Bất ngờ Chủ tịch Quốc hội
QĐND - Tháng 8 năm 2008, tôi nhận được điện của Văn phòng Quốc hội thông báo sẽ tham gia đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi. Đúng … giờ, ngày … có mặt tại ga Hà Nội. Nhận điện, tôi nghi ngờ đồng chí cán bộ văn phòng nói nhầm địa chỉ sân bay Nội Bài thành ga Hà Nội, bởi chẳng lẽ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi công tác bằng tàu hỏa! Thế nhưng, sự thật đúng như vậy. Xuống ga Quảng Ngãi, đồng chí Chủ tịch Quốc hội lên ngay chiếc xe ca, ngồi cùng với một số nhà báo đến huyện Tây Trà, huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi và là một trong những huyện khó khăn nhất của Việt Nam.
 |
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Hiến pháp năm 2013.
|
Đồng bào các dân tộc trong huyện Tây Trà cứ ngỡ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi xe con, ào ra đón, không ngờ đồng chí lại bước xuống từ chiếc xe ca 24 chỗ ngồi…
Không chỉ có chuyến đi đến huyện miền núi Tây Trà mà rất nhiều chuyến đi cơ sở khác, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ngồi xe ca cùng với các cán bộ Văn phòng Quốc hội và các nhà báo. Trên xe, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã “tranh thủ” khai thác thông tin từ các nhà báo và đồng chí luôn yêu cầu phải “nói thẳng, nói thật”.
Trong nhiều chuyến đi, để tiết kiệm thời gian, đồng chí Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Văn phòng chuẩn bị “cơm nắm, muối vừng” và ăn trưa ngay trên xe.
Ngày 22-5-2011 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Cả nước tưng bừng trong không khí của ngày hội lớn. Nhóm phóng viên theo dõi Quốc hội nhận được thông báo của Hội đồng Bầu cử: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ đi bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội). Chúng tôi ai nấy đều đến sớm và sẵn sàng máy ảnh, máy quay... chờ đợi. Đài Truyền hình Việt Nam còn tổ chức một điểm cầu truyền hình tại đây để trực tiếp chuyển hình ảnh lên sóng truyền hình quốc gia. Mọi người đều nghĩ rằng, người đứng đầu Đảng và Quốc hội sẽ bước xuống từ xe hơi với đoàn tùy tùng và vẫy chào cử tri, sau đó sẽ là người đầu tiên đi bỏ phiếu ở đây.
Thế nhưng, thật bất ngờ, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đã không đi xe ô tô mà đi bộ từ nhà riêng tới khu vực bỏ phiếu như rất nhiều cử tri khác. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng không phải là người bỏ lá phiếu đầu tiên mà nhường vinh dự này cho cử tri cao tuổi nhất tại đây, đó là cụ Đỗ Văn Tiên, 87 tuổi.
Các bước tiến đến Quốc hội điện tử
Các nhà báo theo dõi kỳ họp Quốc hội từ khóa XI trở về trước chắc không thể nào quên cảnh chen lấn khi nhận tài liệu, bởi lẽ tài liệu rất nhiều, rất dày, bộ phận văn thư không thể in kịp cho các nhà báo. Với các đại biểu Quốc hội, số lượng tài liệu còn nhiều hơn. Đồng chí Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ XII nhớ lại: Trước kia, mỗi kỳ họp, khối lượng tài liệu cần in ấn, gửi đến 63 đoàn đại biểu tỉnh, thành phố rất lớn, bình quân mỗi đại biểu Quốc hội phải gửi đến hơn 10kg tài liệu. Tài liệu nhiều, thời gian cơ quan trình gửi quá gấp gáp, nên Văn phòng Quốc hội phải huy động rất nhiều nhân lực mới bảo đảm việc in ấn, gửi…
Một trong những “cuộc cách mạng” trong Quốc hội nhiệm kỳ khóa XI, khóa XII là “tin học hóa” các văn bản tài liệu. Trước đó, ý tưởng về một Quốc hội điện tử cũng đã được triển khai từ nhiệm kỳ khóa X với hệ thống biểu quyết điện tử vừa dễ thao tác, vừa bảo đảm thời gian và độ chính xác rất cao. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, một số đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được trang bị máy tính xách tay, nhưng các đại biểu vẫn phải nhận tài liệu là văn bản giấy. Sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, mỗi đại biểu Quốc hội đều có một máy tính xách tay. Tại hội trường, phòng họp tổ, khách sạn nơi ăn nghỉ của đại biểu Quốc hội đều có kết nối internet. Tất cả tài liệu thay vì phải in ấn, vận chuyển đều được gửi qua thư điện tử.
