Vấn đề khai thác khoáng sản, lấy cát biển phục vụ cho các dự án hạ tầng trọng điểm, xử lý chất thải; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử... là những vấn đề được đại biểu quan tâm đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các thành viên Chính phủ.

Tiếp tục đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình kỳ họp, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thời gian trong 2,5 ngày. Nhóm vấn đề để Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã phân công Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối kỳ họp, đây là cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện và cũng là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phiên chất vấn tiếp tục tiến hành theo cách thức hỏi nhanh, đáp gọn. Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình theo sự điều hành của chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở, cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.

Phiên chất vấn sẽ có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế; tiếp tục đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước và yêu cầu của các vị đại biểu Quốc hội.

Sử dụng cát biển trong xây dựng phải tính toán kỹ tới tác động môi trường

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho hay, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là những dự án đặc biệt quan trọng thì phương án dùng cát biển thay thế là một hướng tìm kiếm.

Thế nhưng, việc khai thác cát biển cũng đặt ra không ít thách thức cho môi trường, nguy cơ nhiễm mặn khi sử dụng làm san lấp công trình. Vậy, theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp trước mắt, lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án đặc biệt quan trọng nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường? Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc sử dụng cát biển cho một số trường hợp là cần thiết, nhưng phải tính toán đến tác động môi trường, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường là gì?

Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, việc sử dụng vật liệu xây dựng, cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải được giao thí điểm trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển. Theo đánh giá, trữ lượng cát biển rất lớn và hiện cát biển đã được sử dụng để san lấp, sử dụng ở các khu kinh tế ven biển.

Về lo ngại nhiễm mặn khi sử dụng cát biển để san lấp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, là có cơ sở. Theo Bộ trưởng, khi sử dụng cát biển, cần phải đánh giá tác động môi trường và tốt nhất nên sử dụng ở các khu vực đã bị nhiễm mặn. "Tùy từng dự án, khu vực sẽ được đánh giá tác động môi trường để sử dụng cát biển làm san lấp. Còn cát biển đưa vào vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ có tiêu chuẩn, quy chuẩn”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tham gia trả lời nội dung này, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm rõ thêm các vấn đề về vật liệu xây dựng, đất hiếm, về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại trên góc độ liên ngành, liên vùng, liên địa phương. Phó thủ tướng cho biết, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm về nguồn cát biển và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu và vấn đề ảnh hưởng đến môi trường.

Kết quả thử nghiệm của Bộ Giao thông vận tải cho thấy đã kiểm soát được vấn đề môi trường, ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường. Việc đánh giá, nghiên cứu thử nghiệm đối với từng khu vực khai thác, đối với từng công trình là hết sức cần thiết, đặc biệt là đưa ra các tiêu chí cơ lý, bảo vệ môi trường. Theo Phó thủ tướng, đây cũng là yêu cầu tiên quyết.

Đẩy mạnh hợp tác công tư trong xử lý chất thải

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng, việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải, quản lý ô nhiễm nguồn nước là giải pháp quan trọng trong bảo vệ môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp căn cơ để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như là nước thải sinh hoạt.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cả nước có khoảng 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp. Một trong những giải pháp khắc phục tình trạng này là đẩy mạnh hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị rất quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và dự kiến cuối năm 2024 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hợp tác công tư, xã hội hóa, góp phần tăng cường xử lý chất thải đô thị.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần chung tay xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nước thải, hoàn chỉnh hợp tác công tư, bảo đảm thu hút nguồn xã hội hóa. "Cần ban hành đơn giá dịch vụ xử lý nước thải phù hợp để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ. Bộ cũng tăng cường quan trắc, giám sát các nguồn xả thải và kết nối với hệ thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát nguồn xả thải lớn, từng bước phân tích, xử lý; phối hợp với các địa phương, Bộ Công an xử lý nghiêm việc cố tình xả thải ra môi trường hoặc xả thải không đạt yêu cầu.

Nhức nhối hàng giả, hàng cấm trên không gian mạng

Dành câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong thời gian cuối buổi chiều, một số đại biểu quan tâm tới các giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh), Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) cho biết, hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phát triển lành mạnh thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, việc triển khai thu thuế trên lĩnh vực thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ được thực hiện như thế nào?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thương mại điện tử, Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng; thất thu thuế. Bộ trưởng cũng thông tin, quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, quản lý livestream thực sự khó khăn.

Để quản lý được không chỉ là trách nhiệm của ngành công thương mà còn nhiều ngành như thông tin và truyền thông, tài chính... Giải pháp tốt nhất là có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và Bộ Công Thương chủ trì phối hợp, lực lượng quản lý thị trường đấu tranh và làm rõ hành vi sai phạm, tìm các địa điểm đối tượng này tập kết hàng hóa, giao dịch, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan chức năng, chống thất thu thuế. Đồng thời, hoạt động này biến hóa khôn lường nên các quy định của pháp luật cần tiếp tục được rà soát và sửa đổi bổ sung cho phù hợp, vì đây là lĩnh vực mới...

Liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm bảo đảm những quy định của pháp luật toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử. Bên cạnh đó, yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng...

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.