Các đồng chí lãnh đạo khiêng linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt ra xe tang.

- Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đọc lời điếu.

- Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, quân đội chuyển linh cữu lên xe tang.

Sáng 15-6, Lễ truy điệu và an táng đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được cử hành trọng thể tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng các đồng chí: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, cùng nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thường trực Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí cách mạng lão thành, nhân sĩ, trí thức, đại diện các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo, bạn bè quốc tế, cùng nhân dân đã có mặt trong giờ phút thiêng liêng, cảm động, tiễn đưa đồng chí Võ Văn Kiệt về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đúng 9 giờ, Lễ truy điệu được bắt đầu trong nền nhạc Quốc ca hùng tráng. Cả hội trường Thống Nhất lặng phắc kính cẩn cúi đầu tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong không khí trang nghiêm và xúc độngå, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đọc điếu văn, ôn lại tiểu sử và công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân. (Toàn văn bài điếu văn đăng trên số báo hôm nay).

Anh Phan Thanh Nam, con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xúc động thay mặt gia quyến đọc lời phát biểu. Giọng anh nghẹn ngào: Trong lưu bút để lại, ba có viết: “Tôi biết khi tôi mất đi thì tôi không còn là của riêng tôi nữa”. Điều đó chúng con hiểu, tới giờ phút cuối cùng ba vẫn luôn phục tùng tổ chức, để nhắc nhở chúng con phải luôn làm theo ý Đảng, lòng dân. Chúng con hứa sống, làm việc, nuôi dạy các cháu của ba trở thành những công dân có ích cho đất nước”.

Đúng 10 giờ, trong nền nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ”, với niềm tiếc thương vô hạn, các đồng chí Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Tòng Thị Phóng, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến đồng chí Võ Văn Kiệt đã chuyển linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt lên xe tang. Khi thực hiện nghi lễ di quan, ai cũng rưng rưng. Dòng người lặng lẽ lau nước mắt. Dường như trong tâm khảm mỗi người đang mang nặng tâm trạng tiếc thương bởi cuộc đưa tiễn cuối cùng này đến bất ngờ quá, đột ngột quá. Ai cũng muốn níu kéo thêm thời khắc được ở bên người đồng chí, đồng đội, người ông, người cha, người anh đáng kính trước khi đưa linh cữu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về nơi an nghỉ cuối cùng...

10 giờ 30 phút, chiếc xe tang lễ của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 từ từ lăn bánh rời Hội trường Thống Nhất.

Chúng tôi hòa vào dòng người đưa tiễn.

Đoàn xe tang lễ đi giữa những ánh mắt tiếc thương.

Công viên Thống Nhất và các tuyến đường lân cận trở thành một biển người tiễn đưa đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhiều người, trong đó có cả những cụ già và các em nhỏ, đã đặt tay lên ngực, mắt đỏ hoe hướng về chiếc

Đông đảo đồng bào, đồng chí tham dự Lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Võ Văn Kiệt.

xe chở linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt. Có nhiều người khuyết tật, ngồi xe lăn cũng được người nhà đưa đến công viên Thống Nhất để đưa tiễn chú Sáu Dân. Bà Phạm Thị Lài, cựu Thanh niên xung phong Trường Sơn, nhà ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, được cháu nội dìu đến đây, tâm sự:

- Trong tâm khảm, chúng tôi luôn coi anh Sáu Dân như một người anh lớn của Đại gia đình Thanh niên xung phong. Anh ra đi, với chúng tôi, đó là sự mất mát lớn như mất tình ruột thịt.

Ngồi trên xe lăn, anh Nguyễn Kim Cương bật khóc khi đoàn xe lăn bánh qua cổng Hội trường Thống Nhất. Anh nói: “Chú Sáu Dân là con người của dân nghèo. Người khuyết tật tụi tui có được cuộc sống hôm nay cũng nhờ công ơn của chú từ thời chú còn làm Bí thư Thành ủy. Dù người đang bị đau, nhưng tui ráng đến đây đưa tiễn chú về nơi an nghỉ cuối cùng cho trọn chữ đạo”.

Đoàn xe đi. Chầm chậm. Trang nghiêm. Dòng người dọc các tuyến đường quen thuộc hướng về nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh đưa tiễn đồng chí Võ Văn Kiệt cũng trang nghiêm, lặng lẽ, thành kính.

Đúng 11 giờ 30 phút, tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh, lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt đã được cử hành trọng thể theo nghi thức cổ truyền của dân tộc. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng đồng bào, đồng chí và gia quyến, kính cẩn nghiêng mình lần cuối trước linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt.

Thời khắc hạ quan, hàng trăm người bật khóc nức nở. Đó là thời khắc con người mình vô vàn yêu quí, kính trọng và ngưỡng mộ, mãi mãi ngủ yên dưới lòng đất mẹ.

Sáng ngày 15-6, tại Hà Nội, lễ viếng và truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11–Lê Hồng Phong.

Nhiều đoàn đại biểu đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương ở vùng sâu, vùng xa sau hai ngày đường vất vả, hôm nay mới đến Hà Nội và vào viếng đồng chí Võ Văn Kiệt từ rất sớm. Các đồng chí: Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Trung tướng Bùi Văn Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các đoàn đại biểu đại diện cơ quan Trung ương và Hà Nội cũng có mặt từ rất sớm.

Trong sổ tang xuất hiện rất nhiều trang ghi lại tình cảm của những người dân, những thanh niên, trí thức trẻ, những người đã và đang được hưởng thành quả bước đầu của công cuộc đổi mới mà đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Họ đã thu xếp thời gian đến bày tỏ niềm tiếc thương, kính trọng ông.

Đúng 9 giờ, các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ đang làm việc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế đã kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh và bàn thờ đồng chí Võ Văn Kiệt, hòa nhịp đập cùng triệu trái tim của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế hướng về lễ truy điệu và an táng đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức trọng thể tại Thành phố Hồ Chí Minh và được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp.

Ngày 15-6-2008, đất mẹ ở nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh đón một trái tim lớn, một bộ óc lớn, một nhân cách lớn, dù đã ngừng đập, ngừng tư duy, nhưng những gì ông đã làm được cho dân, cho nước, những gì ông để lại cho đời thì đã thuộc về những giá trị vĩnh hằng...

PHAN TÙNG SƠN, HỒNG HẢI