QĐND Online – Sáng 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục ngày làm việc thứ 3 của phiên họp thứ 11, cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tờ trình, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chủ trì phiên họp cho biết, với phương án hằng năm lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và phương án lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, qua trao đổi, đa số ý kiến đồng ý theo phương án hằng năm lấy phiếu tín nhiệm. Nhiều ý kiến cũng thiên về phương án công bố cả phiếu tín nhiệm hay tín nhiệm thấp và tỷ lệ phiếu cụ thể. Với 2 lần lấy phiếu tín nhiệm đều thấp, không đạt quá 50% thì phải chuyển sang hình thức miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức.
 |
Ảnh minh họa/internet. |
Sau câu hỏi của đại biểu Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và đại biểu Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp về sự khác nhau giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, giữa lấy phiếu và bỏ phiếu là các bước làm nhằm chặt chẽ, dân chủ và công khai trong công tác cán bộ. Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến; bỏ phiếu là để giữ hay bỏ một vị trí, chức danh nào đó; thăm dò là một bước để đưa sang bỏ phiếu, bỏ phiếu rồi còn phải làm thủ tục bãi nhiệm. Hằng năm, chúng ta tỏ thái độ thăm dò, thể hiện mức tín nhiệm của mình nhưng phiếu tín nhiệm hằng năm không đủ để bãi nhiệm một chức danh nào đó; thăm dò hai năm nếu cán bộ đó không đủ tín nhiệm thì phải làm thủ tục bỏ phiếu, bãi nhiệm. Vì thế, thăm dò, lấy phiếu tín nhiệm giản đơn hơn bỏ phiếu nhưng đây là bước lấy kết quả thăm dò để đưa sang bỏ phiếu. Bỏ phiếu thì quy trình chặt chẽ hơn, bỏ phiếu chỉ còn hai mức: tín nhiệm hay không tín nhiệm.
Bên cạnh việc cho rằng, Đề án thể hiện sự công phu, các quy định đều rõ ràng, đại biểu Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách còn bày tỏ: Việc lấy phiếu tín nhiệm phải tổ chức đồng bộ, kể các chức danh bổ nhiệm và bầu cử khác; nếu dân cử không thì chưa thể nói lên đươc uy tín của Đảng, của Nhà nước. Trong thực tiễn, cứ mỗi lần lấy ý kiến, tiến hành bầu cử, thư nặc danh kéo theo nó tác động vào tư tưởng cán bộ rất lớn, làm sai lệch lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nhất trí với việc nên hai năm lấy phiếu tín nhiệm một lần. Nếu trường hợp bỏ phiếu mà không đạt quá 50% thì có thể đưa lên UBTVQH xem xét đánh giá và nếu UBTVQH bỏ phiếu mà cũng không quá 50% số phiếu tán thành thì phải đưa ra Quốc hội xem xét, phải đưa ra bỏ phiếu lấy tín nhiệm. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, để lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần phải làm chi tiết, cụ thể và đúng quy trình.
Đại biểu Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhưng phải thực hiện hệ trọng cả về mặt pháp lý, chính trị. Khi thực hiện phải thận trọng chặt chẽ, có bước đi phù hợp, không thể làm tràn lan, nhưng có thể làm các trường hợp cụ thể nhưng do Quốc hội quyết định.
Phát biểu cuối giờ làm việc buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, để lấy phiếu tín nhiệm phải căn cứ vào tiêu chuẩn, quy định của pháp luật. Vậy cần xem cá nhân đó hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ trung bình, hay không hoàn thành nhiệm vụ; cụ thể là tín nhiệm cao, trung bình hay tín nhiệm thấp. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là đánh giá bước đầu. Sau khi phân tích nhiều ý kiến khác chúng ta mới có căn cứ để đưa sang bỏ phiếu. Về bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, bỏ phiếu thì quyền thuộc về người đại biểu, thể hiện chính kiến của đại biểu Quốc hội.
Lê Xuân Đức