QĐND - Ngày 6-3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (UBPLQH) đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, sau gần 8 năm (2005-2013) triển khai thực hiện Luật Nhà ở, bên cạnh những kết quả đạt được thì luật hiện hành cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế như chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, theo phong trào, không theo quy hoạch, kế hoạch, làm mất cân đối cung - cầu về nhà ở; chưa cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; quy định về việc huy động tài chính cho đầu tư phát triển nhà ở (gồm cả nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ…) vẫn còn sơ sài; quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở chưa chặt chẽ, chưa hợp lý và không bảo đảm các quyền lợi của các chủ sở hữu nhà ở khi thực hiện các quyền của mình đối với nhà ở; chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư; chưa điều chỉnh đầy đủ các vấn đề trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là các chung cư cao tầng, có mục đích sử dụng hỗn hợp; chưa có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về nhà ở…
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở hiện hành cũng còn nhiều bất cập khác như: Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, về quản lý sử dụng nhà biệt thự, về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc có quy định nhưng vẫn còn chung chung, đơn giản, chưa phù hợp với thực tế hoặc chưa thống nhất với một số luật có liên quan… Chính vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, quan điểm xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là phải thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phát triển nhà ở. Phát triển nhà ở phải được thể hiện trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khắc phục tình trạng lệch pha cung-cầu; phải bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở… Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với 10 nhóm nội dung chủ yếu được đề xuất cụ thể: Bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch. Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Góp ý tại phiên họp, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với quan điểm xây dựng cũng như sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở hiện hành, đồng thời đề nghị dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quan tâm nhiều hơn việc cụ thể hóa quy định Hiến pháp, quyền có chỗ ở của công dân; cần cân đối các loại hình nhà ở khác nhau (nên quan tâm đến những đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ… Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Xác định rõ các điều kiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở của các chủ đầu tư dự án. Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài…
DƯƠNG TỬ