Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. 

Nhấn mạnh sự thay đổi phương thức quản lý dân cư mới thay thế cho cuốn sổ hộ khẩu giấy đã tồn tại gần 70 năm qua đang được cử tri, nhân dân quan tâm, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho biết, đây là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới. Phương thức quản lý dân cư mới này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư, cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân. 

Tuy nhiên, để bảo đảm thuận lợi cho việc triển khai khi luật có hiệu lực thi hành, đại biểu Triệu Thị Huyền đề nghị cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an đang triển khai. Đồng thời, trong thời gian đó, cần tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu với các trường hợp chưa được cấp mã số định danh cá nhân, bảo đảm cho các hoạt động của người dân diễn ra bình thường.

Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội. 

Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) thì phân tích thêm, nếu luật được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Theo lộ trình dự kiến, đến tháng 12-2020, toàn bộ công dân Việt Nam sẽ được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Luật Căn cước công dân, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về điều kiện được chuyển tiếp đối với một số vùng đặc thù, có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các quy định mới, ví dụ như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo đó, đối với những vùng này, việc chuyển đổi từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân có thể cần nhiều thời gian hơn, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong khi đó, phần lớn các giao dịch dân sự hiện nay đang được thực hiện thông qua khai thác thông tin từ sổ hộ khẩu, do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về điều khoản chuyển tiếp để có lộ trình phù hợp với các vùng này, tránh gây xáo trộn, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội. 

Nhấn mạnh việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý cư trú bằng khoa học công nghệ là một đề xuất có tính đột phá của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý cư trú, song đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) bày tỏ một số băn khoăn về tính khả thi của quy định này. 

Theo đại biểu, trên thực tế, hộ khẩu là điều kiện không thể thiếu đối với nhiều nhu cầu của người dân trong giao dịch với cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực chính trị, hành chính, dân sự và nhiều giao dịch khác. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 6-2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới hoàn thành và vận hành bình thường. Trong khi đó, việc cấp mã số định danh cá nhân dự kiến kết thúc vào tháng 12-2020. Còn việc cấp căn cước công dân vẫn song hành với việc cấp chứng minh thư nhân dân 9 số ở 47 tỉnh, thành phố... 

Đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng nếu như vậy sẽ không chỉ có sự vênh nhau về thời gian mà còn chưa đồng bộ về các cơ sở dữ liệu. Điều này cho thấy trong thời gian nửa năm đó, cơ quan, tổ chức chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối chiếu nhằm xác định thông tin trên căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân. Mặt khác, trong quá trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc phải xử lý một khối lượng thông tin rất lớn cũng khó bảo đảm sự chính xác tuyệt đối thông tin của từng cá nhân, phát sinh khó khăn cho người dân khi giao dịch với các cá nhân, tổ chức. Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về cơ quan, tổ chức cũng sẽ gặp khó khăn nếu xảy ra sự cố về hệ thống máy tính, đường truyền....

Từ những phân tích trên, đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị Chính phủ cần xem xét thêm lộ trình thực hiện những quy định này để bảo đảm tính khả thi của luật. 

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả các UBND xã, các cơ quan nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị lại toàn bộ hệ thống máy tính, cơ sở thiết bị để có thể truy cập, sử dụng, thay vì chỉ kiểm tra sổ hộ khẩu như hiện nay. Cùng với đó, người làm công tác này cũng phải được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để quản lý, sử dụng. Việc thay đổi này sẽ tạo ra những chi phí không nhỏ. Do đó, đại biểu đề nghị cần có lộ trình để thực hiện sự thay đổi này, hạn chế tối đa sự xáo trộn với người dân; những chỗ nào đủ điều kiện thì làm trước, có tổng kết, rút kinh nghiệm, bảo đảm phù hợp với mỗi địa phương. Nếu triển khai trên toàn quốc ngay mà thực hiện không hiệu quả, phải quay trở lại cách làm cũ thì còn tốn kém hơn rất nhiều và tác động đến đời sống xã hội... 

NGUYỄN THẢO