Tất nhiên, để có “cuộc cách mạng” nói trên không đơn giản. Hồi đó, việc phổ cập tin học vẫn còn hạn chế. Số lượng đại biểu Quốc hội sử dụng thành thạo máy vi tính vẫn chưa nhiều. Lúc đó, khi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ băn khoăn, nhưng nhiều đại biểu cũng đã đưa ra được giải pháp khắc phục. Chẳng hạn, đối với việc đào tạo kiến thức tin học cho đại biểu Quốc hội, các công chức Quốc hội, sẽ phân theo Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, hoặc theo các đoàn đại biểu Quốc hội. Những kiến thức cơ bản về phổ cập tin học có thể đào tạo tại các địa phương do các văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức. Những kiến thức mang tính đặc thù của Quốc hội như truy cập mạng nội bộ, truy cập các cơ sở dữ liệu của Quốc hội… thì có thể giao cho Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu lồng ghép vào các lớp tập huấn kiến thức về các mặt khác để tiết kiệm kinh phí và thời gian. Riêng đối với đại biểu chuyên trách ở Trung ương, các công chức trong các cơ quan của Quốc hội có thể tổ chức các lớp học tập trung. Đặc biệt, đối với các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đào tạo theo yêu cầu… Thực tế, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức được nhiều lớp học và đại biểu Quốc hội trở thành… học trò mà người thầy có khi chỉ đáng tuổi con mình.
Đến nay, mô hình Quốc hội điện tử đang trở thành hiện thực, không những các đại biểu được cung cấp tài liệu qua thư điện tử mà các nhà báo theo dõi kỳ họp cũng thoát được cảnh "chầu trực" xin tài liệu vì đã có tại Trung tâm Báo chí phục vụ kỳ họp. Các cử tri và nhân dân cũng có thể xem, góp ý, gửi kiến nghị đến Quốc hội qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Không bị nhầm vai
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII (vào tháng 7-2011) đã bầu và phê chuẩn các nhân sự cấp cao của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ. Đây là một thành công lớn của Quốc hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước. Trong đó, nhiều đồng chí được chuyển qua lại từ các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, giám sát; từ địa phương, doanh nghiệp về các cơ quan Trung ương.
Bên cạnh niềm vui vì bầu được những người có đức, có tài gánh vác công việc trọng đại của đất nước, một số đại biểu Quốc hội và cử tri cũng băn khoăn, khi sang vị trí mới, các đồng chí đó có “bị nhầm vai” không. Tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, tôi đã thẳng thắn hỏi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Từ Phó thủ tướng Thường trực sang làm Chủ tịch Quốc hội, sự đổi vai này đem lại cho đồng chí những thuận lợi và khó khăn gì và khi điều hành Quốc hội, đồng chí có bị nhầm vai không?".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời về những khó khăn, thuận lợi khi nhận nhiệm vụ mới và khẳng định: “Tôi sẽ tập dần và sẽ không ngồi nhầm vai”. Thực tế điều hành 10 kỳ họp Quốc hội và các công việc đối nội, đối ngoại... từ khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội đến nay, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đã “không bị nhầm vai”. Các đồng chí Bộ trưởng được Quốc hội phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ này cũng không bị nhầm vai.
Tháng 6-2013, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam tiến hành thủ tục đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, đây là nhiệm vụ “hết sức hệ trọng”. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được công bố sáng 11-6-2013. Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là việc làm nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); thể hiện rõ tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây cũng là thước đo, kiểm định năng lực điều hành của Chính phủ và giám sát của Quốc hội. Dư luận đồng tình, ủng hộ cách thức lấy phiếu tín nhiệm, nhất là việc công bố kết quả kịp thời, công khai, được mọi người cho là khách quan, thể hiện tinh thần và thái độ trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội.
Sau một năm rưỡi, đến tháng 11-2014, Quốc hội lại tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Điều đáng phấn khởi là nhiều đồng chí Bộ trưởng có nhiều phiếu tín thấp trong lần lấy phiếu trước đã sửa chữa khuyết điểm, vươn lên và được nhiều phiếu tín nhiệm cao. Phát biểu sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các vị đại biểu Quốc hội đã thực hiện thành công trọng trách cao cả của mình với ý nghĩa chính trị to lớn, đồng thời vừa mang ý nghĩa pháp lý, khách quan, công tâm và chính xác đối với việc lấy phiếu.
Năm 2016 có ba sự kiện lớn về Quốc hội: Ngày 6-1-2016, kỷ niệm 70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội khóa I (năm 1946), chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 25-4-2016, kỷ niệm 40 năm Ngày nhân dân hai miền Nam, Bắc đi bầu cử Quốc hội khóa VI (năm 1976), chính thức hóa về mặt pháp lý việc thống nhất nước nhà. Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước sẽ đi bầu người đại diện của mình vào Quốc hội khóa XIV. Nhắc lại những sự kiện được chứng kiến, chúng tôi hy vọng và mong chờ trong nhiệm kỳ tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới sâu sắc, toàn diện và hội nhập quốc tế, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất cuả nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ
Chuyện ít biết ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất