“Điều chỉnh kế hoạch giữa năm là trường hợp ít xảy ra trong hơn 20 năm đổi mới, nhưng bây giờ là việc không thể không làm” - nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB) Trần Xuân Giá nói về việc Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2008 từ 8,5-9% xuống 6,5-7,5%.
- Ông Trần Xuân Giá: Sự biến động kinh tế hiện nay bắt nguồn từ những tồn tại của một số năm trước, nhất là năm 2007. Chúng ta phải xem xét lại việc thực hiện các chính sách. Dự báo đúng chưa chắc đã có chính sách đúng, còn dự báo sai thì chắc chắn chính sách sẽ không đúng. Một chính sách cụ thể chỉ được xem là đúng, khi chính sách đó được xác định đưa ra qua kênh nào, đúng liều lượng, đúng thời điểm, phối hợp đồng bộ với các chính sách khác để đạt được mục đích một cách tối đa.
Nhưng thưa ông, độ mở hiện tại của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, lớn hơn nhiều so với trước đây khi chúng ta chưa gia nhập WTO. Việc dự báo chịu tác động mạnh của những yếu tố khách quan bên ngoài…
- Không thể phủ nhận yếu tố từ bên ngoài. Ít nhất có ba nhân tố tác động đồng thời mà hầu hết các nền kinh tế phải đối mặt, đó là: sự sụt giảm mạnh nhịp tăng của nền kinh tế Mỹ và phản ứng dây chuyền sang các nền kinh tế khác của thế giới; giá dầu tăng liên tục và đang ở mức rất cao; khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhiều người nghĩ rằng chúng ta thừa gạo, còn xuất khẩu thì làm sao khủng hoảng. Nhưng thừa gạo và giá lương thực tăng cao không phải là một. Cung cầu lương thực bây giờ đã vượt qua biên giới của một quốc gia. Giá lúa trên thị trường nước ta, tùy từng vùng đang ở mức 5.000-7.000 đồng/ki lô gam, giá gạo xuất khẩu trên thế giới, tùy từng loại gạo đang ở mức 700-900 đô la/tấn, chưa bao giờ cao thế! Vấn đề đặt ra không phải là Việt Nam thiếu gạo, mà là Việt Nam cũng sẽ chịu tác động của sự tăng giá lương thực toàn cầu.
Và lạm phát đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, chúng ta tất yếu khó tránh khỏi?
- Đúng là lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên mức độ lạm phát khác nhau, tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế và nhất là các chính sách kinh tế của mỗi nước. Thí dụ năm 2007 Philippines, Indonesia là những nước nhập khẩu gạo, nhưng lạm phát thấp, Philippines chỉ 2,8% và Indonesia 6,3%; Thái Lan và Việt Nam là những nước xuất khẩu gạo, nhưng lạm phát của Thái Lan năm 2007 chỉ 2%, trong khi lạm phát của chúng ta năm ngoái tăng cao, đến 12,63%.
Ý ông là việc thực thi chính sách của chúng ta chưa như mong muốn?
- Đúng vậy. Nhưng bây giờ không phải là lúc bàn bạc, mổ xẻ sâu vấn đề này, chỉ xin nêu vài thí dụ liên quan đến chính sách tiền tệ.
Chẳng hạn việc hút tiền về thông qua các giải pháp kéo tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng quá cao năm trước xuống là cần thiết, nhưng kéo với liều lượng nào, thời điểm nào, phối hợp với các biện pháp khác ra sao... là điều chưa được cân nhắc kỹ lưỡng. Vì vậy, không những kết quả thu được bị hạn chế, mà còn gây khó khăn cho ngân hàng thương mại, tạo ra việc chạy đua nâng lãi suất huy động vốn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội...
Thí dụ khác, trong lĩnh vực quản lý ngoại hối, điều hành tỷ giá. Năm 2007, vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư gián tiếp vào nước ta tăng đột biến. Đây là thuận lợi lớn để tăng dự trữ ngoại tệ cho đất nước. Nếu chúng ta có chính sách, nhất là chính sách tỷ giá và chính sách quản lý ngoại tệ phù hợp thì đã thu hút được nguồn ngoại tệ đổ vào nước ta năm trước mà không những không trở thành gánh nặng cho lạm phát, ngược lại còn trở thành nguồn lực thực sự để đối phó với những khó khăn có thể xảy ra khi nhập siêu tăng cao, khi tình trạng “đảo chiều” xuất hiện...
Trở lại với điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo ông, vì sao ta phải chủ động điều chỉnh ?
- Tôi cho rằng việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 là cần thiết, cấp bách và cũng đã có tiền lệ. Năm 1998, khi khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á ảnh hưởng xấu đến kinh tế nước ta, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua nghị quyết hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Việc làm đó, theo tôi đã góp phần quan trọng tạo ra bước phát triển khá nhanh trong những năm tiếp theo, nhất là từ năm 2000 trở đi.
Lạm phát, nhất là lạm phát cao, vượt tầm kiểm soát, luôn để lại những hệ lụy kìm hãm tăng trưởng, ảnh hưởng tới đời sống người dân và an sinh xã hội. Lạm phát nếu để tác động tự nhiên, sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến hình thành một cơ cấu kinh tế méo mó, không có lợi cho phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Vì thế cần phải chủ động điều chỉnh nhịp tăng trưởng nhằm tạo nên một cơ cấu kinh tế mới phục vụ tăng trưởng trở lại nhanh hơn, bền vững hơn khi khó khăn qua đi.
Vậy theo ông việc Chính phủ dự định điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế năm 2008 từ 8,5-9% như kế hoạch đã được Quốc hội thông qua xuống 6,5-7,5% có quá lớn và làm thế nào để đạt được mức điều chỉnh đó?
- Đúng là cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ mức điều chỉnh nhịp tăng kinh tế. Theo tôi, mức độ điều chỉnh nhịp tăng kinh tế phải đáp ứng các yêu cầu sau: 1) Góp phần trực tiếp chặn đứng và giảm dần tốc độ lạm phát đang có xu hướng tăng cao không những cho năm 2008 mà cả năm 2009. 2) Góp phần hình thành nên cơ cấu kinh tế mới, phù hợp hơn, cũng như tạo ra các cân đối kinh tế vĩ mô ổn định, lành mạnh làm tiền đề cho phát triển xã hội nhanh và bền vững sau khi đất nước vượt qua những khó khăn trước mắt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010. 3) Góp phần tạo nên nguồn lực để hỗ trợ những đối tượng bị tổn thương do lạm phát gây ra.
Ở nước ta khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn còn dựa vào tăng nhanh vốn đầu tư thì việc điều chỉnh nhịp tăng trưởng nói trên, cho dù được thực hiện qua nhiều kênh, thì kênh quan trọng nhất vẫn là siết chặt đầu tư và chi tiêu công. Kinh nghiệm cho thấy, đây là việc làm rất khó, nhất là khi chúng ta đã thực hiện việc phân cấp quản lý đầu tư một cách toàn diện và tuyệt đối cho các bộ, địa phương và doanh nghiệp nhà nước, nhưng không thể không làm và phải bắt đầu càng sớm càng tốt. Việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư công phải bắt đầu từ việc kiểm kê thật cụ thể các dự án công, loại nào cắt, loại nào giãn tiến độ, loại nào hoãn và loại dự án nào cần được tăng mạnh vốn để sớm khởi công xây dựng hoặc đẩy nhanh việc thi công để đưa nhanh công trình vào sử dụng. Tất cả các việc này ai phải làm, tiến hành trong bao lâu, phối hợp ra sao… đều phải được xác định thật rõ trong một kế hoạch hành động thật cụ thể.
Trong điều kiện của ta hiện nay muốn “cắt, hoãn” dự án đầu tư công phải cần dùng đến biện pháp hành chính một cách mạnh tay. Thí dụ, Thủ tướng hạ một lệnh ngắn, gọn bắt đầu từ ngày… ngừng thi công, ngừng khởi công xây dựng trụ sở của các đơn hành chính từ trung ương đến địa phương và cơ sở, của các doanh nghiệp nhà nước... Cụ thể nữa, những dự án không đủ vốn cấp thay vì kéo dài thời gian xây dựng từ ba năm thành 7-8 năm hoặc những dự án chưa tạo ra khối lượng hàng hóa cần thiết cũng nên tạm dừng.
Muốn giảm chi tiêu công, theo tôi, phải làm cụ thể, quyết liệt tới từng bộ, ngành, đơn vị. Như ngân sách giảm 10% chi thường xuyên thì giảm ở đâu, ai giảm... Phải sớm có quy định cụ thể và tổ chức thực hiện thật nghiêm. Chúng ta không nên chờ việc cắt giảm lâu hơn nữa.
