Ở Nghĩa Lộ có một địa chỉ văn hóa-lịch sử đặc biệt, đó là di tích "Khu Căng và đồn Nghĩa Lộ". Khi Pháp chiếm đóng, đây là căn cứ quân sự, kiểm soát cửa ngõ lên Điện Biên và cũng là nơi giam giữ tù chính trị. Trong căn cứ, Pháp xây dựng sân bay dã chiến, nay là bãi tập lái xe...
Ở Nghĩa Lộ có một địa chỉ văn hóa-lịch sử đặc biệt, đó là di tích "Khu Căng và đồn Nghĩa Lộ". Khi Pháp chiếm đóng, đây là căn cứ quân sự, kiểm soát cửa ngõ lên Điện Biên và cũng là nơi giam giữ tù chính trị. Trong căn cứ, Pháp xây dựng sân bay dã chiến, nay là bãi tập lái xe.
Trung tâm di tích có ngôi nhà lớn 4 mái kiểu nhà người Thái. Mặt bằng sàn hình chữ nhật dựng những bức tường đá lớn ghi tên 408 liệt sĩ của quê hương Nghĩa Lộ. Tại đây còn ghi dấu tích sự kiện 9 chiến sĩ cách mạng vượt ngục năm 1945 chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa nhưng bị thực dân Pháp giết rồi cùng chôn chung một hố. Trong đó có người chiến sĩ-nhạc sĩ Đinh Nhu mà tên tuổi ông gắn với ca khúc "Cùng nhau đi Hồng binh" bất hủ. Đinh Nhu quê ở Hải Phòng, gia đình ông sinh sống bằng nghề trồng hoa. Ông bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 1930 đã từng bị tù ở Côn Đảo, Bắc Mê rồi hy sinh ở nhà tù Nghĩa Lộ.
Là một chiến sĩ cách mạng tài hoa, trong những lúc bị tù đày, ông là một chiến sĩ mẫu mực trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Diễn kịch, đánh đàn, sáng tác ca khúc... là những hoạt động cách mạng của Đinh Nhu những ngày tháng trong ngục. Các nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc cho biết: Ca khúc "Cùng nhau đi Hồng binh" được tác giả nghiền ngẫm từ sự kiện chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ý thức về sức mạnh giai cấp, sức mạnh liên kết của những người lao động nghèo chính là nội dung tư tưởng, cơ sở ra đời của bài hát.
Bài "Cùng nhau đi Hồng binh" của nhạc sĩ Đinh Nhu được coi là bài hát đầu tiên của nền ca khúc cách mạng Việt Nam. Trong buổi chiều thu, tại khu di tích, chúng tôi được nghe lại bài hát qua băng ghi âm: Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh... Nào anh em nghèo đâu/ Liều thân cho đời sống/ Mong thế giới đại đồng tiến lên quân Hồng. |
Những người sống lâu năm ở đây kể, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, nhạc sĩ Đinh Nhu với người dân vùng cửa ngõ Tây Bắc này cũng gần gũi như ngòi Thia với cánh đồng Mường Lò. Trong sử sách còn ghi Chiến thắng đồn Nghĩa Lộ, bắt sống toàn bộ ban tham mưu và quan lính đồn trú của Pháp (18-10-1952) góp phần giải phóng Tây Bắc.
Mới đây, ngành văn hóa-thông tin đã phối hợp với thị xã đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp khu di tích. Tại chính nơi giặc Pháp hành hình 9 chiến sĩ cách mạng, đã xây dựng thành khu tưởng niệm, với ngôi mộ chung lớn hình đóa sen chín cánh. Toàn bộ công trình vừa được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 61 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Chính vì tính độc đáo, Di tích khu Căng và đồn Nghĩa Lộ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa, là địa chỉ tham quan của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến vùng đất Tây Bắc.
LÊ MẬU LÂM