 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói chuyện với bà Trần Thị Hồng Mây cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Maroc.
|
Từ chiếc Cổng Maroc ở Việt Nam…
Đầu thế kỷ 20, rất nhiều thanh niên Maroc buộc phải gia nhập những đội quân viễn chinh của chính quốc gia đang xâm chiếm Maroc sang xâm chiếm, đàn áp các phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Sang Việt Nam, nhiều chàng trai Maroc thấy thật vô nghĩa khi đứng trong hàng ngũ của đội quân xâm lược, phải cầm súng bắn vào những người dân đang đấu tranh vì quyền lợi chính đáng để được sống trong độc lập, tự do. Cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho những chàng trai Maroc. Họ quay sang ủng hộ và gia nhập Việt Minh, chẳng ngại gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 300 chàng trai Maroc cùng 100 công nhân Việt Nam tới vùng núi Ba Vì khai hoang, mở nông trường. Tại đây, họ đã xây dựng Cổng Maroc như một công trình biểu tượng cho tình yêu của họ dành cho Việt Nam, thể hiện mong muốn coi Việt Nam như quê nhà. Họ đã sống, chiến đấu vì Việt Nam, hệt như những người dân Việt Nam thực thụ. Rất nhiều cô gái Việt Nam đã cảm mến, nên vợ thành chồng với các chàng trai Maroc chân chất, mộc mạc. Sau này, khi Chính phủ Maroc có chính sách hồi hương với những người Maroc ở nước ngoài, nhiều cô gái Việt Nam cũng khăn gói cùng chồng con trở về Maroc.
Một người phụ nữ trong số đó là bà Trần Thị Hồng Mây. Trong lúc chờ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Maroc, người phụ nữ 74 tuổi say sưa kể về gia đình, con cái và người chồng quá cố của mình một cách rất tự hào. Có lẽ, tình yêu lớn lao của bà dành cho quê hương của chồng và người chồng quá cố đã điểm tô cho vóc dáng bà, khiến ai khi chưa biết gốc gác của bà đều tưởng bà là một phụ nữ Maroc với mái tóc xoăn cứng bạc như cước, làn da nâu sạm, đôi mắt to tròn ẩn dưới làn mi cong vút rất đặc trưng.
Xuyên suốt câu chuyện, bà Mây rất hào hứng bởi cộng đồng người Việt Nam ở Maroc không đông, lại nằm rải rác, nên không mấy khi có dịp tụ họp đông đủ. Gặp nhau để cùng chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Maroc lại càng là dịp hiếm. Trong những câu chuyện sôi nổi của họ, tình yêu quê hương, đất nước và dáng dấp của chiếc Cổng Maroc tại Ba Vì xuất hiện với tần suất nhiều nhất. Những người phụ nữ gốc Việt ấy hiểu rõ rằng, công trình này không chỉ là sản phẩm do chính đôi bàn tay của chồng mình làm nên mà còn thể hiện sự gắn kết giữa hai dân tộc.
... tới cánh cổng hướng đến châu Phi
Chẳng riêng gì với bà con người Việt Nam đang sinh sống tại Maroc mà trong các cuộc hội đàm, hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với lãnh đạo cấp cao nước bạn, Cổng Maroc tại Ba Vì cũng luôn được nhắc tới như một biểu tượng của “tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.
Dường như lấy cảm hứng từ chính câu chuyện Cổng Maroc tại Ba Vì, Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki khi hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ví von một cách rất giàu hình ảnh rằng, Việt Nam và Maroc đang nắm giữ hai chiếc chìa khóa cửa. Nếu Việt Nam muốn, Maroc sẵn sàng trao chiếc chìa khóa của mình cho Việt Nam. Khóa vốn là bộ phận cấu thành không thể thiếu của cửa để bảo đảm an ninh, an toàn, ngăn ngừa kẻ xấu đột nhập. Chìa khóa mở cánh cửa vào nhà chỉ có thể được cất giữ và sử dụng bởi người nhà. Bạn bè được giao cầm chìa khóa mở cửa vào nhà hẳn phải là trường hợp cực kỳ đặc biệt, rất đỗi thân thiết và đáng tin.
Câu nói của Chủ tịch Hạ viện Maroc toát lên sự chân tình như chính nét biểu cảm trên khuôn mặt của ông và như chính những hành động thực tế của ông dành cho những người bạn đến từ Việt Nam. Ngay từ khi Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đặt chân tới sân bay Rabat, Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki đã khiến tất cả những người bạn đến từ Việt Nam xúc động khi đích thân ông ra tận sân bay đón đoàn. Lúc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi thăm một số địa phương của Maroc để thúc đẩy hợp tác cấp địa phương, tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước, Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cũng chủ động đề nghị đi cùng dù ông đang rất bận với công việc của một nhà lãnh đạo cấp cao Maroc và địa phương mà đoàn Việt Nam đến thăm cách thủ đô Rabat vài trăm cây số.
Tại Việt Nam đang có một chiếc cổng ghi lại một phần ký ức lịch sử chung của Việt Nam và Maroc. Việt Nam hôm nay cũng là một chiếc cổng quan trọng giúp Maroc mở cánh cửa vào khu vực Đông Nam Á. Maroc hôm nay cũng là một chiếc cổng quan trọng giúp Việt Nam tiến tới thị trường châu Phi. Cả hai quốc gia từng phải trải qua một giai đoạn đấu tranh giành độc lập, tự do đầy hy sinh và gian khổ, hiện đang nỗ lực mở cửa thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chừng đó điểm tương đồng có lẽ cũng đã đủ để hai nước đẩy mạnh hợp tác, đưa quan hệ song phương phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên.
Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG (từ Marrakech, Maroc)
Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân