lúc đầu là lập trường 10 điểm, rồi 8 điểm, 7 điểm, rồi 2 điểm. Thế mới có điều chỉnh đầy khôn khéo như ở trên, giúp tạo bước ngoặt trên bàn đàm phán.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh ở đây phương châm “vừa đánh, vừa đàm” mà chúng ta đã vận dụng rất khôn khéo. Ngoại giao phản ánh chiến trường nhưng không phản ánh một cách thụ động mà chủ động. Khi chiến trường yên ắng thì tập trung tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy nhưng khi chiến trường phát triển thuận lợi thì nhanh chóng chuyển sang khuếch trương thắng lợi, khẳng định thế thắng của mình. Đàm phán vì thế đã phát huy được thế mạnh của chiến trường. Vừa đánh, vừa đàm cũng là để có thời gian để mình có thể giành thêm thắng lợi về quân sự và chính trị, từ đó mà giành thêm sự ủng hộ cả trong nước và quốc tế để có thêm sức mạnh trên bàn đàm phán.
- Hiệp định Pa-ri ký ngày 27-1-1973 về cơ bản không có gì khác với văn bản mà hai bên dự định ký từ 20-10-1972. Vậy tại sao lại có việc Mỹ lật lọng ném bom Hà Nội?
- Lúc đầu hai bên định ký Hiệp định vào 20-10 nhưng thấy còn có điểm chưa thống nhất nên phải chờ các đoàn về xin ý kiến trong nước. Nhưng sau đó Mỹ lật lọng, dùng B – 52 ném bom miền Bắc. Cũng có người nói nếu mình mềm hơn một chút thì có lẽ không có “Điện Biên Phủ trên không”. Tôi thì không nghĩ như vậy. Mỹ có ý đồ riêng của mình, muốn một lần nữa thử sức Việt Nam. Mỹ tính rằng nếu mình thua, hay suy yếu đi thì Mỹ có thể đặt lại điều kiện trên bàn đàm phán. Mỹ cũng hy vọng dùng B – 52 hủy diệt sẽ làm ta yếu đi, một khi Mỹ phải rút đi thì chính quyền Sài Gòn cũng đỡ phải đối đầu với đối phương quá mạnh. Vì thế mà “Điện Biên Phủ trên không” là điều tất yếu phải xảy ra.
Khi nghe Mỹ mang B – 52 ném bom Hà Nội, cả đoàn đều lo. Nhưng khi thấy pháo đài bay của Mỹ bị bộ đội ta bắn hạ thì ai cũng thở phào. Cả thế giới khâm phục Việt Nam và phản đối hành động tội ác của Mỹ. Ngay cả Anh là đồng minh thân cận với Mỹ cũng ra tuyên bố lấy làm tiếc về việc Mỹ ném bom Hà Nội. Mỹ không thu được gì mà lại thất bại cả về quân sự và chính trị.
“Nhà tu” đi đàm phán
- Đàm phán kéo dài và căng thẳng như vậy, có bao giờ bà thấy bi quan không?
- Chán thì có nhưng nản thì không. Chán vì nói đi nói lại nhiều lần quá một nội dung trên bàn đàm phán. Có lúc tôi nói với anh em nghĩ nói điều gì mới chứ cứ nói mãi điều cũ nghe chán quá. Nhiều khi đọc ý kiến của đoàn cảm thấy sao nó giống bài trước thế. Nhưng nản thì không vì lúc nào chúng tôi cũng tin là mình chiến thắng, dù chiến trường không phải lúc nào cũng thuận lợi.
- Cuộc sống và sinh hoạt của hai đoàn ta trong 5 năm đó thế nào?
- Một năm hoặc một năm rưỡi về nước một lần. Đi lại rất khó khăn. Cuộc sống của hai đoàn đại diện cho nhân dân đang chiến đấu, rất đạm bạc nhưng chẳng ai nghĩ đến điều đó. Đoàn miền Bắc mượn được trường Đảng của Đảng Cộng sản Pháp, còn đoàn miền Nam thì phải thuê một biệt thự và một số căn hộ cho anh em ở nên cũng tốn kém. Phóng viên nước ngoài đi điều tra nói đoàn ngụy lương bổng nhiều nên ăn tiêu, chơi bời, còn đoàn Việt cộng chẳng thấy chơi bời gì. Có báo còn nói đùa “hai đoàn Việt cộng như nhà tu” vì ông sống không có bà, bà sống không có ông.
- Ngoài lúc đàm phán, lúc đó đoàn ta có tiếp xúc với đoàn Việt Nam cộng hòa không? Họ có suy nghĩ gì?
- Không có tiếp xúc vì hai bên coi nhau như kẻ thù. Chỉ có mấy người liên lạc của các đoàn có liên hệ với nhau. Chỉ sau khi Hiệp định được ký thì các bên mới gặp nhau bàn việc thực hiện. Tôi có gặp ông Trần Văn Lắm để trao đổi. Ông Lắm nói, nếu mời tôi về Sài Gòn thì tôi có vui lòng không. Tôi trả lời: “Ô, Sài Gòn là của tôi chứ, sao lại không về”.
Được mong chờ đến mức... suýt bị xô ngã
- Sau khi Hiệp định Pa-ri đã được ký kết, chúng ta có tính đến khả năng Mỹ tìm cách quay lại hay không?
- Năm 1974, tôi được cử đi một loạt nước nhằm tạo dư luận ngăn không cho Mỹ trở lại. Đầu 1975, tôi đi Pháp, An-giê-ri, dự định sau Hội nghị châu Phi sẽ đi tiếp Bắc Âu. Nhưng mới đến Tan-da-ni-a thì nhận lệnh ở trong nước trở về vì ta thắng lớn rồi, về ngay để tiếp quản. Tất nhiên ta phải tính đến việc Mỹ quay lại sẽ phức tạp, nhưng tôi nghĩ Mỹ khó có thể trở lại vì sẽ lại thất bại một lần nữa.
- Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với bà trên bàn đàm phán?
- Tất nhiên là lúc ký kết. Khi rời Hà Nội sang Pa-ri, không ai nghĩ đàm phán kéo dài thế. Lúc đàm phán thì cũng không biết khi nào sẽ xong. Chính vì thế mà lúc ký kết thì bao kỷ niệm quá khứ dồn về bởi đó là kết quả của hàng chục năm chiến đấu. Thật vinh dự khi được cùng đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VNDCCH, ký vào 32 chỗ trong các văn bản.
Một kỷ niệm nữa là lần đầu tiên đến Pa-ri. Dư luận đã nghe nhiều đến cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam nên rất chờ đợi đoàn của MTDTGPMNVN. Tôi lại là một phụ nữ nên càng làm cho họ chú ý. Số người ra sân bay đón đoàn rất đông, nhiều người nói là còn đông hơn đón đoàn nguyên thủ quốc gia các nước. Lúc tôi phát biểu đưa ra tuyên bố 5 điểm của Mặt trận ngay sau khi đến sân bay, báo chí xô đẩy nhau làm tôi suýt ngã. Lúc đó có cảm giác thật lạ. Trước, tôi bị Pháp tù đày, nay đến Pháp lại được đón tiếp như vậy thật cảm động. Ra bên ngoài thì gặp đồng bào Việt kiều, có người ôm lấy tôi khóc mà nói rằng, trước đây nếu cầm lá cờ của Việt Nam có khi bị đi tù, nay cờ Việt Nam phấp phới khắp nơi. Điều đó tạo cho tôi cảm giác rất mạnh.
MẠNH TƯỜNG – BẢO TRUNG (thực hiện)