TBKTSG
- Ông Trần Xuân Giá: Sự biến động kinh tế hiện nay bắt nguồn từ những tồn tại của một số năm trước, nhất là năm 2007. Chúng ta phải xem xét lại việc thực hiện các chính sách. Dự báo đúng chưa chắc đã có chính sách đúng, còn dự báo sai thì chắc chắn chính sách sẽ không đúng. Một chính sách cụ thể chỉ được xem là đúng, khi chính sách đó được xác định đưa ra qua kênh nào, đúng liều lượng, đúng thời điểm, phối hợp đồng bộ với các chính sách khác để đạt được mục đích một cách tối đa.
Nhưng thưa ông, độ mở hiện tại của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, lớn hơn nhiều so với trước đây khi chúng ta chưa gia nhập WTO. Việc dự báo chịu tác động mạnh của những yếu tố khách quan bên ngoài…
- Không thể phủ nhận yếu tố từ bên ngoài. Ít nhất có ba nhân tố tác động đồng thời mà hầu hết các nền kinh tế phải đối mặt, đó là: sự sụt giảm mạnh nhịp tăng của nền kinh tế Mỹ và phản ứng dây chuyền sang các nền kinh tế khác của thế giới; giá dầu tăng liên tục và đang ở mức rất cao; khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhiều người nghĩ rằng chúng ta thừa gạo, còn xuất khẩu thì làm sao khủng hoảng. Nhưng thừa gạo và giá lương thực tăng cao không phải là một. Cung cầu lương thực bây giờ đã vượt qua biên giới của một quốc gia. Giá lúa trên thị trường nước ta, tùy từng vùng đang ở mức 5.000-7.000 đồng/ki lô gam, giá gạo xuất khẩu trên thế giới, tùy từng loại gạo đang ở mức 700-900 đô la/tấn, chưa bao giờ cao thế! Vấn đề đặt ra không phải là Việt Nam thiếu gạo, mà là Việt Nam cũng sẽ chịu tác động của sự tăng giá lương thực toàn cầu.
Và lạm phát đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, chúng ta tất yếu khó tránh khỏi?
- Đúng là lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên mức độ lạm phát khác nhau, tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế và nhất là các chính sách kinh tế của mỗi nước. Thí dụ năm 2007 Philippines, Indonesia là những nước nhập khẩu gạo, nhưng lạm phát thấp, Philippines chỉ 2,8% và Indonesia 6,3%; Thái Lan và Việt Nam là những nước xuất khẩu gạo, nhưng lạm phát của Thái Lan năm 2007 chỉ 2%, trong khi lạm phát của chúng ta năm ngoái tăng cao, đến 12,63%.
Ý ông là việc thực thi chính sách của chúng ta chưa như mong muốn?
- Đúng vậy. Nhưng bây giờ không phải là lúc bàn bạc, mổ xẻ sâu vấn đề này, chỉ xin nêu vài thí dụ liên quan đến chính sách tiền tệ.
Chẳng hạn việc hút tiền về thông qua các giải pháp kéo tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng quá cao năm trước xuống là cần thiết, nhưng kéo với liều lượng nào, thời điểm nào, phối hợp với các biện pháp khác ra sao... là điều chưa được cân nhắc kỹ lưỡng. Vì vậy, không những kết quả thu được bị hạn chế, mà còn gây khó khăn cho ngân hàng thương mại, tạo ra việc chạy đua nâng lãi suất huy động vốn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội...
Thí dụ khác, trong lĩnh vực quản lý ngoại hối, điều hành tỷ giá. Năm 2007, vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư gián tiếp vào nước ta tăng đột biến. Đây là thuận lợi lớn để tăng dự trữ ngoại tệ cho đất nước. Nếu chúng ta có chính sách, nhất là chính sách tỷ giá và chính sách quản lý ngoại tệ phù hợp thì đã thu hút được nguồn ngoại tệ đổ vào nước ta năm trước mà không những không trở thành gánh nặng cho lạm phát, ngược lại còn trở thành nguồn lực thực sự để đối phó với những khó khăn có thể xảy ra khi nhập siêu tăng cao, khi tình trạng “đảo chiều” xuất hiện...
Trở lại với điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo ông, vì sao ta phải chủ động điều chỉnh ?
