LTS: Tại cuộc Hội thảo cấp Nhà nước với chủ đề: "Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam", do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 28-11, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, ghi lại nhiều ý kiến, câu chuyện, kỷ niệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Chúng tôi xin trân trọng lược ghi, giới thiệu một số ý kiến.

* Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương:

Biểu trưng của ý chí quật cường 

Trong chiến dịch phòng không ác liệt cuối năm 1972, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã biểu lộ cao ý chí và tinh thần kiên cường khắc phục mọi khó khăn gian khổ; phát huy những kinh nghiệm của chiến tranh nhân dân ở đô thị, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội để thực hiện các phương án tác chiến. Cùng với bộ đội phòng không kiên cường và các tay súng tự vệ vững chắc, nhân dân thủ đô Hà Nội đã góp sức to lớn làm nên chiến công hiển hách. Cuộc sống đô thị được tổ chức theo kiểu thời chiến. Các cụ già, em nhỏ, học sinh, sinh viên về nơi an toàn. Công tác phòng không tại chỗ được triển khai tích cực. Mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan trường học, xí nghiệp đều kiến tạo hầm hào trú ẩn. Trong thành phố có 230.000 hố cá nhân, 1.130km hào giao thông, hàng nghìn hầm tập thể...

Tiến sĩ Trương Minh Tuấn.

Sự bạo tàn của kẻ thù càng tăng thêm quyết tâm đánh giặc Mỹ của quân và dân Hà Nội. Trong tổn thất, đau thương càng sâu nặng nghĩa đồng bào. Hà Nội chiến đấu vì cả nước; cả nước hướng về Hà Nội sẻ chia, cổ vũ. Hàng trăm tấm gương sáng ngời của Thủ đô xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực: Trong bảo vệ sản xuất, bảo vệ trật tự, tính mạng, tài sản của nhân dân, trong cứu thương, cứu hỏa, trong đùm bọc cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là hình ảnh của các chiến sĩ công nhân anh hùng “Bến phà kiên cường chống Mỹ” Bác Cổ, lặn lội bám trụ ngày đêm để bảo đảm giao thông thông suốt, bất chấp bom đạn của kẻ thù. Đó là hình ảnh về tấm gương hy sinh của hai đồng chí Đặng Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa bám máy đến cùng để bảo đảm dòng điện cho Thủ đô. Và hình ảnh các chiến sĩ công an đường phố sâu sát, nắm dân, quên mình để cứu chữa, bảo vệ tính mạng nhân dân. Đó là lực lượng cứu sập, cứu hỏa xả thân dưới bom đạn địch làm nhiệm vụ. Đó là hàng trăm nghìn chiến sĩ tự vệ, các hội viên chữ thập đỏ và cả những người dân bình thường vì nghĩa lớn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm tận tình cưu mang bà con, xóm ngõ của mình trong cơn hoạn nạn. Đội ngũ các thầy thuốc, những “chiến sĩ áo trắng” từ giáo sư, bác sĩ đến y tá, hộ lý đã lăn lộn bất chấp mọi nguy hiểm để làm nhiệm vụ cao cả của người lương y vì sự sống còn của hàng nghìn nạn nhân. Đó là cán bộ, công nhân trong ngành phục vụ điện, nước, ăn uống, giao thông vận tải. Nhiều đảng bộ, chi bộ và đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến. Hàng trăm tổ chức đảng và cấp ủy các chi bộ, đảng bộ và hàng nghìn đảng viên được biểu dương gương mẫu trong đợt chiến đấu chống máy bay B-52. Mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, đã góp phần tạo nên chiến công vĩ đại này.

Thắng lợi của quân và dân ta 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam niềm tự hào, tự tin và làm giàu thêm ý chí và tri thức về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ sáng tạo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi của chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng; là thắng lợi của truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân thủ đô Hà Nội; góp phần làm rạng rỡ truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội...

DUY HỒNG (lược ghi)

* Trút đau thương lên đầu súng

Tại cuộc Hội thảo “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam” chỉ có một đại biểu nữ lên tham luận. Bà là Phạm Thị Viễn, nữ pháo thủ của Trung đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động Hà Nội, người tham gia Liên đội tự vệ, chiến đấu tại trận địa Vân Đồn, đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay F-111A của Không quân Mỹ ngày 22-12-1972.

