Phát biểu khai mạc tọa đàm, hai Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi đồng chủ trì buổi tọa đàm lần đầu tiên được hai Quốc hội phối hợp tổ chức và cho rằng đây là hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần thiết thực cho thành công của chuyến thăm chính thức Hung-ga-ri của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại tọa đàm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chặng đường hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam là một quá trình đầy thử thách và khó khăn. Nhưng với quyết tâm, nỗ lực thực hiện của toàn dân và toàn hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, đưa Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu sắc và toàn diện hơn. Trong giai đoạn này, việc xây dựng hệ thống pháp luật để thúc đẩy hội nhập quốc tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. “Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện quá trình xây dựng luật pháp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam mong muốn được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện pháp luật với các nước bạn bè, nhất là những nước có bối cảnh phát triển tương đồng. Hung-ga-ri có quá trình chuyển đổi, hội nhập rất thành công và có nhiều kinh nghiệm trong việc cải cách pháp luật cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới, phải vượt qua nhiều thử thách để trở thành thành viên vững vàng của EU. Việt Nam hiện là thành viên của Cộng đồng ASEAN và đang đứng trước những cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Âu, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được phê chuẩn.
Đánh giá cao việc hai Quốc hội cùng tổ chức cuộc tọa đàm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, các cuộc tọa đàm và trao đổi giữa hai cơ quan lập pháp sẽ còn được tiếp tục tổ chức tại Hung-ga-ri và Việt Nam trong thời gian tới, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Hung-ga-ri và Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri Quê-vê-rơ Lát-xlô nhắc lại bề dày của lịch sử quan hệ và nỗ lực của cả hai bên trong phát triển quan hệ song phương; Hung-ga-ri coi Việt Nam là đối tác chiến lược ưu tiên. Với sự phát triển nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có vai trò ngày càng lớn hơn trong khu vực. Kể lại những kỷ niệm trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ khi trực tiếp chứng kiến những thành quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, thắng cảnh thiên nhiên và sự thân thiện của người Việt Nam. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với ngài Quê-vê-rơ Lát-xlô là đã được gặp những người Việt Nam rất thành thạo tiếng Hung-ga-ri và là những “đại sứ nhân dân” kết nối và mở rộng quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đây chính là cơ sở rất tốt thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Hung-ga-ri tiếp tục phát triển và luôn đổi mới. Bởi vậy, Hung-ga-ri quyết định đẩy mạnh hợp tác giáo dục để đưa Việt Nam thành đối tác số 1, qua đó thúc đẩy phát triển hợp tác hai bên.
Chủ tịch Quốc hội Quê-vê-rơ Lát-xlô nhìn nhận rằng, các quan hệ giữa hai quốc gia, trong đó có sự hợp tác giữa hai Quốc hội, là sự bổ sung rất quan trọng cho sự hợp tác giữa Chính phủ. Quốc hội Hung-ga-ri sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Quốc hội Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam xây dựng những quy chế pháp luật hiện đại, tạo cơ sở cho việc xây dựng đời sống kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ hơn. Vì lẽ đó, Quốc hội Hung-ga-ri rất mong mỏi sự kiện hai Quốc hội phối hợp tổ chức tọa đàm này. Ngài Quê-vê-rơ Lát-xlô tin rằng, kết quả của cuộc hội đàm sẽ góp phần tích cực trong việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia hàng đầu của hai nước đã cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung: Chính sách phát triển kinh tế của Hung-ga-ri, các quy định của pháp luật nhằm tăng cường tính cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường ở Việt Nam; các chính sách thuế nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế Hung-ga-ri; quy định của pháp luật Việt Nam về ngân sách và quản lý ngân sách, những kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay; các quy định của pháp luật của Hung-ga-ri về lao động nhằm tăng khả năng cạnh tranh; đổi mới, nghiên cứu và phát triển pháp luật Hung-ga-ri về tăng tính cạnh tranh; hoàn thiện pháp luật Việt Nam về khoa học, công nghệ…
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG (Từ Bu-đa-pét, Hung-ga-ri)