"Không hẹn mà nên", tôi gặp chính trị viên các tiểu đoàn, đại đội của đoàn phòng không Sông Gianh, Quân khu 3, đúng vào ngày thứ ba hàng tuần (ngày đơn vị dành cho cán bộ tự học). Họ tập ngắm, tập lấy phương vị, tập làm khẩu đội trưởng, tập làm pháo thủ số 5... với suy nghĩ, làm cán bộ chính trị phải biết được tận cùng sự vất vả của anh em.
Trao đổi với đại tá Nguyễn Xuân Trường, chính ủy đoàn, anh cho biết:
-Thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, cán bộ quân sự, chính trị các cấp trong đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác Đảng, công tác chính trị và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Chính vì sự đoàn kết thống nhất cao của đội ngũ cán bộ nên những khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu đã được Đảng ủy đoàn bàn biện pháp từng bước tháo gỡ, như tập trung bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ chính trị.
Trao đổi với các chính trị viên đại đội, chúng tôi đều nhận được ý kiến chung: Ba tháng đầu thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên nhiều chính trị viên (nhất là chính trị viên đại đội) chưa nhận thức đúng vai trò của mình nên còn e dè trong công việc, nhất là triển khai công tác Đảng, công tác chính trị, một số chính trị viên đại đội vừa làm vừa nghe ngóng, hồi hộp chờ dư luận. Từ tâm trạng đó dẫn đến tình trạng thiếu chủ động trong lập kế hoạch và triển khai công tác Đảng, công tác chính trị. Với thái độ cầu thị và thẳng thắn, trung tá Nguyễn Minh Vương, chính trị viên tiểu đoàn 4 phân tích có lý có tình:
- Thực tế trình độ của chính trị viên trong Đoàn không thật đồng đều (nhất là kiến thức quân sự và chuyên môn kỹ thuật) dẫn đến việc lập kế hoạch không sát, thiếu thực tế. Vả lại nhiều chính trị viên còn mang nặng tâm lý tự ti, ỷ lại, thiếu quyết đoán… Thời gian đó công tác tư tưởng, các phong trào thi đua, phong trào Đoàn vẫn hoạt động tốt vì có sự cảm thông, chia sẻ, đoàn kết và chung lưng đấu cật của đội ngũ cán bộ và toàn thể anh em hạ sĩ quan, chiến sĩ.
Từ thực tế của đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy đoàn Sông Gianh đã kịp thời tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm tìm ra các giải pháp để khắc phục những thiếu sót trên và một trong những giải pháp được thực hiện là tổ chức tập huấn cho cán bộ chính trị nắm nghiệp vụ về chuyên môn kỹ thuật để có kiến thức toàn diện, tránh "chính trị suông".
Đại úy Nguyễn Việt Du, chính trị viên đại đội 12, bộc bạch:
- Những đợt học tập, rút kinh nghiệm đã lấy lại sự tự tin cho anh em cán bộ chính trị. Chúng tôi còn hạn chế gì được học thêm đó, lại được nói hết suy nghĩ của mình và được các đồng chí cán bộ quân sự chia sẻ, giúp đỡ.
Được dự buổi giao ban chính trị hàng tháng của đoàn, tôi thấy 5 nội dung trong buổi giao ban được Chính ủy đoàn đánh giá tổng hợp trong tháng dựa vào báo cáo hằng ngày của các đơn vị và các ngày kiểm tra đột xuất của chính ủy và cán bộ phòng chính trị; các cơ quan, đơn vị báo cáo và tự đánh giá, chấm điểm thi đua cùng các biện pháp khắc phục… rất sâu và toàn diện.
Dẫn tôi đến khẩu đội 37 của đại đội 8, tiểu đoàn 3-nơi đại úy Trần Viết Nam, chính trị viên đại đội đang cùng các pháo thủ luyện tập bắt mục tiêu, đại tá đoàn trưởng Nguyễn Văn Bình cho biết:
- Đa số cán bộ, chiến sĩ đơn vị có ý thức tốt khi thực hiện Nghị quyết 51. Nhất là tinh thần "tự học, tự rèn" của đội ngũ chính trị viên.
Đến nay, hầu hết đội ngũ chính trị viên ở đoàn Sông Gianh đều hoàn thành tốt vai trò của mình ở tất cả các nhiệm vụ. Sự phối hợp giữa chính trị viên và tiểu đoàn trưởng, giữa chính trị viên đại đội và đại đội trưởng ngày càng nhịp nhàng hơn. Tuy nhiên, thực tế chưa phải "mười phân vẹn mười". Đúng như lời chính trị viên đại đội 5 nói:
- Thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên là điều còn mới mẻ với cả cán bộ chính trị lẫn cán bộ quân sự. Hoạt động của mỗi đơn vị lại rất đa dạng, phong phú, nhiều chiều nên không phải chuyện gì cũng "ăn khớp" ngay được. Cái chính là chúng tôi đã biết đồng sức, đồng lòng để vượt qua những khúc mắc, trở ngại phát sinh trong thực tế sinh động của cuộc sống để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Bài: VŨ ĐẠT-NGỌC LONG