Bà Phạm Thị Viễn.

Bà kể, trong thời gian làm tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động, bà tích cực học tập, huấn luyện, sử dụng thành thạo loại súng bộ binh, nhất là phòng không 14,5mm trang bị cho trung đội tự vệ nhà máy. Trong thời kỳ không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, năm 1967 gia đình bà đón nhận nỗi mất mẹ do bom Mỹ sát hại. Trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972, một lần nữa, Không quân Mỹ đem bom giội xuống Hà Nội, gây nhiều tội ác, đặc biệt là sát hại dân thường. Bà Viễn nhớ lại: Lúc này tôi đã là tự vệ của nhà máy nên phải trực chiến trên trận địa cả ngày lẫn đêm. Khi máy bay B-52 đem bom rải thảm vào khu tập thể, một quả bom rơi trúng hầm trú ẩn của cha tôi... Biết tin cha bị bom Mỹ sát hại, em gái vội vàng chạy ra trận địa thông báo khi tôi đang trực chiến.

Đau thương trút lên đầu súng. Sáng 22-12-1972, đơn vị tự vệ của chị được lệnh di chuyển về trận địa Vân Đồn. Sau khi kéo khẩu pháo 14,5mm vào chiếm lĩnh trận địa mới, cả đơn vị chuyển cấp vào trực chiến đấu ngay. Bà Viễn kể, nhiệm vụ của khẩu đội pháo cao xạ của bà là đánh máy bay chiến thuật, bảo vệ các khu dân cư và nhà máy, xí nghiệp xung quanh khu vực. Lúc 20 giờ ngày 22-12-1972, đơn vị nhận lệnh báo động. Cả kíp pháo thủ lên mâm pháo chờ máy bay Mỹ... Đến khi đồng chí Liên đội trưởng hô bắn, các khẩu đội pháo đồng loạt nhả đạn. Là pháo thủ số 1, bà Phạm Thị Viễn nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay rẹt qua đầu, phần đuôi của nó lóe sáng.

Khoảng nửa giờ sau, Ban CHQS quận Hai Bà Trưng thông báo với cả trận địa, khẩu đội đã bắn rơi được chiếc máy bay F-111A “cánh cụp cánh xòe” của Mỹ. Trận đánh thể hiện tinh thần, ý chí chiến đấu dũng cảm, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, trên nền tảng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 lịch sử.

Hương Hồng Thu (lược ghi)

* Ông Hà Đăng, nguyên thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri:

Hiệp định Pa-ri là kết quả chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta diễn ra trên cả 3 mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao. Do đánh thắng trên chiến trường, ta đã buộc đế quốc Mỹ ngồi vào đàm phán. Rồi suốt trong hơn 4 năm đàm phán tại Pa-ri, ta nhất quán đòi quân đội Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Ông Hà Đăng.

Ngày 20-10-1972, qua hàng loạt cuộc đàm phán mật, một Hiệp định cho việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được thỏa thuận giữa Hà Nội và Oa-sinh-tơn. Dự thảo Hiệp định này đáp ứng được những đòi hỏi cơ bản của ta. Nhưng rồi sau khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 7-11-1972 thì Ních-xơn giở trò lật lọng. Trong hai đợt đàm phán tiếp theo vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12, do phía Mỹ đưa ra quá nhiều điều sửa đổi, đáp lại ta cũng đòi sửa đổi một số điều, đàm phán diễn ra hết sức căng thẳng. Đến ngày 12-12-1972, nhiều vấn đề tồn tại đã dần được giải quyết. Chỉ còn lại một số vấn đề, chủ yếu đến khu phi quân sự và thể thức ký Hiệp định. Ngày 13-12, hai bên đồng ý tạm ngừng đàm phán để về xin chỉ thị Chính phủ mình. Ngày 16-12, Kít-xinh-giơ đột nhiên họp báo và đổ lỗi cho Việt Nam dân chủ cộng hòa kéo dài đàm phán. Ngày 18-12, máy bay chiến lược B-52 của Mỹ giội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác. Phía Mỹ gọi đó là cuộc tập kích chiến lược, mà mục tiêu trực tiếp như Ních-xơn nói: “Dùng đòn đánh mạnh nhất để thúc đẩy thương lượng”. Kít-xinh-giơ cũng nói rằng: “Tung con át chủ bài cuối cùng”. Giữa chừng cuộc ném bom, Mỹ gửi công hàm đề nghị ta nối lại đàm phán, chắc mẩm rằng đòn sấm sét Nô-en sẽ buộc ta phải chấp nhận những gì Mỹ đòi. Ta trả lời, đàm phán chỉ có thể chừng nào Mỹ trở lại tình hình trước ngày 18-12, tức là ngừng ném bom vô điều kiện. Ngày 30-12, cuộc ném bom hoàn toàn chấm dứt. Và ngày 8-1-1973, đàm phán Pa-ri nối lại.

Rõ ràng là, nếu không bị đòn chết điếng trong dịp lễ Giáng sinh thì cái đầu nóng của Ních-xơn không dễ gì nguội lạnh nhanh như vậy. Pháo đài bay của Mỹ không lật được thế cờ. Ngày 23-1-1973, cố vấn Lê Đức Thọ, đại diện cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa và cố vấn Kít-xinh-giơ, đại diện cho Hoa Kỳ đã ký tắt bản về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 27-1-1973, bốn bên Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã ký chính thức bản Hiệp định đó.

Hiệp định Pa-ri là kết quả thắng lợi cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân ta trong suốt 18 năm kể từ năm 1955, là kết quả trực tiếp của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

TAM ĐIỆP (lược ghi)

* Ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội:

Quân và dân Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các lực lượng

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, TP Hà Nội đã sơ tán hơn 50 vạn dân. Để tổ chức cho đồng bào đi sơ tán an toàn, chặt chẽ, chu đáo, TP Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh lân cận bố trí nơi ăn ở. Không chỉ vậy, việc học tập của học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở vẫn bảo đảm. Quá trình chiến đấu, đánh trả không quân địch, quân và dân TP Hà Nội đã kiên cường, dũng cảm, tiêu diệt nhiều máy bay và bắt sống giặc lái, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Ông Nguyễn Văn Trân.

Có được kết quả trên là bởi nhiều yếu tố, trước hết phải kể đến công tác tổ chức phòng không chu đáo; hệ thống báo động của thành phố kịp thời. Cùng với đó, toàn thành phố đã triển khai và thực hiện tốt 3 nhiệm vụ, đó là: Các nhà đều có hầm trú ẩn; Nơi công sở, các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy đều có hầm trú ẩn; Trên các đường phố đều có hố cá nhân. Do đó, mỗi khi báo động có máy bay, mọi người dù ở nhà hay đang làm việc hoặc đi trên đường đều có vị trí trú ẩn, hạn chế được thương vong, đổ máu. Đây là một trong những hình thức phòng không mặt đất mang lại hiệu quả cao của hệ thống phòng không thành phố Hà Nội lúc bấy giờ.

Để bảo đảm sản xuất, một số nhà máy, xí nghiệp quan trọng phải sơ tán, số còn lại vẫn tiếp tục vừa sản xuất vừa chiến đấu. Phần lớn các tự vệ là cựu chiến binh thời chống Pháp, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nên được trang bị các súng máy phòng không 14,5mm và 12,7mm… nên khi phối hợp, hiệp đồng với bộ đội chủ lực bắn máy bay địch tầm thấp rất hiệu quả. Nhằm đánh lạc hướng giặc lái, lực lượng phòng không trên địa bàn thành phố lúc bấy giờ liên tục di chuyển các trận địa pháo. Quá trình di chuyển diễn ra hết sức khẩn trương, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ nên giặc lái Mỹ rất bất ngờ mỗi khi quay lại ném bom. Lực lượng tự vệ Hà Nội tại chỗ không chỉ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bắn máy bay địch ở tầm thấp mà còn cắt cử người theo dõi mỗi đợt đánh phá của địch có bao nhiêu loại bom, nếu có bom nổ chậm đánh dấu, khoanh vùng để mọi người không vào vị trí nguy hiểm, đồng thời phối hợp với các đơn vị công binh đến xử lý kịp thời. Nhờ có sự chủ động chuẩn bị chu đáo và tinh thần đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong đánh trả không quân địch nên thành phố Hà Nội vẫn vững vàng sau 12 ngày đêm bị giặc Mỹ rải thảm bom B-52...

KHÁNH CHI (lược ghi)

* Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng Đại đội Ra-đa 45, Trung đoàn Ra-đa 291:

Xác định chính xác B-52, không để Tổ quốc bị bất ngờ

Mặc dù địch đã phát huy cao độ sức mạnh quân sự, nhất là trong lĩnh vực tác chiến điện tử và vũ khí công nghệ cao nhưng chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 đã bị thất bại rất nặng nề. Trong chiến dịch này, ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 chiếc B-52 với 16 chiếc B-52 rơi tại chỗ. Công đầu trong chiến thắng vĩ đại của chiến dịch thuộc về bộ đội ra-đa phòng không. Mặc dù địch đã tập trung toàn bộ các thiết bị gây nhiễu rất hiện đại hòng “bịt mắt” toàn bộ hệ thống ra-đa phòng không của ta, nhưng bộ đội ra-đa đã không để Tổ quốc bị bất ngờ trước đòn tập kích đường không chiến lược của địch và bảo đảm vô điều kiện cho các lực lượng phòng không chiến dịch giành thắng lợi.

Đại tá Nghiêm Đình Tích.

Trong chiến dịch này, Bộ tư lệnh Binh chủng Ra-đa cho mở máy 355 lần đại đội với 447 lần đài ra-đa kết hợp với các vọng quan sát mắt đã phát hiện và xác định chính xác B-52, báo động sớm trong trận đầu, đêm đầu cho Hà Nội 35 phút, các đêm sau từ 50 đến 60 phút. Do được bảo đảm ra-đa tốt, các cấp chỉ huy chiến dịch-chiến lược đã nắm chắc tình hình địch, hạ quyết tâm chiến đấu kịp thời, chính xác; các lực lượng phòng không, không quân được chuyển cấp chiến đấu sớm, chủ động đánh B-52, lập nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử tác chiến phòng không trên thế giới. Theo tài liệu “Tổng kết bộ đội ra-đa phục vụ chiến dịch phòng không... năm 1972” thì trong chiến dịch này, Trung đoàn Ra-đa 291 đã phát hiện được 151 trên tổng số 165 tốp B-52, đạt 91,6%; Trung đoàn Ra-đa 290 đạt 76%; Trung đoàn Ra-đa 292 đạt 55,4%; Trung đoàn ra-đa 293 đạt 44,5%. Trong chiến dịch này, Bộ đội Tên lửa phòng không xứng đáng là lực lượng nòng cốt và chủ yếu bắn rơi B-52, tích cực góp phần đánh bại chiến dịch tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ. Chỉ tính riêng trong số 34 chiếc B-52 bị bắn rơi thì Bộ đội Tên lửa phòng không đã bắn rơi 29 chiếc, trong đó có 16 chiếc B-52 rơi tại chỗ. Trong chiến dịch, Bộ đội Không quân đã xuất kích 24 lần, bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 2 chiếc B-52, 4 chiếc F4-D và 1 chiếc RA5C...

Đây là lần đầu tiên trên thế giới, đế quốc Mỹ bị thảm bại trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược và bị bắn rơi nhiều B-52 đến thế. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có một số chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52. Mặc dù các nước đó có nhiều vũ khí phòng không hiện đại hơn ta nhưng chưa có nước nào bắn rơi được máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Điều đó càng tôn vinh chiến thắng vĩ đại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của bộ đội phòng không Việt Nam.

Trong tác chiến phòng không ngày càng hiện đại, khi chiến tranh điện tử và vũ khí công nghệ cao phát triển thì công tác tác chiến điện tử phải được coi là biện pháp tác chiến chiến lược hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến thành bại của cuộc chiến tranh. Vì vậy, tôi cho rằng cần quan tâm đầu tư xây dựng và tổ chức thêm lực lượng, phương tiện tác chiến điện tử, nhất là lực lượng và phương tiện phản điện tử với địch (hệ thống gây nhiễu các thiết bị vô tuyến của địch, lực lượng trinh sát, đánh phá các nguồn gây nhiễu chủ yếu của địch) để kiện toàn tổ chức và xây dựng hoàn chỉnh nghệ thuật tác chiến điện tử của Quân chủng Phòng không - Không quân, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến phòng không hiện đại trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc...

LÊ MY (lược ghi)