Đó là nội dung được nhấn mạnh trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm A(H5N1) tại Bộ Y tế vào cuối chiều ngày 5-3. Tuy chưa phát hiện thêm ca nhiễm cúm mới ở người, nhưng nhiều ý kiến được đưa ra từ các tiểu ban đều khẳng định sự nguy hiểm của cúm A(H5N1) đã ở rất gần.
Liên quan trực tiếp với dịch cúm gia cầm
TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng tiểu ban Giám sát của Ban chỉ đạo đã khẳng định cúm gia cầm và cúm A(H5N1) liên quan trực tiếp với nhau nhưng trên thực tế sự liên kết và phối hợp giữa thú y và y tế dự phòng là chưa tốt. Theo ông Hiển dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng hiện nay tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm sống, chưa kiểm dịch vẫn diễn ra bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra, mà nguyên nhân chính là chưa thấy mức độ nghiêm trọng của dịch và một phần do kiểm soát, xử lý chưa nghiêm.
 |
Tiêm phòng cho đàn gia cầm (ảnh internet) |
Thông tin từ Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE) đưa ra chỉ riêng tháng 2-2008 đã có thêm ổ dịch cúm gia cầm mới ở 13 quốc gia trên thế giới. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 11-2003 đến nay trên thế giới đã ghi nhận 370 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại 14 quốc gia và đã chết 236 người. Trong đó đặc biệt nghiêm trọng ở một số nước như In-đô-nê-xi-a mắc 128 chết 105, Việt Nam mắc 105 chết 51, Trung Quốc mắc 30 chết 20…Và chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, từ 13-2 đến 5-3 năm 2008 trên thế giới đã có thêm 10 người mắc cúm A(H5N1), trong đó 3 trường hợp ở Việt Nam đều đã tử vong. Ở nước ta, gần như xuất hiện ca mắc cúm A(H5N1) nào thì tử vong ca đó, khả năng điều trị là không thể (từ 6-2007 đến nay các ca mắc đều tử vong). Như vậy có thể thấy tuy chưa thành dịch nhưng những ca cúm lẻ tẻ ở người có xu hướng tăng lên và ngày càng nguy hiểm. Tình hình dịch cúm gia cầm phức tạp, xuất hiện nhiều đợt, ổ dịch mới tại 24 xã, 18 huyện, 12 tỉnh từ đầu năm 2008 đã khiến cho nguy cơ cúm A(H5N1) tăng cao nhưng lại chưa có sự phối hợp hiệu quả, phát hiện và kiểm soát bệnh giữa thú y và y tế dự phòng.
Tuyên truyền thiếu đồng bộ
Số ổ dịch cúm gia cầm và ca mắc nhiễm cúm A(H5N1) ở trên thế giới và nước ta vẫn tiếp tục tăng thêm (đặc biệt từ cuối 2007 đến nay), Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo với cả hai loại cúm ở gia cầm và người. Nhưng trên thực tế hoạt động ở tiểu ban tuyên truyền và tiểu ban hậu cần còn chưa hiệu quả và không hợp lý. Cúm gia cầm rất nguy hiểm nhưng cúm A(H5N1) còn nguy hiểm hơn vì nhiễm ở người và khả năng cứu chữa là hiếm hoi. Các chương trình truyền hình, các cơ quan báo chí hằng ngày vẫn thông tin đều về dịch cúm gia cầm nhưng lại rất ít tuyên truyền về cúm A(H5N1) ở người. Điều này làm cho người dân chủ quan, không nhận thức được mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của cúm A(H5N1) nên vẫn giết mổ, tiêu thụ gia cầm sống hay thậm chí gia cầm chết bệnh.
Thêm một lý do nữa là công tác chuẩn bị hậu cần, thuốc men của Ban chỉ đạo còn nhiều vướng mắc. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia cho biết, Viện là đơn vị đầu ngành chịu trách nhiệm tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc cúm A(H5N1) và một số loại cúm nguy hiểm khác nhưng hiện nay số thuốc đặc trị Taminflu cấp cho viện đều đã hết hạn sử dụng. Bộ Y tế chưa cấp thêm thuốc mới nhưng lại yêu cầu không được hủy thuốc cũ. Ông Hà khẳng định, Bộ và Ban chỉ đạo cần thu hồi hoặc cho tiêu hủy thuốc hết hạn, phân phối ngay thuốc Taminflu mới cho các đơn vị, đặc biệt là cơ sở điều trị.
Cùng ý kiến với ông Hà, Đại tá Phạm Hồng Dương, Trưởng phòng Vệ sinh phòng dịch, Cục Quân y, Bộ Quốc Phòng cho biết: Cục xin cấp 5000 viên Taminflu của Đài Loan, Trung Quốc vào tháng 2 nhưng thực tế số thuốc đưa xuống chưa kịp sử dụng đã hết hạn vào tháng 3. Tiểu ban hậu cần thông báo thêm thời hạn một năm đối với thuốc nhưng ở đơn vị tiếp nhận thấy thời hạn sử dụng thuốc đã hết thì không dám dùng.
Theo dự kiến sáng 6-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang sẽ chủ trì cuộc họp để giải quyết việc thuốc Taminflu. Đại diện tiểu ban hậu cần của Ban chỉ đạo lại đưa ra ý kiến bất cập về việc Bộ Y tế cấp dụng cụ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch cho các Sở Y tế địa phương nhưng Sở Y tế lại giao toàn bộ cho Trung tâm Y tế dự phòng. Trong khi các đơn vị điều trị trực tiếp là bệnh viện lại không được nhận. Có thể thấy tình hình dịch đang rất phức tạp nhưng ngay chính công tác tuyên truyền, hậu cần phục vụ chống dịch còn rất nhiều vướng mắc cần phải giải quyết.
Dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) ở người diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn ở khu vực Đông Nam châu Á, nhất là khi những đàn chim di cư lớn tiếp tục là tác nhân phát tán, lây nhiễm thêm nhiều ổ dịch cúm tại nhiều quốc gia. Trước tình trạng này Bộ Y tế, các Ban chỉ đạo cần có những chuyển biến cụ thể, quyết liệt hơn trong mọi hoạt động mới có thể kịp thời phòng, chống hiệu quả cả hai dịch cúm đặc biệt nguy hiểm này.
GIANG HOÀNG