- Tôi cho rằng việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 là cần thiết, cấp bách và cũng đã có tiền lệ. Năm 1998, khi khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á ảnh hưởng xấu đến kinh tế nước ta, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua nghị quyết hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Việc làm đó, theo tôi đã góp phần quan trọng tạo ra bước phát triển khá nhanh trong những năm tiếp theo, nhất là từ năm 2000 trở đi.
Lạm phát, nhất là lạm phát cao, vượt tầm kiểm soát, luôn để lại những hệ lụy kìm hãm tăng trưởng, ảnh hưởng tới đời sống người dân và an sinh xã hội. Lạm phát nếu để tác động tự nhiên, sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến hình thành một cơ cấu kinh tế méo mó, không có lợi cho phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Vì thế cần phải chủ động điều chỉnh nhịp tăng trưởng nhằm tạo nên một cơ cấu kinh tế mới phục vụ tăng trưởng trở lại nhanh hơn, bền vững hơn khi khó khăn qua đi.
Vậy theo ông việc Chính phủ dự định điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế năm 2008 từ 8,5-9% như kế hoạch đã được Quốc hội thông qua xuống 6,5-7,5% có quá lớn và làm thế nào để đạt được mức điều chỉnh đó?
- Đúng là cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ mức điều chỉnh nhịp tăng kinh tế. Theo tôi, mức độ điều chỉnh nhịp tăng kinh tế phải đáp ứng các yêu cầu sau: 1) Góp phần trực tiếp chặn đứng và giảm dần tốc độ lạm phát đang có xu hướng tăng cao không những cho năm 2008 mà cả năm 2009. 2) Góp phần hình thành nên cơ cấu kinh tế mới, phù hợp hơn, cũng như tạo ra các cân đối kinh tế vĩ mô ổn định, lành mạnh làm tiền đề cho phát triển xã hội nhanh và bền vững sau khi đất nước vượt qua những khó khăn trước mắt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010. 3) Góp phần tạo nên nguồn lực để hỗ trợ những đối tượng bị tổn thương do lạm phát gây ra.
Ở nước ta khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn còn dựa vào tăng nhanh vốn đầu tư thì việc điều chỉnh nhịp tăng trưởng nói trên, cho dù được thực hiện qua nhiều kênh, thì kênh quan trọng nhất vẫn là siết chặt đầu tư và chi tiêu công. Kinh nghiệm cho thấy, đây là việc làm rất khó, nhất là khi chúng ta đã thực hiện việc phân cấp quản lý đầu tư một cách toàn diện và tuyệt đối cho các bộ, địa phương và doanh nghiệp nhà nước, nhưng không thể không làm và phải bắt đầu càng sớm càng tốt. Việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư công phải bắt đầu từ việc kiểm kê thật cụ thể các dự án công, loại nào cắt, loại nào giãn tiến độ, loại nào hoãn và loại dự án nào cần được tăng mạnh vốn để sớm khởi công xây dựng hoặc đẩy nhanh việc thi công để đưa nhanh công trình vào sử dụng. Tất cả các việc này ai phải làm, tiến hành trong bao lâu, phối hợp ra sao… đều phải được xác định thật rõ trong một kế hoạch hành động thật cụ thể.
Trong điều kiện của ta hiện nay muốn “cắt, hoãn” dự án đầu tư công phải cần dùng đến biện pháp hành chính một cách mạnh tay. Thí dụ, Thủ tướng hạ một lệnh ngắn, gọn bắt đầu từ ngày… ngừng thi công, ngừng khởi công xây dựng trụ sở của các đơn hành chính từ trung ương đến địa phương và cơ sở, của các doanh nghiệp nhà nước... Cụ thể nữa, những dự án không đủ vốn cấp thay vì kéo dài thời gian xây dựng từ ba năm thành 7-8 năm hoặc những dự án chưa tạo ra khối lượng hàng hóa cần thiết cũng nên tạm dừng.
Muốn giảm chi tiêu công, theo tôi, phải làm cụ thể, quyết liệt tới từng bộ, ngành, đơn vị. Như ngân sách giảm 10% chi thường xuyên thì giảm ở đâu, ai giảm... Phải sớm có quy định cụ thể và tổ chức thực hiện thật nghiêm. Chúng ta không nên chờ việc cắt giảm lâu hơn nữa.
Theo: TBKTSG