LTS. Cách đây 59 năm, quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân đội và nhân dân Lào anh em đã phối hợp làm nên chiến thắng Thượng Lào, tạo điều kiện cho cách mạng Lào cũng như Cách mạng Việt Nam phát triển. Nhân dịp Năm hữu nghị Việt - Lào, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc sự kiện có ý nghĩa quan trọng này trong mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào.
QĐND - Với sự giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam, đến cuối năm 1952, đầu 1953, quân và dân Lào đã xây dựng, củng cố vùng giải phóng và các khu căn cứ tương đối vững chắc, liên hoàn suốt từ Thượng Lào, Trung Lào đến Hạ Lào; đồng thời ta cũng nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với khu căn cứ kháng chiến Thượng Lào, giúp Bạn phát triển chiến tranh du kích ở các vùng sau lưng địch. Đó là điều kiện thuận lợi để ta và Bạn phát huy thế chủ động tiến công địch, tiến lên giành những thắng lợi to lớn.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba, từ trái sang), Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (người thứ tư, từ trái sang) và các cán bộ quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953. Ảnh tư liệu |
Nhằm tăng cường quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta (1-1953) xác định: Cách mạng Việt Nam có điều kiện phối hợp với cách mạng Lào đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển lên bước mới. Về địa bàn tác chiến phối hợp lần này giữa hai nước, Hội nghị nhấn mạnh: Mặc dù địch đã tăng cường đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ và sử dụng lực lượng cơ động của Pháp ở Bắc Bộ Việt Nam để ứng cứu bằng đường không khi bị tiến công, nhưng chúng vẫn bộc lộ nhiều sơ hở do cách xa các nơi tăng viện, lại là khu vực tiếp tế khó khăn và dễ bị chia cắt, tinh thần quân ngụy Lào sút kém, khả năng chiến đấu không cao. Vì thế, Thượng Lào là địa bàn thuận lợi để ta và Bạn phối hợp tiến công và làm tan rã quân địch, củng cố vùng giải phóng và khu căn cứ địa cách mạng Lào.
Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 2-2-1953, Tổng Quân ủy Việt Nam thông qua phương hướng mở đợt hoạt động quân sự trên chiến trường Lào, đề nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho quân chủ lực và quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân Lào mở chiến dịch tiến công địch ở Sầm Nưa (Thượng Lào) và được chấp thuận.
Thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Trung ương Đảng và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3-2-1953, Chính phủ nước ta và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào. Mục đích là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng và mở rộng khu căn cứ địa của cách mạng Lào, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Lào; đồng thời phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó.
Thượng Lào gồm 6 tỉnh: Luông Phra-băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Phông-xa-lỳ và Huội Sài. Đây là vùng rừng núi, đường giao thông ít. Từ Việt Nam sang, có đường số 7 từ Vinh đi Xiêng Khoảng; đường số 6 từ Hòa Bình, Mộc Châu đến Pa Hang, Sầm Nưa (Hủa Phăn); một con đường từ Sơn La qua Mường Hét đi Sầm Nưa… Những con đường này nhiều đoạn hư hỏng, ô tô chỉ có thể qua lại một số đoạn ở phía Việt Nam.
Về phía địch: Địch chia chiến trường Thượng Lào thành hai khu vực phòng thủ: Khu Mê Công (gồm hai phân khu Viêng Chăn và Luông Phra-băng) và khu Trấn Ninh (gồm phai phân khu Sầm Nưa và Xiêng Khoảng). Địch chọn thị xã Sầm Nưa thuộc tỉnh Hủa Phăn làm khu vực phòng giữ chủ yếu và tập trung xây dựng Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” ở Tây Bắc Việt Nam. Tại đây, địch xây dựng 11 cứ điểm (xung quanh mỗi cứ điểm đều có hàng rào kẽm gai và bãi chướng ngại) trong một thung lũng, chiều ngang chỗ rộng nhất 1.800m, chiều dài từ bắc xuống nam chừng 2000m, có sân bay dã chiến Nà Thông, bãi nhảy dù Nà Viêng. Lực lượng địch từ 3 đại đội lính khố đỏ và lính dõng, tăng lên 3 tiểu đoàn, 1 đại đội pháo, với quân số hơn 2.500 tên (gồm cả Pháp và quân ngụy Lào) do Trung tá Man-phát-tơ chỉ huy. Tại tỉnh Xiêng Khoảng, địch cũng tăng thêm một tiểu đoàn ngụy Lào trấn giữ.
Sau khi trao đổi thống nhất phương hướng, quyết tâm chiến dịch giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, ta và Bạn thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch gồm: Phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm chính trị, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng. Phía Lào có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Xỉng-ca-pô Xỉ-khốt - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Ma Khảy Khăm-phi-thun - Bí thư Tỉnh ủy Hủa Phăn.
Thực hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước, cuối tháng 2-1953, các đơn vị của ta và Bạn tham gia chiến dịch gấp rút chuẩn bị về mọi mặt. Để bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào cùng với Bạn khẩn trương tiến hành chuẩn bị chiến trường, bảo đảm cho các đơn vị của ta và Bạn hành quân đến các vị trí tập kết chiến dịch. Từ đầu tháng 3-1953, Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào cử hơn 60 cán bộ, chiến sĩ thông thạo địa hình, giỏi tiếng Lào tiến hành điều tra nắm tình hình địch, điều kiện địa hình và nhân dân, lập binh yếu địa chí khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (địa bàn diễn ra chiến dịch) báo cáo Bộ Tổng tham mưu ta để làm cơ sở xây dựng phương án tác chiến; đồng thời phối hợp với Bạn, chỉ thị cho các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác vận động nhân dân xây dựng cơ sở, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang của Bạn, thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển nhằm phát huy mọi khả năng của địa phương phục vụ tốt các yêu cầu của chiến dịch. Khu vực huyện Xiềng Khọ giáp Tây Bắc Việt Nam và khu vực dọc đường từ Xốp Hào đến Sầm Nưa là địa bàn trọng tâm chuẩn bị của chiến dịch. Những nơi có quân tình nguyện hoạt động đều chuẩn bị phối hợp với các đại đoàn chủ lực của ta sang. Các đơn vị ta và Bạn khẩn trương chuẩn bị chiến trường.(Còn nữa).
Đại tá, TS Dương Đình Lập