Hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
 |
Các đồng chí đồng chủ trì hội nghị. |
Tham dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương.
Cùng dự các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo khối các cơ quan Đảng, cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam; các vị đại biểu Quốc hội; đại diện tỉnh-thành ủy, thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Kết luận của Bộ Chính trị là chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp trong nhiệm kỳ này.
Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, Đảng đoàn Quốc hội đã nhanh chóng hoàn thiện đề án để triển khai thực hiện. Mặc dù bộn bề nhiều công việc phải thực hiện giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ hai, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị chu đáo cho hội nghị quan trọng này.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, để duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, tạo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta từ khi cầm quyền luôn coi trọng công tác xây dựng pháp luật.
Đặc biệt, trước yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, thường gọi là Nghị quyết 48.
 |
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. |
Đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48, Bộ Chính trị nhận định, công tác xây dựng pháp luật có nhiều cải tiến, đổi mới, xác định được quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch hơn; thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật có tiến bộ và đạt được những kết quả tích cực. Vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động của nhà nước trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao.
Đến nay, nước ta đã có hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế. Tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao, một số lĩnh vực chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn.
Công tác nghiên cứu về pháp luật và đổi mới tư duy pháp lý còn chậm. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Tình trạng nợ đọng văn bản chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Phương thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật hiệu quả.
Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời, đồng bộ. Việc chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức còn chưa nghiêm. Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng với công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật chưa được quan tâm thường xuyên, sâu sát.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, kết quả công tác xây dựng pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Từ đó, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, nhất là các cơ quan Trung ương, cần tập trung sớm triển khai chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, sự chung tay, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các vị đại biểu Quốc hội và sự ủng hộ, giám sát của nhân dân, đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ tin tưởng, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ thu được kết quả cao, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc, xây dựng trật tự, kỷ cương, văn minh, tiến bộ.
Báo Quân đội nhân dân Điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị này.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG