Thủ tướng đã nêu những định hướng lớn trong chiến lược tổng thể phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 thời gian tới và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) cũng như tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực

Trình bày báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11-2021, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác PCD, đặc biệt là đổi mới tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức PCD theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế. Nhờ đó, tình hình KT-XH tháng 10-2021 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc so với tháng trước. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân tiếp tục được chú trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; đang khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể PCD và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn quốc; chủ động chuẩn bị thuốc điều trị; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho SXKD; cơ bản không để cản trở, ách tắc trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa. Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng bày tỏ đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH về việc học trực tuyến không thể kéo dài và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện PCD tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Chính sách hỗ trợ người dân bảo đảm phù hợp, hiệu quả

Trước câu hỏi của ĐBQH về chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua được thực hiện rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp tục đề xuất các chính sách và chủ động theo thẩm quyền của mình.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi chất vấn với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Về những chính sách trong thời gian tới, theo Thủ tướng, trước hết, phải rà soát, đánh giá lại, xác định ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân. Trên cơ sở đó, rà soát lại các đối tượng, phạm vi, mức độ hỗ trợ để định ra một số chính sách phù hợp, hiệu quả và tránh được những tiêu cực như trục lợi chính sách hoặc bỏ sót.

Liên quan đến hiện tượng dịch chuyển lao động từ một số thành phố lớn về các địa phương như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để giải quyết các vấn đề đặt ra, cần nâng cao năng lực y tế cho các địa phương, tăng cường cung cấp vaccine ngừa Covid-19, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế khác giúp giảm áp lực cho Đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp căn cơ là tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân trong vùng.

Xác định các trụ cột để phòng, chống dịch Covid-19

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi với Thủ tướng về chương trình hành động ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, qua hai năm thực hiện PCD, chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm, từ đó dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh và đưa ra được các trụ cột để PCD. Trước hết, phải cách ly nhanh chóng, hẹp nhất và giải tỏa nhanh nhất có thể; xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus.

Trụ cột tiếp theo là các biện pháp điều trị và điều trị phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn chuyển bệnh nặng và giảm tử vong; áp dụng các giải pháp công nghệ; đề cao ý thức của nhân dân... Thủ tướng cũng lưu ý đến đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn nhân lực, cùng với đào tạo cũng cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực này xuống cơ sở.

Thủ tướng nhấn mạnh đến cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong PCD. Từ đó, triển khai các chính sách đều hướng đến người dân và ngược lại, người dân cũng phải tham gia PCD một cách tích cực, chủ động; đồng thời, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thủ tướng nhắc đến lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những lời hiệu triệu, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc PCD.

Bên cạnh đó, các giải pháp PCD cũng thể hiện sự ứng phó rất linh hoạt, vì đây là việc làm chưa có tiền lệ. Thủ tướng nêu ví dụ, khi năng lực y tế của cơ sở yếu thì ngay lập tức điều động quân đội, công an vào cuộc.

Việc điều động quân đội, công an tham gia PCD theo đánh giá của Thủ tướng là kinh nghiệm rất tốt. Thủ tướng cũng nhắc đến kinh nghiệm về quan tâm đến an sinh xã hội để người dân yên tâm và huy động sự giúp đỡ của quốc tế.

Nhân lực là nguồn lực lớn nhất, quý nhất

Nhiều ĐBQH quan tâm đến chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, nhất là các giải pháp căn cơ, mang tính đột phá. Chia sẻ về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang phối hợp rất tích cực với các cơ quan của Quốc hội để xây dựng chương trình này.

Trong đó, chương trình đầu tiên là nâng cao năng lực y tế với hai nội hàm rất quan trọng là năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng Quỹ PCD và Quỹ an sinh xã hội. Đồng thời, tập trung cho con người, hỗ trợ con người, đặc biệt là an sinh xã hội, xác định con người là vốn quý nhất, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất. Trong phát triển, chúng ta lấy nội lực là chiến lược cơ bản, lâu dài là quyết định. Nội lực bao gồm 3 nội dung chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi chất vấn với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Thủ tướng cũng nhắc đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, cần phối hợp hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, tạo ra động lực, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát.

Vấn đề tiếp theo là đầu tư vào hạ tầng nhưng cần phân tích kỹ lưỡng đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào để kích thích được kinh tế. Ngoài ra, còn có gói hỗ trợ phi tài chính, đó là cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phục hồi, phát triển.

Xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ cương, vì nhân dân phục vụ

Liên quan đến câu hỏi của ĐBQH về xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ cương, vì nhân dân phục vụ, Thủ tướng nêu rõ, đây là thông điệp của Chính phủ dựa trên những kinh nghiệm, bài học của nhiều thế hệ đi trước, trong đó có kế thừa, phát huy những điểm mạnh của các nhiệm kỳ trước. Trong thông điệp có sự đổi mới cả về tư duy, hành động, tổ chức thực hiện.

Theo Thủ tướng, muốn đổi mới phải có khuôn khổ pháp lý và chủ trương. Một trong những đổi mới là tiếp tục hoàn thiện thể chế. Thứ hai là liêm chính, nhất là với các quyết định liên quan đến cơ sở vật chất, tài chính và vật thể nói chung. Để tăng cường liêm chính, ngoài hoàn thiện thể chế phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm. Kỷ cương, kỷ luật thì phải xây dựng các quy định, quy chế và trên cơ sở đó kiểm tra, giám sát công việc theo trách nhiệm và đặc biệt là quy định về trách nhiệm của người đứng đầu.

Thông điệp này cũng xác định rõ nhân dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm trong sự phát triển của đất nước, phải vì nhân dân phục vụ. Không có việc gì mà nhân dân không tham gia và muốn giành thắng lợi phải có vai trò của nhân dân. Thắng lợi trong công tác PCD là thắng lợi của nhân dân. Vì nhân dân phục vụ cũng có nghĩa là xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN để huy động mọi nguồn lực của nhân dân.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước đây nhưng các ĐBQH đã thể hiện nắm chắc thực tiễn, với tinh thần xây dựng cao, tiến hành chất vấn bằng các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề. Đồng thời, nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, của ngành mình và lĩnh vực mình, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Sau phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn. Trên cơ sở chất vấn của ĐBQH và trả lời của thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn và từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.

Hôm nay (13-11), Quốc hội họp phiên bế mạc.

Trong chương trình làm việc sáng 12-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH. Trong đó, về vấn đề tiến độ lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đang chậm so với yêu cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc chậm trễ này có nguyên nhân do lần đầu tiên thực hiện theo phương pháp tích hợp để làm quy hoạch tổng thể, số lượng quy hoạch nhiều... Đến nay, quy hoạch tổng thể quốc gia đã xây dựng xong khung định hướng, đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch của các vùng kinh tế cơ bản xong phần nghiên cứu và đang lấy ý kiến để hoàn thiện. Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương dựa trên khung định hướng này có thể triển khai lập các quy hoạch của ngành mình, địa phương mình. Bên cạnh đó, đã có 19/38 quy hoạch ngành và 20/63 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành. 

Quốc hội biểu quyết thông qua 2 luật và 3 nghị quyết

Chiều 12-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, với đa số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và các nghị quyết: Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. 

MẠNH HƯNG