Sáng 19-4, phiên họp thứ tám, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án dân sự (THADS). Việc bổ nhiệm và tạo điều kiện cho chấp hành viên THADS làm nhiệm vụ là một trong những vấn đề quan trọng được UBTVQH quan tâm.
Cho phép sử dụng công cụ hỗ trợ để tự vệ
Liên quan đến hoạt động của chấp hành viên, Dự thảo Luật quy định chấp hành viên được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ (roi điện) trong khi thực hiện nhiệm vụ thi hành án. Lý giải quy định này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, không ít trường hợp khi tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã gặp phải sự chống đối quyết liệt, sự đe dọa tính mạng, sức khỏe từ phía các đương sự, vì vậy việc sử dụng công cụ hỗ trợ có tác dụng quan trọng trong phòng ngừa và tự vệ khi chấp hành viên làm nhiệm vụ. Trái ngược với quan điểm trên, ông Lê Quang Bình, ông Hà Văn Hiền (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) không tán thành quy định như dự thảo khi cho rằng lúc cưỡng chế đã có lực lượng công an, không cần thiết chấp hành viên phải có công cụ, gây lãng phí.
UBTVQH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về quy định trên, song nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ, hiệu quả công cụ hỗ trợ, tránh trường hợp lạm dụng. Công cụ hỗ trợ sẽ không được trang bị cho từng chấp hành viên mà chỉ trang bị cho các cơ quan thi hành án trong thời gian thực hiện nhiệm vụ xác minh tài sản, cưỡng chế thi hành án.
Tư nhân sẽ được hành nghề thi hành án
Theo dự thảo luật, các cá nhân nếu có đủ điều kiện của pháp luật thì được cấp giấy phép hành nghề thi hành án. Người được cấp giấy hành nghề đượcthành lập, hoặc tham gia tổ chức hành nghề thi hành án để thi hành án theo yêu cầu của đương sự hoặc thực hiện một số công việc theo ủy quyền của chấp hành viên, cơ quan thi hành án.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2007, có 48,04% số vụ án tồn. Tỷ lệ này năm 2006 là 54,99%. Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng "xã hội hóa trong thi hành án dân sự được kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể lượng án tồn, giảm bức xúc xã hội".
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng, việc cho phép tư nhân hành nghề thi hành án có thể dẫn đến việc lạm dụng bắt giữ người trái pháp luật như các công ty đòi nợ thuê vừa qua.
Theo ông Hà Văn Hiền, chưa nên đặt vấn đề xã hội hóa hoạt động thi hành án trong dự án luật. Việc thể chế hóa tinh thần Nghị quyết của Đảng về xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự vào dự án luật là việc làm cần thiết. Tuy nhiên về nguyên tắc, chỉ những quan hệ tương đối ổn định, rõ ràng mới đưa vào quy định của luật, trong khi đó nội dung xã hội hoá trong thi hành án dân sự là vấn đề hoàn toàn mới. Ông Hiền đề nghị cần làm thí điểm, có tổng kết, đánh giá cụ thể để từ đó xem xét, cân nhắc.
Kim Oanh