QĐND - Địa danh Truông Bồn đã trở thành biểu tượng lịch sử, ghi dấu những ngày tháng quật khởi của quân dân xứ Nghệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về lại nơi đây đúng vào dịp kỷ niệm 44 năm chiến thắng Truông Bồn (31-10-1968 / 31-10-2012), mỗi chúng tôi lại nghẹn ngào khi nhớ đến 13 anh hùng liệt sĩ của Đại đội thanh niên xung phong (TNXP) 317. Họ không chỉ còn mãi trong ký ức của những người ở lại mà luôn sống cùng với địa danh Truông Bồn...

Nhớ về người đã khuất

Buổi sáng mùa thu dịu mát, ánh nắng vàng nhè nhẹ trải dài trên Quốc lộ 15A, đưa chúng tôi về với xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), nơi có địa danh Truông Bồn huyền thoại. Trên những ngọn đồi dọc hai bên đường, cây cối xanh ngút ngát, nhưng cũng không khó nhận ra di chứng chiến tranh vẫn còn hiện hữu với những hố bom hằn sâu vào lòng đất. Thăm Nhà tưởng niệm tại khu di tích Truông Bồn, cũng là nơi đặt ngôi mộ chung của 13 anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 317, chúng tôi thực sự xúc động. Bao người đã đến đây, đã chứng kiến sự đổi thay của vùng đất này, tất cả đều lắng đọng một niềm xúc động khi nghe bà Nguyễn Thị Vinh kể lại câu chuyện về các anh, các chị. Đã hơn 40 năm nay, bà Vinh tình nguyện là người trông coi, bảo vệ khu di tích từ khi nơi đây mới chỉ là ngôi nhà đơn sơ. Trong niềm hồi tưởng, bà Vinh nhắc đến buổi sáng ngày 31-10-1968, thời khắc định mệnh khi loạt bom giội xuống Truông Bồn cướp đi sinh mạng của 13 chiến sĩ TNXP cùng một lúc. “Bom dữ dội, chúng tôi không ai dám ra khỏi hầm, đến khi máy bay địch rút, mặt đất đã bị san phẳng hết, khu vực hầm của các o, các chú cũng không còn thấy dấu tích”, bà Vinh nhớ lại.

Khu di tích Truông Bồn nằm ngay bên Quốc lộ 15A với quy mô còn khiêm tốn.

Truông Bồn vốn là nơi có địa hình phức tạp, đường đi hẹp và dốc, lại phải qua cả một dãy núi đồi liên tiếp, chênh vênh bên những vực sâu. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, địch phát hiện ra Truông Bồn là “yết hầu” vận tải ở mặt đất, nên không tiếc bom đạn hủy diệt. Để bảo đảm mạch máu giao thông cho "tọa độ lửa" Truông Bồn, vào đầu năm 1967, Đại đội TNXP 317 được điều chuyển đến đây. Đơn vị chọn 14 chiến sĩ làm nhiệm vụ trực chiến hằng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay địch, san lấp hố bom, dẫn đường cho những chuyến xe đi qua. Rạng sáng ngày 31-10-1968, khi cả đại đội đang tập trung san lấp hố bom, bất ngờ có báo động máy bay Mỹ đến oanh tạc. 14 chiến sĩ làm nhiệm vụ trực chiến cũng là những người cuối cùng rút vào hầm trú ẩn. Trong biển lửa mịt mù của hàng trăm quả bom rải xuống, nhiều hầm trú ẩn bị bom san phẳng, 13 người trong số 14 chiến sĩ TNXP can trường đó đã anh dũng hy sinh.

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhắc lại ký ức bi thương đó, nỗi đau vẫn như còn đọng lại vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người. Riêng đối với vợ chồng cụ Thởm - những người dân sống tại địa phương thuở đó - thì sự ra đi của các anh, các chị còn như mất đi người thân trong gia đình. Hai cụ đã nuôi dưỡng nhiều lớp TNXP. Trong đó, có chị Trần Thị Thông và chị Đinh Thị Vinh, hai trong số 14 chiến sĩ TNXP trực chiến tại Truông Bồn vào buổi sáng ngày 31-10-1968. Chị Trần Thị Thông là người duy nhất còn sống sót sau buổi sáng hôm đó. Năm nay đã ngoài 90 tuổi, khi nhắc đến hai cô gái, cụ Thởm lại nghẹn ngào: “Các o cũng như con của mẹ. Nhà mẹ có hai anh đi bộ đội, dù mang thương tật nhưng còn may mắn trở về. Còn o Vinh ra đi khi tuổi đời trẻ quá”. Lời nói của cụ Thởm càng thôi thúc chúng tôi tìm gặp chị Trần Thị Thông, nhân chứng sống đã vượt qua thời khắc cái chết cận kề.

Nhân chứng sống của lịch sử

Trong ký ức của người dân Mỹ Sơn, việc cứu sống chị Trần Thị Thông khi đã bị đất đá vùi lấp vẫn được nhắc lại như một câu chuyện thần kỳ. Người con gái đôi mươi, Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ TNXP năm nào giờ tóc đã điểm bạc. Vóc người chị nhỏ nhắn, có phần gầy yếu bởi di chứng chiến tranh. Đối với chị, sau hơn 40 năm còn được sống để kể lại câu chuyện Truông Bồn là niềm may mắn lớn nhất so với biết bao đồng đội đã nằm lại chiến trường.

Chị Thông xúc động nhớ lại: “Khi chúng tôi xuống hầm trú ẩn, máy bay địch đã tiến sát. Trong hầm lúc đó, ngoài tôi còn có anh Hòa và o Vinh. Khi hầm bị trúng bom, tôi cũng bất tỉnh. Sau này, nghe kể lại mới biết đồng đội tìm thấy tôi nhờ có đầu súng trường nhô lên khỏi lớp đất đá. Lúc đó, có một đơn vị bộ đội hành quân qua, họ đã giúp sức đào bới đưa tôi lên cũng như cấp cứu, hồi sức. Đến khi tỉnh lại, tôi mới biết o Vinh, anh Hòa cùng 11 anh chị em khác đã không còn...”.

Vừa kể chị Thông vừa lấy tay lau mắt!

Buổi sáng hôm đó, các chị đã hẹn nhau, chiều về sớm để chia tay 3 người có giấy báo nhập học vào các trường trung cấp của tỉnh Nghệ An. “Các em bảo tôi cho làm một buổi cuối cùng để chia tay cuốc xẻng, kẻo ngày mai đi nhập học lại thấy nhớ. Nhưng có ai ngờ, đó là buổi cuối của cả cuộc đời các em”, chị Thông ngậm ngùi.

Chị Trần Thị Thông (thứ hai từ phải sang) giản dị giữa đời thường.

Trong ngôi nhà khiêm tốn nép mình nơi ngõ nhỏ của phường Đông Vĩnh (thành phố Vinh), chị Thông dành một góc trang trọng để đặt bàn thờ 13 đồng đội. Người phụ nữ can trường năm xưa nay đi đâu cũng phải có người kèm. Mỗi khi trái gió trở trời là bệnh tật tái phát, nhưng chị vẫn đều đặn về lại Truông Bồn hằng năm. Chị thăm hai vợ chồng cụ Thởm - người cha, người mẹ đã bao bọc chị và những đồng đội năm xưa.

Anh Nguyễn Tâm Cớn, Tiểu đội trưởng Tiểu đội phá bom (Đại đội TNXP 317) là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, cũng là người đào từng nắm đất tìm kiếm chị Thông và đồng đội. Anh kể: “Đã qua nhiều chiến trường, nhưng chưa bao giờ tôi thấy trận bom ác liệt như vậy. Sau khi bom rơi trúng hầm, cả ngày đầu tiên chúng tôi chỉ tìm thấy chị Thông. Hai ngày sau mới tìm được thêm hai người nữa. 13 đồng đội ngã xuống nhưng sau nhiều ngày tìm kiếm chỉ thấy được 6 người thân xác còn nguyên vẹn”.

Anh trao cho chúng tôi tập tài liệu photo từ bản gốc tìm thấy tại nhà chị Hoàng Thị Nhung, một trong số 13 liệt sĩ. Đó là những tư liệu quý giá chứng thực một phần lịch sử Truông Bồn. Anh Cớn nhớ lại, trong một lần đến thăm nhà liệt sĩ Hoàng Thị Nhung, ở huyện Yên Thành (Nghệ An), anh bất ngờ tìm được những bản viết tay gói cẩn thận trong lớp ni-lông. Trên nền giấy đã ngả màu, anh nhận ra biên bản hiện trường sau trận bom ngày 31-10-1968, cùng với sơ đồ nơi chôn cất liệt sĩ. Trong đó, còn có cả giấy báo nhập học của chị Nhung. Có nhiều ước mơ của các anh, các chị TNXP 317 vẫn còn chưa kịp viết hết, họ đã mãi gửi lại cuộc đời mình nơi chiến trường ác liệt. Sự hy sinh ấy góp phần to lớn vào huyền thoại Truông Bồn.

Chỉnh trang di tích Truông Bồn

Truông Bồn cùng với nhiều địa danh như Hoàng Mai, Bến Thủy, cầu Cấm, cầu Bùng đã ghi dấu những chiến công thầm lặng của lực lượng TNXP trên khắp miền đất Nghệ An. Biết bao xương máu đã đổ xuống để những tuyến đường huyết mạch thông suốt từ Bắc vào Nam. Nói về Truông Bồn, bà Phạm Thị Phòng, Phó chủ tịch Hội cựu TNXP Nghệ An chia sẻ: Truông Bồn đã trở thành chứng tích tươi rói về những ngày tháng đỏ lửa. Nơi đây, đã chứng kiến tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của những chiến sĩ TNXP. Họ đã không tiếc xương máu của mình để những địa danh trở thành bất tử. Truông Bồn đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia vào năm 1996. Đến năm 2008, tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ Truông Bồn, năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 175 tỷ đồng, nhưng do nguồn vốn khó khăn nên đến nay mới chỉ hoàn thành tôn tạo ngôi mộ tập thể của 13 liệt sĩ và nhà che mộ với quy mô còn khiêm tốn. Năm 2012, dự án được khởi động lại với sự vào cuộc của ngành giao thông vận tải (GTVT) cùng sự ủng hộ của nhiều tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước.

Ngày 27-10 tới, cùng với việc khởi công dự án cải tạo tuyến đường này, nhiều hạng mục của khu di tích Truông Bồn như đền thờ, nhà trưng bày, đài tưởng niệm cũng sẽ bắt đầu xây dựng. Đó là việc làm thiết thực của thế hệ hôm nay tri ân các anh hùng liệt sĩ vào đúng dịp kỷ niệm 44 năm chiến thắng Truông Bồn ...

Bài và ảnh: ĐỖ MẠNH HƯNG