Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Dự lễ còn có Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.

Danh xưng Quảng Nam với ý nghĩa "mở rộng về phương Nam" hàm chứa ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc, thể hiện một tư duy phát triển, tầm nhìn chiến lược và mong ước của Hoàng đế Lê Thánh Tông trong việc gửi gắm về vùng đất trọng yếu ở phía Nam của Tổ quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tự hào về vùng đất và con người xứ Quảng, chúng ta càng trân trọng và biết ơn sự cống hiến hy sinh xương máu của các thế hệ tiền nhân, của lớp lớp người con xứ Quảng gan dạ, bất khuất và chiến sĩ, đồng bào cả nước đã ngã xuống để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng “chưa mưa đà thấm”, để Quảng Nam phát triển như ngày hôm nay.

Nhìn lại 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất nước, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Nhiều dự án lớn về công nghiệp ô tô, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động từ những thập niên trước, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế. Những cơ sở hạ tầng kết nối chiến lược được hình thành, cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh, dịch vụ công cơ bản được cải thiện đã tạo động lực, điểm nhấn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đề cập đến những thách thức phía trước, trong đó có tình hình đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm của một tỉnh nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ. Tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và nông nghiệp công nghệ cao nhằm kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh nhà, cùng đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự buổi lễ. 

Chủ tịch nước cũng mong muốn Quảng Nam thực hiện tiến bộ xã hội tương xứng với trình độ phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và chăm sóc y tế, nhất là bối cảnh dịch Covid-19, hoàn thiện mạng lưới an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội, thực hiện chăm lo các gia đình chính sách, nâng đỡ người yếu thế, "không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển"... Trong giai đoạn trước mắt, Quảng Nam cần tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tái mở cửa, nối lại các chuỗi cung ứng và thị trường lao động, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm nay, đồng thời tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế nhanh trong năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm vừa qua, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu cho cả giai đoạn 2020-2025. Với quy mô, vai trò và vị trí chiến lược, quan trọng của Quảng Nam, Đảng và Nhà nước kỳ vọng sự đóng góp tích cực và lớn hơn nữa của Quảng Nam vào những kết quả chung của cả nước.

* Chiều cùng ngày, tại thành phố Tam Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc gặp gỡ thân mật các cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng hơn 100 đại biểu là tỉnh ủy viên, nguyên tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam từ năm 1997 đến nay.

 Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam. Chủ tịch nước đánh giá cao tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã phát triển toàn diện, từ một địa phương nghèo nhất nước trở thành một trong 14 địa phương đóng góp cho ngân sách Trung ương từ cách đây vài năm. Điều đó khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh có hướng phát triển đúng đắn, khơi dậy được tinh thần tự lực, tự cường của người dân xứ Quảng; cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế ngày càng được hoàn thiện. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, nêu cao ý chí, khát vọng của người Quảng Nam; phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, tỉnh cần tiếp tục phát triển hạ tầng đồng bộ phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là sân bay, cảng biển lớn, rà soát mọi mặt Khu kinh tế mở Chu Lai để thu hút đầu tư. Tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa để phát triển.

TTXVN