Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung của các dự thảo báo cáo đã bước đầu tập hợp, tổng hợp được các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, tuy còn thiếu nội dung báo cáo của một số cơ quan và 63 đoàn đoàn đại biểu Quốc hội nhưng cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Cần phản ánh tâm trạng của nhân dân thực tế hơn

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đặt trong bối cảnh tình hình diễn biến và những hệ lụy của đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại nước ta, các Báo cáo trình ra tại Quốc hội trong kỳ họp thứ 2 tới đây sẽ được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm và đặc biệt theo dõi. Bởi vậy, trong quá trình tổng hợp xây dựng và hoàn thiện báo cáo, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, thận trọng cân đối những nội dung cử tri đánh giá tích cực và những nội dung cử tri bày tỏ lo lắng sao cho hài hòa, khách quan nhưng cũng phải khơi được niềm tin trong nhân dân.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thì cho rằng, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, tâm trạng của nhân dân có nhiều thay đổi. Do đó báo cáo cần phản ánh được tâm trạng của người dân một cách thực tế hơn.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và sự vào cuộc chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch của các địa phương đã gây ra tâm trạng bất an trong một bộ phận nhân dân. Nhắc lại một số câu chuyện như “bánh mỳ không phải thực phẩm thiết yếu”, các vụ đánh người thi hành công vụ, hay một đợt di dân chưa từng thấy kể từ năm 1975 trở lại đây... Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, những việc này cần được xem xét trong báo cáo để nhân dân thấy được tâm trạng, nguyện vọng của mình được phản ánh đầy đủ.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng, chiến lược chống dịch còn có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng như câu chuyện giãn cách, cách ly, vaccine phòng Covid-19... “Những vấn đề này cần phải nêu trong báo cáo”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH 

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đặc biệt lưu ý báo cáo cần nhấn mạnh đến việc khẩn trương xác lập trạng thái bình thường mới, thống nhất, vĩ mô, để từ đó phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống bình thường cho người dân, trong đó có việc học hành của trẻ em. Chính sách này phải vĩ mô, tránh kiểu mỗi nơi mỗi kiểu.

Làm rõ thêm những lo lắng của người dân về an toàn trường học, phân bổ vaccine

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, báo cáo mới nghiêng nhiều về phần Trung ương, chưa đề cập nhiều đến địa phương.

Theo Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, báo cáo cần nhấn mạnh thêm đến một hình ảnh đẹp là sự trợ giúp, đưa đón hàng nghìn người dân từ vùng dịch về quê trong thời gian gần đây. Đồng thời, báo cáo cũng cần nhấn mạnh thêm những lo lắng của người dân về an toàn trường học, y tế học đường, hỗ trợ trang thiết bị dạy và học, việc phân bổ vaccine, tổ chức tiêm phòng, xét nghiệm, việc di chuyển của người dân từ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam về quê hay về phía Bắc có nguy cơ lây lan dịch bệnh....

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh đến vấn đề tội phạm phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh như lừa đảo qua mạng, tội phạm manh động, nguy hiểm, chống người thi hành công vụ..xảy ra gần đây cần được làm rõ trong báo cáo. Đồng thời, báo cáo cũng cần có thêm nội dung thể hiện sự chia sẻ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự đau thương, mất mát của các gia đình có người tử vong hay các gia đình khó khăn do dịch bệnh trong thời gian vừa qua.

 Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

* Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân cảm nhận sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ và sáng kiến pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Cử tri, nhân dân đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước đã kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; quyết định đưa lực lượng tuyến đầu vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch cũng như các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng tuyến đầu, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên… không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hy sinh quên mình để phòng, chống dịch và chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, nguồn lực của đất nước còn hạn chế, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế, xã hội. Đến nay, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động. Qua đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công chức, viên chức, các ngành, các cấp, nhất là cán bộ cơ sở, các tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc Covid-19; những đồng chí hy sinh, những người tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, đồng thời có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch và các hoạt động thiện nguyện.

NGUYỄN THẢO