- Ký Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản.

Tại buổi hội đàm, trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và bày tỏ vui mừng về việc quan hệ hai nước đang ở giai đoạn rất tốt đẹp qua 45 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, phát triển thực chất, nhanh chóng trên mọi lĩnh vực với nhiều điểm đồng về lợi ích chiến lược. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới; nhất trí năm 2018 là năm khởi đầu mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thủ tướng Shinzo Abe nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, coi đây là sự kiện chính trị rất quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản; Nhật Bản đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới và hết sức coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn sự đón tiếp đặc biệt trọng thị, thân tình của Nhà vua và Hoàng hậu, Hoàng gia, Thủ tướng Shinzo Abe và Chính phủ Nhật Bản; khẳng định Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ hiệu quả về nhiều mặt đối với Việt Nam; đồng thời chia sẻ những thành quả kinh tế của Nhật Bản thông qua chính sách kinh tế Abenomics.

Hai Nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường hợp tác và giao lưu giữa hai đảng cầm quyền và quốc hội hai nước.

Hai bên hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian qua, nhất trí tiếp tục thúc đẩy tăng cường liên kết kinh tế theo tinh thần hai bên cùng có lợi, thúc đẩy tăng cường đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, hợp tác trong các dự án lớn, trọng điểm về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện để thủy sản và hoa quả của Việt Nam như vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn viện trợ phát triển cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cam kết cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16 tỷ Yên, tương đương 142 triệu USD cho dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự đóng góp của viện trợ phát triển của Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất trí việc hai nước phối hợp chặt chẽ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ phát triển này.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh quốc phòng, triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, trang thiết bị quốc phòng, quân y, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân đi-ô-xin tại Việt Nam, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách biển. Hai Nhà lãnh đạo hoan nghênh hai bên bắt đầu đàm phán hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và hiệp định chuyển giao người bị kết án.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nông nghiệp, y tế, môi trường, lao động, xây dựng và phát triển đô thị, cải cách hành chính, hợp tác địa phương. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo bồi dưỡng cán bộ cao cấp, cải cách hành chính và tiếp tục tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng của Việt Nam sang Nhật Bản.

Hai Nhà lãnh đạo khẳng định hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2018, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân nhằm làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, cho rằng đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản cho thời gian tới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là tích cực phối hợp với các đối tác quốc tế đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Hai bên đã trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên; khẳng định ủng hộ các nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các bất đồng bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế và tránh mọi hành động làm tổn hại lòng tin, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và có hiệu lực pháp lý.

Sau hội đàm, hai bên đã ký Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (toàn văn đăng trong số báo ra ngày hôm nay).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe chứng kiến ký một văn kiện hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã chứng kiến các Bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 4 văn kiện ký kết, bao gồm:

- Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cấp học bổng phát triển nhân lực trị giá 745 triệu Yên, tương đương 6,77 triệu USD.

- Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở (SPR) tại thành phố Hồ Chí Minh trị giá 1,96 tỷ Yên, tương đương 17,8 triệu USD.

- Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên nước, đo đạc, bản đồ, thông tin không gian địa lý, khí tượng thủy văn và viễn thám ký giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

- Biên bản Hợp tác về xây dựng và phát triển đô thị (giai đoạn 2018 - 2021) ký giữa Bộ Xây dựng của Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông Nhật Bản.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, chiều 31-5, tại Thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức, thu hút hơn 600 doanh nghiệp hai nước tham dự.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ trân trọng những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với quan hệ hai nước cũng như sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả mà Nhật Bản đã dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia và xóa đói, giảm nghèo. Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam với hơn 30 tỷ USD cam kết, đã góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói, giảm nghèo… Các công trình và dự án được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động có hiệu quả trên khắp các vùng miền của Việt Nam, điển hình là Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài, Cảng biển Quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương...

Về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam với trên 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 50 tỷ USD. Về hợp tác thương mại, quan hệ thương mại song phương luôn tăng trưởng ổn định, lành mạnh, cân bằng với quy mô thương mại hai chiều năm 2017 đạt trên 33 tỷ USD. Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng của nhau với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao. Giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2017 đã có trên 30 vạn lượt người Việt Nam thăm Nhật Bản, có gần 80 vạn lượt người Nhật Bản đến thăm Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam chính là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đầu tư đã đạt được, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á trong thời gian tới. Chủ tịch nước cho biết hướng tới mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thống giáo dục tiên tiến... Đây là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản nắm bắt để mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới, sáng tạo cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige, các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã chứng kiến Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ về các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương hai nước.

Trước khi tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của JETRO đối với Việt Nam nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng thời gian qua trong việc kết nối doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, phối hợp tổ chức các cuộc tọa đàm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai nước; đồng thời đề nghị JETRO thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo... và hỗ trợ Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị nông sản-thực phẩm, tạo điều kiện cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu đã chứng kiến Lễ công bố mở đường bay thẳng Hà Nội - Osaka của Hãng hàng không Vietjet Air, sẽ được khai thác khứ hồi hằng ngày kể từ ngày 8-11-2018. Các chuyến bay hằng ngày khởi hành từ Hà Nội vào lúc 1 giờ 45 phút sáng, tới Osaka vào khoảng 7 giờ 50 phút sáng theo giờ địa phương; khởi hành từ Osaka vào lúc 9 giờ 20 phút sáng và tới Hà Nội vào khoảng 1 giờ 10 phút chiều theo giờ địa phương.  

Tin, ảnh: VĂN YÊN (từ Tokyo, Nhật Bản)