QĐND - Không ít doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn ngay tại sân nhà khi phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu chất lượng thấp và giá thành rẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các hàng rào kỹ thuật trong thương mại của nước ta chưa được hoàn thiện và chưa thực sự trở thành các công cụ bảo vệ thị trường trong nước và kiểm soát hàng nhập khẩu…
Hàng nhập khẩu kém chất lượng tự do xâm nhập
Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường rộng lớn của hơn 150 quốc gia trên thế giới. Sau 5 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mỗi năm. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có không ít khó khăn và thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa. Nhiều loại hàng hóa nhập khẩu được đánh đồng với hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại có giá thấp hơn nhiều so với hàng nội địa.
 |
Hàng hóa trong nước và nhập khẩu được bày bán đa dạng trong một siêu thị tại TP Hồ Chí Minh.
|
Các sản phẩm của Công ty Cao su miền Nam-Casumina là một ví dụ. Để có mặt ở nhiều nước trên thế giới, công ty phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu và hàng rào kỹ thuật của nhiều thị trường khó tính. Dù được đánh giá cao trên thị trường quốc tế nhưng sản phẩm của công ty lại thua ngay trên sân nhà bởi một số sản phẩm nhập khẩu cùng loại có chất lượng và giá thành thấp hơn. Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Casumina, cho biết: “Từ lâu, công ty đã phải tuân thủ các hàng rào kỹ thuật tại nhiều quốc gia khác khi xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có hàng rào kỹ thuật đối với ngành săm lốp. Vì vậy, các sản phẩm nhập khẩu dễ dàng vào thị trường Việt Nam mà không phải tốn chi phí để xin dấu chất lượng. Giá bán thấp nên đương nhiên các sản phẩm nhập khẩu có lợi thế hơn”.
Không chỉ có sản phẩm của Công ty Casumina mà rất nhiều mặt hàng khác của Việt Nam cũng đang chịu thua thiệt ngay trên sân nhà do thiếu các hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Điều dễ nhận thấy là, các mặt hàng nông sản ngoại nhập đang lấn át các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Cả doanh nghiệp và người nông dân đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ và định giá hàng hóa vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập. Mặt khác, một số sản phẩm nhập khẩu vào nước ta chưa có hàng rào kỹ thuật thông qua hoặc áp dụng mức bảo vệ thấp khiến chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm không được bảo đảm.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu hơn 1,4 tỷ USD. Nhập siêu tăng trong mấy tháng trở lại đây cho thấy, các doanh nghiệp tăng nhập nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lại gặp khó khăn vì chịu sự cạnh tranh thiếu công bằng với các cơ sở nhập khẩu linh kiện giá rẻ về lắp ráp thành phẩm bán tại thị trường nội địa. Những thành phẩm lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu kém chất lượng luôn có giá thấp hơn với các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất trong nước. Không chỉ doanh nghiệp, nhà sản xuất mà cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng từ những sản phẩm kém chất lượng trên thị trường.
Cần thiết phải xây dựng hàng rào kỹ thuật
Hàng rào kỹ thuật trong thương mại thực chất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh... Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều dùng hàng rào kỹ thuật như một biện pháp nhằm bảo vệ thị trường nội địa và người tiêu dùng. Đó cũng là lý do vì sao các nước thành viên WTO đều thiết lập và duy trì một hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu. Trên thế giới, các nước công nghiệp phát triển, một mặt luôn đi đầu trong việc đòi hỏi phải mở cửa thị trường và thúc đẩy tự do hóa thương mại, mặt khác luôn tìm kiếm các rào cản tinh vi và phức tạp thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng về bán lẻ, đầu tư, cũng như mức độ ổn định và tăng trưởng kinh tế nên được các nước rất quan tâm, đưa hàng hóa vào tiêu thụ. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới rất quyết liệt trong việc xây dựng hàng rào kỹ thuật thì Việt Nam đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật thương mại nhằm bảo vệ người tiêu dùng và khuyến khích hàng hóa sản xuất trong nước. Để kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong nước, đã đến lúc Việt Nam phải xây dựng và sử dụng các hàng rào kỹ thuật thương mại phù hợp với khuôn khổ WTO. Mặt khác, việc hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật còn để bảo đảm an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng, chống gian lận thương mại, an ninh quốc gia cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đề nghị các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu biện pháp xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước trước sự tràn ngập của hàng ngoại. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TP Hồ Chí Minh, cho biết: Do các hàng rào kỹ thuật trong nước chưa đủ để bảo vệ sản phẩm trong nước, nên hiện nhiều mặt hàng cao su, lốp xe của Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi hàng nhập từ Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Thái Lan... ngay tại thị trường nội địa.
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện các hàng rào kỹ thuật thương mại để kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu và bảo vệ hàng nội. Phần nhiều các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật được ban hành hầu như không còn phù hợp với xu thế phát triển nhanh về công nghệ và yêu cầu bảo vệ môi trường. Vì vậy, Việt Nam cần sớm hoàn thiện và bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thương mại, đáp ứng hài hòa giữa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế. Ông An cho biết thêm, nhiều nước dù không xây dựng rào cản kỹ thuật nhưng họ đã sử dụng những bộ tiêu chuẩn về chất lượng của các nước khác phù hợp với quốc gia họ.
Chưa xây dựng hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật trong thương mại đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa được bảo vệ đúng mức. Chính vì vậy, các cơ quan, ban ngành có chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng các hàng rào kỹ thuật thương mại trong khuôn khổ WTO, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội trên thị trường vốn đang khó khăn như hiện nay.
Bài và ảnh: MINH THƯ