Năm 2007, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục cả về lượng và chất với những “siêu” dự án, tuy nhiên chỉ có một phần rất ít dành cho nông nghiệp. Tình trạng hạ tầng nông thôn yếu kém, kỹ năng lao động thấp, mức độ rủi ro cao... kéo dài, là nguyên nhân ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với nông nghiệp Việt Nam.

Nông nghiệp bị bỏ ngỏ?

Khu nhà lưới sản xuất nông sản hàng hóa theo công nghệ cao ở Lâm Đồng. Ảnh: PHẠM VĂN MẤY

Ông Hoàng Văn Huấn, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc (Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Riêng năm vừa qua, do đẩy nhanh tiến trình hội nhập với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên dòng vốn FDI chảy vào nước ta đã đạt mức kỷ lục với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 18 tỷ USD (tính chung cả cấp mới và tăng vốn đạt 20,3 tỷ USD), trong đó, công nghiệp và xây dựng chiếm 60,1%, dịch vụ chiếm 34,4%, nông - lâm - ngư nghiệp chỉ có 5,4%.

Trong bối cảnh nước ta gia nhập WTO, tăng cường thu hút FDI rất cần thiết cho mục tiêu tạo dựng một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, hiệu quả cao trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến để làm ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Điều này ai cũng thấy được, tuy nhiên đến nay nước ta vẫn chưa tạo dựng được cơ chế, các điều kiện cần thiết để thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp. Năm 2007, ngành nông nghiệp chỉ có hơn 40 dự án trong tổng số 1.445 dự án mới được cấp phép. Cả giai đoạn 1988 - 2007, nông nghiệp mới thu hút khoảng 933 dự án với tổng vốn 4,4 tỷ USD, đáng buồn hơn là trong số vốn ít ỏi đó, chỉ có khoảng 2 tỷ USD được giải ngân. Do luôn tiềm ẩn rủi ro từ nhiều phía (điều kiện tự nhiên, thị trường, lãi suất thấp, thu hồi vốn chậm vì phải theo chu kỳ cây trồng - vật nuôi...) nên có tới 30% số dự án bị giải thể so với mức bình quân chung của cả nước là 20%.

Còn nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự yếu kém trong hệ thống quản lý, chưa có chiến lược, cơ chế, đề xuất các dự án; chưa theo dõi sát sao để giúp đỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình xúc tiến và thực hiện các dự án FDI; năng lực sản xuất của lao động các địa phương còn thấp, tính rủi ro trong sản xuất cao; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ... nên dẫn đến tình trạng nông nghiệp bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề chất lượng sản phẩm và thị trường lại là yếu tố tiên quyết để đưa ra quyết định đầu tư. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là chính sách chung chưa thực sự ưu đãi cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề tích tụ ruộng đất để có vùng sản xuất lớn là yếu tố quyết định để thu hút FDI nhưng rất khó thực hiện. Tỷ lệ bảo hộ thực tế đối với nông sản quá thấp (dưới 3%) so với hàng công nghiệp (thậm chí lên tới hơn 200%). Hệ thống bảo hiểm nông nghiệp hầu như không hoạt động khiến nhà đầu tư ngần ngại khi đổ tiền vào lĩnh vực vốn nhạy cảm và nhiều rủi ro này.

Đổi mới, nhưng chưa đủ

Rõ ràng môi trường đầu tư của nước ta đã được cải thiện rất nhiều, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng tới 70% từ năm 2006 đến năm 2007. Việc quy hoạch vùng của Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá tốt, chính sách “một cửa” và việc tạo điều kiện (có sẵn điện, đất cho nhà đầu tư) của Nhà nước cũng làm tăng thêm rất nhiều sức hấp dẫn. Nhưng ông Các-lốt Nan-xi-mên-to, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh phát triển Đình Vũ (Khu công nghiệp Đình Vũ - Hải Phòng) cho rằng, hiện có quá nhiều khu công nghiệp theo kiểu “trăm hoa đua nở”, nhưng nhiều nơi lại để cỏ dại mọc đầy do cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, vẫn có nhiều nhà đầu tư “khát” đất thì lại không được cấp.

