QĐND - Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
Cùng với sự phát triển của công nghệ truyền thông, hoạt động của Quốc hội ngày càng được công khai, được đông đảo nhân dân quan tâm, theo dõi. Thế nhưng trước kia, nhiều chuyện ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất này vẫn là điều ít biết của nhiều người…
Phiên chất vấn đầu tiên được truyền hình trực tiếp
Tôi về Báo Quân đội nhân dân nhận công tác từ tháng 2-1994, đến tháng 5-1994 được Ban biên tập phân công theo dõi đưa tin, viết bài về Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa IX. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp để các cử tri cùng nhân dân có thể trực tiếp theo dõi, “chấm điểm” người hỏi và người trả lời.
Ngày nay chất vấn và trả lời chất vấn đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Đó là một hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đối với các cơ quan, cá nhân phụ trách bộ máy công quyền nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cử tri. Chất vấn và trả lời chất vấn đã có ngay từ khi Quốc hội mới ra đời. Sử sách đã ghi lại ngay từ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I (khai mạc ngày 23-10 và kéo dài đến ngày 9-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn thể thành viên của Chính phủ trả lời hơn 80 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, tập trung vào việc thực hiện chính sách của Nhà nước trong những ngày đầu độc lập. Phiên chất vấn đã diễn ra một cách rất dân chủ và kéo dài đến tận nửa đêm mới kết thúc. Nhiều kỳ họp Quốc hội sau đó cũng đã có chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng đều là “hoạt động nội bộ” của Quốc hội. Mãi đến năm 1994, trước làn sóng đổi mới toàn diện của đất nước, việc chất vấn và trả lời chất vấn mới, lần đầu tiên được “lên sóng” trực tiếp để người dân trong nước và cả thế giới đều có thể biết.
Hồi ấy, Quốc hội họp ở Hội trường Ba Đình (trên nền đất mà ngày nay đã xây dựng Nhà Quốc hội). Số lượng các nhà báo theo dõi kỳ họp Quốc hội lúc ấy cũng khá ít. Giờ giải lao, các nhà báo được ngồi uống bia hơi cùng với các đại biểu Quốc hội tại căng tin nằm ở sân phía sau hội trường, vì thế nhiều suy nghĩ của các đại biểu Quốc hội được trao đổi với nhà báo. Trước thông tin phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, rất nhiều đại biểu Quốc hội hoan nghênh, nhưng cũng có đại biểu lo có thể “làm lộ bí mật Quốc gia”, bởi cả người hỏi và người trả lời nhiều khi theo bản năng nghĩ gì nói vậy. Cũng có người sợ “lộ” ra tất cả hạn chế của các đại biểu và “tư lệnh ngành”, có thể sẽ làm mất uy tín của cả người hỏi và người trả lời…
 |
Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại huyện đảo Côn Đảo (năm 2010).
|
Đồng chí Vũ Mão, lúc đó là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là người được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ xây dựng đề án này đã kiên quyết bảo vệ quan điểm đổi mới lúc đó, nhớ lại: “Hồi đó, có người đề xuất ghi hình lại toàn bộ phiên họp, chỗ nào “gay cấn” quá thì cắt bớt đi, rồi buổi tối phát lại. Bản thân tôi khi đó cũng rất suy nghĩ, nhưng cũng mạnh dạn nói nếu làm như thế thì không còn là truyền hình trực tiếp nữa. Tôi nói, giờ đã thông báo cho nhân dân cả nước biết rồi, chuẩn bị kỹ rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã bàn kỹ với nhau rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phân công bộ trưởng nào trả lời chất vấn ở phiên đó nên cứ cho phép làm, nếu có sai sót gì thì tôi xin chịu trách nhiệm”.
Các đồng nghiệp của chúng tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam lúc bấy giờ cũng đã chuẩn bị mọi phương án có thể xảy ra khi truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên họp. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên được phát thanh, truyền hình trực tiếp tại Quốc hội đã diễn ra suôn sẻ, được nhân dân cả nước hoan nghênh. Từ đó đến nay, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội đều liên tục được cải tiến, từ chất vấn theo vấn đề đến chất vấn tổng thể được nhân dân cả nước đón nhận, theo dõi chăm chú. Tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào cuối năm qua, lần đầu tiên Quốc hội chất vấn với sự tham gia giải trình của tất cả thành viên Chính phủ. Cách thức này để thực hiện chủ trương chất vấn đến cùng các vấn đề Quốc hội quan tâm.
