Hoạt động chất vấn được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Đầu tư bất động sản phải theo nhu cầu nhà ở

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội Đắc Lắc) chất vấn về trốn thuế trong các giao dịch đất đai, dấu hiệu “bong bóng” bất động sản đang làm “rung lắc” thị trường. Cùng với chất vấn về nguyên nhân, trách nhiệm, đại biểu đặt vấn đề có nên xử lý hình sự hành vi gây lũng đoạn thị trường bất động sản hay không?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, "thổi" giá, đầu cơ đất đai là hiện tượng rõ ràng có thật. Trong điều kiện dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp gửi tài sản của mình vào đất và ai cũng nghĩ mình thành công khi giá đất tăng phi mã. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô thì xu hướng người dân đầu tư vào đất đai là điều rất không tốt với nền kinh tế.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.

Do vậy, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn hiện tượng "thổi" giá, đầu cơ đất đai. Nhà nước cần kiểm soát được tính khả thi của các dự án đầu tư bất động sản, phải xác định được lộ trình để đưa các dự án này vào phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, việc quyết định đầu tư phát triển đô thị, bất động sản phải dựa trên cơ sở nhu cầu về nhà ở, không phải nhằm mục tiêu thu được tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia. “Tức là phải bảo đảm tính toán cân bằng cung-cầu của thị trường bất động sản”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trong công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và xây dựng cũng rất quan trọng. Các quy hoạch này cần phải dựa trên cơ sở tính toán dự báo về nhu cầu của thị trường.

Không chỉ “thổi”, mà còn “dìm” giá

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) đặt vấn đề, cử tri phản ánh hiện tượng bắt tay ngầm trong đấu giá đất ở một số nơi. Nhà đầu tư bỏ giá đấu thầu “trên trời” rồi âm thầm bỏ cọc làm nhiễu loạn thị trường, tạo ra sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng để triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự, an ninh xã hội. Đại biểu hỏi Bộ trưởng Trần Hồng Hà về giải pháp khắc phục tình trạng này.

leftcenterrightdel
 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên chất vấn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong đấu giá đất không chỉ có hiện tượng “thổi” giá, mà còn có hiện tượng “dìm” giá, “quân xanh, quân đỏ”. Những vấn đề này không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mà còn gây biến động thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản nhà nước, tạo mặt bằng giá đất mới gây rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Đặc biệt, tuy giá đất đó là giá ảo, nhưng lại có thể thế chấp ngân hàng để rút tiền thực, gây mất an ninh về tiền tệ.

Nhận định về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng có một số quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan chưa cụ thể. Đất đai là loại tài sản có giá trị tài nguyên khác biệt, nên cần có phương pháp, trình tự đấu giá khác, chắc chắn hơn. Điều kiện các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất đai cũng chưa cụ thể, nhất là về thể hiện năng lực của doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu giải pháp tổ chức đấu giá thành nhiều đợt để lựa chọn đúng doanh nghiệp, người mua có năng lực. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra với các cơ quan công quyền suy thoái, cung cấp thông tin để cùng người đấu giá hưởng lợi phi pháp.

Cũng trong lĩnh vực đấu giá đất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho rằng việc xác định giá khởi điểm để đấu giá đất còn nhiều bất cập nên cần có giải pháp để xử lý.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng cần áp dụng công nghệ thông tin, bảo vệ người tham gia đấu giá vì thực tế có chuyện gây sức ép, đe dọa khiến nơi đấu giá rất lộn xộn, mất trật tự.

Sử dụng công cụ hình sự hay kinh tế?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, người đấu giá đẩy giá biết sơ hở về chính sách, không bị xử lý hình sự nên mới “vận dụng”. Muốn xử lý hình sự hành vi này thì phải bổ sung chế tài để xác định thế nào là cố tình lợi dụng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm không cần hình sự hóa, chỉ cần sử dụng công cụ kinh tế “là chúng ta có thừa sức để điều chỉnh, tính toán một bài toán rất đơn giản về vấn đề cung cầu”.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên chất vấn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chế tài về kinh tế là rất quan trọng. Chế tài kinh tế phải đủ để người ta thấy nếu làm việc này thì không còn hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, việc thẩm định hồ sơ đấu giá chỉ trong 15 ngày là chưa đủ. Việc thẩm định cần được tiến hành một cách rất căn cơ, thông qua ngân hàng, hồ sơ đất đai, thông qua hồ sơ lý lịch của các nhà đấu giá.

Trước ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam) phân tích, nếu có dấu hiệu như lũng đoạn, có âm mưu lừa dối, lừa đảo để tăng giá trị đất từ đó vay ngân hàng, chiếm dụng tiền của ngân hàng, hơn nữa là âm mưu phá hoại nền kinh tế đất nước thì tại sao không xử lý hình sự? Phải xử lý thật nghiêm khắc thì mới chấm dứt được tình trạng lũng đoạn như hiện nay.

Đồng tình với đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội Đắc Lắc) nêu thực tế một doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc và chịu phạt 588,7 tỷ đồng, nhưng theo tính toán của các chuyên gia thì mức chịu phạt có thể lên tới 4.900 tỷ đồng, thậm chí đến 73.500 tỷ đồng. Như vậy, thiệt hại từ hành vi bỏ cọc gây ra là rất lớn nên phải xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tạ Văn Hạ chất vấn.

Không mâu thuẫn quan điểm

Trao đổi về quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, hình sự hóa nghĩa là quan hệ dân sự hoặc quan hệ hành chính, nhưng bị biến thành quan hệ hình sự.

Trong việc đấu thầu, bỏ cọc cụ thể vừa qua thì sau khi rà soát, xem xét, xử lý, nếu cơ quan chức năng thấy có vi phạm về hành chính thì sẽ xử lý theo pháp luật về hành chính; nếu chỉ là quan hệ dân sự thì xử lý theo pháp luật về dân sự; nhưng nếu có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo pháp luật hình sự.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Nguyễn Thị Xuân không có mâu thuẫn. Vấn đề chỉ là trong quá trình xem xét xử lý, nếu cơ quan chức năng thấy sai phạm ở quan hệ dân sự, hành chính hay hình sự thì xử lý theo pháp luật của quan hệ đó.

CHIẾN THẮNG