Sáng 25-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là một luật mới và được đánh giá là có nhiều vấn đề cần được làm rõ mới giúp luật nhanh đi vào cuộc sống và thu được hiệu quả cao. Dù dự án được các đại biểu đánh giá cao về sự tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo, nhưng vẫn có một số điểm còn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu…

Chế tài quá ít

Là một luật mới và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong điều kiện các nguồn năng lượng đang cạn kiệt như hiện nay, nên làm sao để luật thực thi có hiệu quả, ngăn chặn được sự lãng phí năng lượng là vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Thực thi luật nghiêm, đòi hỏi phải có những chế tài phù hợp, nhưng theo không ít đại biểu, dự án luật vẫn còn quá ít chế tài và chưa rõ ràng.

Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) cho rằng: Các chế tài đưa ra trong luật là quá ít, như vậy, luật sẽ chậm đi vào cuộc sống và ít hiệu quả. Để đáp ứng điều này, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ.  Trong luật có quy định về kiểm toán năng lượng bắt buộc với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng đi kèm với nó chưa có chế tài cụ thể. Như vậy, sẽ không hiệu quả khi đưa vào cuộc sống.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Thái Bình - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hoà) cũng chung quan điểm và giải thích: trong luật còn thiếu những chế tài xác đáng và cũng chưa  thấy được trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan quản lý.

Ngoài việc kiến nghị quy định trách nhiệm và chế tài rõ ràng, đại biểu Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) còn cho rằng: không chỉ chế tài mà việc khen thưởng, ưu đãi cũng chưa được làm rõ. Vì thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rất cần sự khuyến khích và khích lệ từ các cơ quan chức năng và nhà nước. Việc chỉ quy định Điều 41 về mức ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chưa đủ. Ngoài ra cũng cần phải tính đến việc tuyên truyền như thế nào cho tốt, đạt hiệu quả cao, tạo được phong trào tiết kiệm điện trong các đơn vị cũng như trong toàn xã hội.

Cũng nói về Điều 41, đại biểu  Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) bổ sung thêm: Điều 41 cần quy định rõ hơn hỗ trợ toàn bộ hay một phần và sẽ hỗ trợ với quy mô, lĩnh vực nào? Sẽ rất khó đưa vào thực hiện khi không quy định rõ. Ngoài ra, ở một số nội dung chế tài còn thiếu và chưa rõ, chưa gắn được trách nhiệm cho các bên liên quan.

Cần có quy định rõ hơn về năng lượng tái tạo

Trong buổi thảo luận, rất nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm về nguồn tài nguyên của đất nước đang ngày một cạn kiện trong khi đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo lại chưa được chú ý. Nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh về việc phát triển năng lượng tái tạo là một giải pháp quan trọng trong việc tăng cường tiết kiệm các nguồn tài nguyên không tái tạo như than, dầu, khí đốt, bảo vệ môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Có ý kiến đề nghị phải có những quy định cụ thể về chính sách, chế độ ưu đãi để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo. 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đăk Lắk) bày tỏ lo ngại: hiện nguyên liệu hoá thạch không còn nhiều. Như tài nguyên dầu khí, theo nghiên cứu thì khai thác với hiệu quả như hiện nay thì khoảng 30 năm nữa sẽ cạn kiệt dầu khí. Về than cũng vậy. Theo báo cáo tới năm 2012, Việt Nam sẽ phải nhập 8 triệu tấn than và con số này tăng dần theo các năm tiếp theo. Do vậy, cần quy định rõ về việc khai thác, sử dụng cũng như xuất, nhập khẩu. Mặt khác, những năng lượng có thể tái tạo như địa nhiệt, thuỷ triều - một loại năng lượng mà đất nước ta có rất nhiều lợi thế thì lại chưa được đề cập nhiều.

Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) cũng ủng hộ ý kiến này và nêu rõ: chúng ta cần xem xét kỹ lại việc phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời; có quy đinh rõ ràng, cụ thể nhằm tạo nhiều điều kiện và ưu đãi để khuyến khích khai thác, sử dụng loại năng lượng này, tránh sử dụng năng lượng hoá thạch vừa gây ô nhiễm cao vừa làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Nhiều khái niệm chưa rõ

Ngoài những vấn đề về nội dung, có khá nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề sử dụng từ ngữ và giải thích khái niệm trong dự án luật này. Nhiều đại biểu cho rằng, có nhiều khái niệm được giải thích một cách chung chung, khó hiểu, và khó thực hiện khi đi vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Bình Thuận) tỏ ra băn khoăn với nhiều khái niệm trong luật và cho rằng, nhiều khái niệm quan trọng của luật chưa được làm sáng tỏ như: khái niệm tiết kiệm và hiệu quả là như thế nào chưa được giải thích rõ vì xét về mặt xã hội và kinh tế thì nội hàm của hai khái niệm này là khác nhau. Có nhiều khái niệm được giải thích khó hiểu. Như tại khoản 1 và  khoản 4 Điều 3. Ở khoản 1 thì giải thích: “Năng lượng là nhiên liệu, điện năng…”, tới khoản 4 thì lại giải thích “Nhiên liệu là các dạng vật chất được sử dụng…” như vậy là chưa thống nhất. Khoản 6, Điều 5 thì vừa giải thích vừa quy định. Khoản này quy định “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chương trình mực tiêu quốc gia dài hạn…”. Như vậy là lấy cái ngắn hạn giải thích cho cái dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (đoàn Cần Thơ) cung cấp thêm: Khoản 1, Điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm có quy định về “Huỷ hoại nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia”. Như vậy là quá rộng vì đa phần đều là nguồn tài nguyên năng lượng của quốc gia cả. Nếu không quy định, giải thích cụ thể sẽ rất khó thực hiện và sẽ dẫn đến sai phạm.

Xuân Dũng