QĐND Online -  Ngày 30-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã ‘tăng nhiệt” bởi phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại tòa.  Tuy nhiên, đại diện của các nguyên đơn dân sự lại tỏ ra thờ ơ tới quyền lợi và tài sản liên quan của họ.

Trong phiên xử, Hội đồng xét xử đã yêu cầu của nguyên đơn dân sự: VFC, Viễn Dương, Cái Lân, Nam Triệu, Cửu Long, bổ sung ý kiến, nhưng họ lại im lặng. Đại diện các doanh nghiệp cho biết sẽ chờ phán quyết cuối cùng của Hội đồng xét xử.

Đại diện Viện Kiểm sát thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi cũng thấy rất buồn! Nhiều nguyên đơn dân sự đến toà đã không nắm được điều có lợi hay không có lợi, số nợ bao nhiêu cũng không nắm rõ. Đây là vấn đề cần xem xét lại”.

Trả lời  kiến nghị của các luật sư về việc cần xem xét lại hành động cố ý làm trái của bị cáo Phạm Thanh Bình có liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật tại 2 công văn của Văn phòng Chính phủ, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, các bị cáo bị truy tố về vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế chứ không phải về hành vi vi phạm văn bản pháp luật. Các tập đoàn được ra những văn bản, quyết định nhưng không được trái với quy định của Nhà nước. Dự án tàu Hoa Sen là dự án hoàn toàn trái với luật pháp, chủ trương của Nhà nước. Dự án nhiệt điện sông Hồng cũng là dự án trái pháp luật. Dự án Deasel Cái Lân khi phê duyệt, máy móc mới 100%, đạt tiêu chuẩn châu Âu, nhưng các bị cáo lại nhập về thiết bị cũ từ Trung Quốc.

Đến 14 giờ 30 phút ngày 30-3, Hội đồng xét xử đã kết thúc phần tranh luận chuyển sang nghị án. Dự kiến, tới cuối giờ chiều 30-3, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án phạt cho các bị cáo: Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình và các đồng phạm. Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án từ 19 đến 20 năm tù cho bị cáo Phạm Thanh Bình và các bị cáo còn lại là từ 3 đến 18 năm.

Phú Thọ