Theo ông Kim Uôn Hô, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, song vẫn chưa đủ và chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn bởi còn nhiều yếu tố khiến họ chưa thực sự thoải mái khi đầu tư. Khảo sát mới đây của KOTRA cho thấy, doanh nghiệp Hàn Quốc phải vượt qua rất nhiều rào cản, mà khó khăn nhất là việc thiếu thông tin (34,6%), sau đó mới là cơ sở hạ tầng (25,4%), xuất-nhập khẩu nguyên liệu (19,4%), thủ tục hành chính (17,2%). Ông Kim cho hay, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất khó nhận biết được đâu là thông tin đúng về Việt Nam, bởi luật pháp đôi khi lại được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính cần được cải thiện nhiều hơn nữa. Luật Nhà nước ban hành một đường, nhưng thực hiện tại địa phương lại một nẻo”-ông Kim Uôn Hô chia sẻ. Cho đến giờ, vẫn có nhiều doanh nghiệp phải “nhập gia tùy tục”, chi phí quan hệ để được giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn. Thêm nữa, chi phí đầu tư tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trông thấy, riêng tiền thuê đất tại các khu công nghiệp gần Hà Nội đã tăng tới 60% so với đầu năm 2007.

Nguồn nhân lực nước ta là một lợi thế không nhỏ với hơn 70% dân số dưới 30 tuổi, tuy nhiên, sự dồi dào đó lại không tỷ lệ thuận với trình độ bởi phần lớn lao động xuất thân từ nông dân. “Muốn có giám đốc hay quản lý là người Việt rất khó, vì thế cần đầu tư mạnh vào đào tạo nghề và các nhà quản lý. Nếu không có nhân lực chất lượng cao, ưu thế về lao động rẻ của các bạn sẽ mất đi rất nhiều”-ông Các-lốt nói.

Làm thế nào để tạo bước đột phá?

Theo mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2010 ngành nông nghiệp sẽ thu hút khoảng 1,5 tỷ USD vốn FDI. Nhưng xem ra điều đó khó trở thành hiện thực nếu chúng ta không sớm tìm ra những giải pháp kịp thời. Ông Các-lốt cũng nhận định: “Miễn thuế, giảm thuế và những thuận lợi về chính sách trong các khu công nghiệp hiện nay đang là ưu đãi không nhỏ của Chính phủ, song các bạn cũng cần tính tới bài toán đầu ra bằng cách kết nối xuất khẩu chặt chẽ và bền vững hơn, nhất là các mặt hàng nông sản đang có thế mạnh về cạnh tranh như thủy sản, cao su, cà phê... Ngoài ra, vấn đề cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, điện cũng cần được cải thiện tương xứng”.

Còn ông Ki-ô-si-rô I-chi-ca-oa, Chuyên gia tư vấn đầu tư cao cấp Nhật Bản thì khẳng định, để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, cần xác định lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn FDI.

Từ thực tế giải quyết những vướng mắc về đất đai, nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay các nhà đầu tư mong muốn ba vấn đề. Đó là được nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ các tập thể, cá nhân; được thuê đất của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hơn quyền thế chấp và quyền sử dụng đất cho các đối tác có vốn FDI. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp và hàng nông sản xuất khẩu cũng là việc cần làm ngay.

Giai đoạn 2006-2010, kế hoạch huy động vốn đầu tư phát triển của ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn là 144.790 tỷ đồng, trong đó vốn FDI chiếm khoảng 11%. Để thực hiện mục tiêu này, ngành đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ lập hệ thống quản lý và xúc tiến FDI, bao gồm hình thành cơ chế, đề xuất, phê duyệt, các tiêu chí xếp hạng ưu tiên các dự án; xác định mức độ phân cấp, phân quyền trong ngành về quản lý; tăng cường thông tin đối ngoại.

Nhiều chuyên gia đề nghị: Đã đến lúc Nhà nước tăng cường xúc tiến thương mại, đề ra các chế độ ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp thông qua các chính sách, biện pháp bảo hộ khả thi đối với nông - lâm sản và các ngành nghề kinh tế ở nông thôn, phù hợp với bối cảnh và lộ trình hội nhập.

NGỌC MINH