Không chỉ chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, từ năm 2008, hoạt động này đã được tiến hành tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Ngày 28-3-2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) là người đầu tiên mở màn cho việc trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Những cuộc tiếp xúc “cử tri đặc biệt”
Tình trạng “đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm” còn “cử tri chuyên trách” đã được các đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X “mổ xẻ” trong nhiều phiên họp của Quốc hội. Đó là việc phần lớn đại biểu Quốc hội giữ trọng trách ở một cơ quan khác, các địa phương lựa chọn cử tri trên địa bàn để tham dự thường xuyên những cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội.Trong nhiệm kỳ khóa IX chỉ có 21 đại biểu chuyên trách làm việc tại các cơ quan của Quốc hội, chiếm 5,31% trong tổng số đại biểu Quốc hội.
Khi xây dựng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001, nhiều đại biểu đã kiến nghị và sau đó Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định cần phải có ít nhất 25% tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, coi đó là chỉ tiêu cần phải được thực hiện. Nhờ tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã tăng lên đáng kể, có 119 đại biểu hoạt động chuyên trách trong tổng số 498 đại biểu. Tiếp đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, con số này là 145 trên tổng số 493 đại biểu. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, số lượng đại biểu chuyên trách là 154 người, chiếm tỷ lệ 30,8%. Không chỉ có đại biểu hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, mà cho đến nay, ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đồng thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến việc tổ chức và triển khai các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương.
Theo cảm nhận của chúng tôi, việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội ngày càng được cởi mở hơn. Ấn tượng lớn nhất của tôi theo dõi trong các cuộc tiếp xúc cử tri của nhiệm kỳ khóa XII và khóa XI lại là… chỗ ngồi của đại biểu Quốc hội. Khóa trước, các đại biểu thường là ngồi trên ghế “chủ tịch đoàn”, còn khoá này các đại biểu Quốc hội ngồi “ngang hàng” với các cử tri, tạo cảm giác thân thiện. Lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được công bố rộng rãi, tất cả cử tri đều được vào dự hội nghị tiếp xúc, được tự do bày tỏ quan điểm của mình.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội khóa XII (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), đã từng tâm sự: “Mình cũng là dân, từ trong dân mà ra, không được có ý thức tách biệt hay xa cách với dân”.
Chúng tôi để ý những lần đi công tác địa phương trong nước hay nước ngoài, bao giờ đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí phó chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Văn phòng Quốc hội xếp lịch có những cuộc tiếp xúc với bà con ở cơ sở (nếu là trong nước) hoặc bà con Việt kiều (nếu ở nước ngoài). Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội cho rằng, đó là những cuộc tiếp xúc “cử tri đặc biệt”. Trong những cuộc tiếp xúc này, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội luôn động viên bà con phát biểu trung thực, thẳng thắn những suy nghĩ, ý kiến của mình.
Chúng tôi đã được chứng kiến đồng chí Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng lắng nghe bà con dân tộc Co ở Quảng Ngãi, bà con dân tộc Tày ở Tuyên Quang, bà con dân tộc Khơ-me ở Bạc Liêu… phát biểu ý kiến thẳng thắn về chính sách đối với bà con dân tộc thiểu số; bà con Việt kiều ở Ca-na-đa, Séc, Ấn Độ, Lào, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Mi-an-ma… kiến nghị về đường lối phát triển kinh tế, chính sách đối ngoại của Việt Nam…
Trong những cuộc tiếp xúc cử tri đó, tôi nhớ nhất là cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, công nhân tại giàn khoan công nghệ trung tâm số 2 của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro vào năm 2010. Thời điểm chúng tôi đến thăm, trên giàn khoan có hơn 100 lao động của Việt Nam và Liên bang Nga.
Trên giàn khoan, giữa biển khơi mênh mông, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc “tiếp xúc với các cử tri đặc biệt” như cách gọi của đồng chí. Sau khi tìm hiểu đời sống của công nhân Việt Nam và Nga trên giàn khoan, lắng nghe những tâm tư và nguyện vọng của họ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói chuyện thân mật với các cán bộ, công nhân trên giàn khoan. Đồng chí đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Vietsovpetro và anh chị em lao động trên giàn khoan. Đồng chí cho rằng, sự lao động với ý thức kỷ luật, cường độ lao động đặc biệt cao của những người công nhân giàn khoan dầu khí đã góp phần làm giàu cho đất nước và khoản tiền lương được tính bằng hàng chục triệu đồng, hàng trăm triệu đồng đối với họ là hoàn toàn xứng đáng. Đồng chí cũng động viên cán bộ, công nhân viên trên giàn khoan tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển dầu khí nước nhà.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ
(Còn nữa)