Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, điều hành quyết liệt, kịp thời. Đến nay, cơ bản việc sử dụng hợp lý toàn bộ mặt bằng đô thị có nhiều đổi mới, bức tranh toàn cảnh về đô thị trên phạm vi cả nước có nhiều khởi sắc, nhiều nơi đã tạo lập được không gian đô thị khang trang, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong thời kỳ mới. Nhiều doanh nghiệp có những đóng góp rất quan trọng, tạo đất đầm lầy, đất thường trở thành đất vàng, trở thành khu đô thị khang trang và hoành tráng...

Tuy vậy, dù được xác định là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế song công tác quản lý đất đai thời gian qua ở nhiều nơi được nhận định còn tùy tiện, nhiều sai sót, lãng phí và không hiệu quả.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đánh giá: Năng lực xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, dự báo tình hình còn những hạn chế, dẫn đến bức xúc của người dân vì quy hoạch treo và đã “treo” luôn quyền lợi của người dân, như tình trạng tạm cư nhiều năm, không được làm bất cứ cái gì mới liên quan đến nhà ở và ngay trên mảnh đất của mình.

“Nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch treo, chính quyền biết, doanh nghiệp biết nhưng việc ban hành chủ trương chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân thì chưa được chú trọng, dẫn đến việc tăng lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo”, đại biểu nói.

Đại biểu tỉnh Thanh Hóa đặt vấn đề, trong các báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa chỉ ra điều chỉnh quy hoạch nào không vì lợi ích chung mà do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý, mặc dù 5 năm qua đã có hàng nghìn tỷ đồng, hàng ngàn hecta đất được thu hồi, có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh.

Đại biểu cũng băn khoăn trước việc nhà đầu tư tự ý sử dụng đất đối với các khu đất đã được thực hiện chuyển nhượng, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, thực hiện chuyển quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô, bán nền chưa đúng quy định của pháp luật đất đai.

Đại biểu cho rằng, đây là việc làm tùy tiện, vi phạm pháp luật, có biểu hiện ưu ái cho doanh nghiệp “sân sau” của người có thẩm quyền và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, dẫn đến khiếu nại, kêu cứu nhiều cơ quan... “Những vấn đề trên còn tồn tại ở nhiều đô thị, nhiều địa phương cho thấy việc tập trung nguồn lực đất đai về ngân sách nhà nước chưa được chú trọng. Nhiều địa phương đang tạo ra cơ chế thoáng để thu hút đầu tư, còn một số cán bộ thoái hóa đang chú trọng cho nhóm lợi ích riêng đang tồn tại cùng hỗ trợ và đối phó với cơ quan pháp luật, cơ quan chức năng”, đại biểu nhận định.

Từ những tồn tại trong tổ chức thực hiện, đại biểu tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ giao Quốc hội khẩn trương xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện bổ sung tạo hành lang pháp lý quan trọng đối với công tác quản lý, sử dụng đất đô thị, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, viết lại kẽ hở để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch tạo đất sạch để đấu giá, chấm dứt tình trạng giao cho thuê đất theo hình thức chỉ định, dừng sử dụng quỹ đất để thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư dự án, BT bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai với mọi thành phần.

Cùng mối quan tâm về dự án treo, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) băn khoăn cho rằng: Dù báo cáo đã thể hiện bao trùm nhưng thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực này, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8b Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (Hà Nội) hay việc “xà xẻo” các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn...

“Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân”, đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đặt vấn đề, thay vì quỹ đất sau khi di dời cơ quan, đơn vị được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định thì hầu hết lại được quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng...

“Những sai phạm này có phải cố tình gạt đi lợi ích được các nhà lập pháp khóa XIII trân trọng trao cho nhân dân Thủ đô và các cấp quản lý, những gì họ đấu tranh để có được từng nút bấm thì giờ đây thành quả đã đi đâu, phục vụ cho ai; ngoài việc phá vỡ quy hoạch, những hệ lụy về môi trường, hạ tầng kỹ thuật và giao thông quá tải đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đô thị, chất lượng cuộc sống của nhân dân...”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát phải bổ sung đầy đủ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thuộc về Quốc hội nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những luật khung, luật ống, những chế định mập mờ, chồng chéo, không khả thi. Theo đại biểu, cần nhiều hơn những biện pháp đủ mạnh và toàn diện của nghị quyết sau giám sát để giải quyết các vấn đề tồn tại.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) thì cho biết, qua giám sát cho thấy việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khoảng trống pháp lý, quá trình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình lập quy hoạch còn nhiều hạn chế.

“Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là việc điều chỉnh của bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, đã phá vỡ quy hoạch ban đầu. Đúng là trong quá trình triển khai quy hoạch vẫn cần phải điều chỉnh, nhưng nhiều quy hoạch điều chỉnh theo hướng tư lợi hay tư duy chủ quan hoặc theo đề xuất của chủ đầu tư”, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu nhấn mạnh: Điều chỉnh bộ quy hoạch chi tiết tuy có điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư nhưng việc điều chỉnh trong nhiều trường hợp còn chưa tương xứng, dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước; trong nhiều trường hợp, điều chỉnh dẫn đến gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như cơ sở hạ tầng...

Cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là chúng ta chưa có hệ thống thiết chế đánh giá độc lập để theo dõi quá trình triển khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đại biểu đề nghị, quy hoạch sử dụng đất được sử dụng phải là kịch bản cho kế hoạch sử dụng đất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất phải phân tích được chi phí, lợi ích về xã hội và môi trường, sử dụng nguồn lực đất đai trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Quá trình lập kế hoạch chi tiết của bộ quy hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất lấy ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cấp trên của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện.

THẢO NGUYỄN