QĐND - Các liệt sĩ vừa quy tập trong khu mộ tập thể tại thôn Cam Phú (Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) là liệt sĩ thuộc Sư đoàn 320A đã anh dũng hy sinh trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến ngày 27-1-1968. Đó là khẳng định của các cựu chiến binh và cựu du kích Quảng Trị với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Những thông tin sau đây chứng tỏ khẳng định trên.
Người trực tiếp nhận thông tin từ các cựu binh Mỹ
Những ngày qua, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ bạn đọc và các cựu chiến binh xung quanh việc phát hiện khu mộ tập thể của liệt sĩ tại Cam Lộ. Trong đó, người mà chúng tôi đặc biệt chú ý là ông Nguyễn Đức Toàn ở thôn Cao Hy, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Ông Toàn nguyên là Trung đội trưởng Trung đội du kích súng cao xạ của xã Triệu Phước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là người trực tiếp nhận tấm bản đồ đánh dấu khu mộ tập thể nói trên do các cựu binh Mỹ trao.
Ông Toàn cho biết: “Ngày 24-5-2008, tôi đến Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội để tham gia giúp đỡ họ trong vấn đề tìm kiếm hài cốt lính Mỹ tại Việt Nam. Ở đây, tôi gặp ông Bill Deeter, Tùy viên MIA thuộc Đại sứ quán Mỹ và một số người Mỹ khác. Sau khi giúp phía Mỹ một số việc, ông Bill đã trao cho tôi bộ hồ sơ lính Mỹ chôn cất bộ đội ta hy sinh tại Quảng Trị. Trong đó có một hồ sơ khu mộ tập thể 158 liệt sĩ hy sinh tại khu vực đông Đường 9 tháng 1-1968”.
Ông Toàn đã trao đổi với Bill và nhiều cựu binh khác của Mỹ về khu mộ tập thể này. Sau đó, ông đã nhiều lần nghiên cứu, phân tích các tư liệu cùng các nhân chứng là ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông Kỳ là người chỉ huy lực lượng du kích huyện Cam Lộ); ông Nguyễn Xuân Tâm, nguyên Đại đội trưởng biệt động Đường 9 và nhiều cựu chiến binh khác đã tham gia chiến đấu tại Mặt trận phía đông Đường 9, từ km số 15 đến km số 41. Qua đó xác định: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các đơn vị chiến đấu trên địa bàn có Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320A, Trung đoàn 27 và một số đơn vị bộ đội địa phương, du kích thuộc Tỉnh đội Quảng Trị. Nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị trên là tiến công cường tập các cứ điểm của lính thủy quân lục chiến Mỹ trên các cứ điểm: CAROLL (Điểm cao 241), FOLER (Điểm cao 544), ROKPINE (Điểm cao 105 - đây chính là nơi bộ đội ta đã hy sinh 97 đồng chí thuộc Trung đoàn 64), Cồn Tiên (Điểm cao 148).
Đặc biệt, nguồn tin từ các cựu binh Mỹ và các cựu chiến binh Việt Nam đều khẳng định: Từ ngày 25 đến 27-1-1968, Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320A đã mở một cuộc tiến công lớn vào quân Mỹ tại khu vực Đầu Mầu. Tháng 9-2006, ông Toàn gặp 24 sĩ quan Mỹ đã từng đụng đầu với Trung đoàn 64 tại Đầu Mầu. Hai bên đã trao đổi với nhau khá nhiều về những trận đánh tháng 1 và tháng 2-1968 tại khu vực hành lang Đường 9, từ km15 đến km41. Các cựu binh Mỹ cũng khẳng định, họ đã đụng độ với Sư đoàn 320 rất nhiều trận trong khoảng thời gian từ tháng 1 và 2-1968. Cuối tháng 1-1968, công binh của Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến Mỹ và công binh của Trung đoàn 2 ngụy đã gom thi thể các liệt sĩ của ta tại khu vực hành lang Đường 9 gồm trên các cứ điểm: CAROLL, FOLER, ROKPINE, Đồi Tròn, Ba Hồ, Động Toàn... Có 158 thi thể được đưa về chôn tập thể gần cổng chính của căn cứ CAROLL (km21, tức điểm cao 241) cách phía nam đường 9 khoảng 200m. Đây chính là điểm mà chúng ta quy tập vừa qua.
Như vậy, từ hồ sơ còn lưu giữ của các cựu binh Mỹ khẳng định: Khu mộ tập thể mà chúng ta vừa quy tập chính là các liệt sĩ thuộc Sư đoàn 320A, nhiều nhất là các liệt sĩ Trung đoàn 64 đã hy sinh trong trận tiến công điểm cao 105 ngày 27-1-1968. Ngoài ra, có thể có thi thể một số liệt sĩ thuộc Trung đoàn 27 và bộ đội địa phương Quảng Trị. Tuy nhiên, do các liệt sĩ trên hy sinh trong những trận đánh lớn vào các căn cứ của Mỹ, nên cơ bản và chủ yếu là thuộc Sư đoàn 320A.
Thông tin từ Đại tá, PGS, TS Đinh Hùng Tuấn
Sáng 11-9, Đại tá, PGS, TS Đinh Hùng Tuấn, cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã đến Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân và cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin quý về các trận đánh của Trung đoàn 64 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đại tá Đinh Hùng Tuấn cho biết: "Năm 1968, tôi là hạ sĩ, tiểu đội trưởng thông tin thuộc Đại đội 18, Trung đoàn 64. Trong tháng 1 và 2-1968, Sư đoàn 320A đảm nhiệm tiến công các căn cứ của địch từ khu vực điểm cao 544 (phía Mỹ gọi là căn cứ FOLER) về giáp Đông Hà. Cho nên, có thể khẳng định các liệt sĩ trong khu mộ tập thể nói trên đều thuộc Sư đoàn 320A, chủ yếu là Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48.
Chúng tôi có nêu thắc mắc về việc xuất hiện một số di vật của bộ đội đặc công trong khu mộ nói trên. Đại tá Đinh Hùng Tuấn cho biết:
- Sư đoàn 320A có 3 trung đoàn, nhưng các liệt sĩ chủ yếu là của Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 vì đó là hai đơn vị đã trực tiếp tiến công vào các căn cứ của Mỹ nằm ở các điểm cao như Đầu Mầu, 105, 241, 544... Riêng về những di vật của bộ đội đặc công, nhiều khả năng là của bộ đội trinh sát. Hồi đó, tôi là lính thông tin vô tuyến, thường đi trinh sát cùng anh em. Sau này tôi lại trở thành bộ đội đặc công. Vì vậy, tôi khẳng định là trinh sát của Trung đoàn 64 cũng thường sử dụng một số trang bị giống bộ đội đặc công, trong đó có mũ lưỡi trai mềm.
Cuối câu chuyện của mình, Đại tá Đinh Hùng Tuấn nói: “Không thể tả nổi sự tàn khốc của chiến tranh. Điều mà tôi muốn nhờ các đồng chí nói với bạn đọc cả nước (Đại tá Đinh Hùng Tuấn lặng đi), thông qua việc tìm thấy khu mộ tập thể của các liệt sĩ ở Cam Lộ, chúng ta càng phải hiểu hơn cái giá của hòa bình, độc lập, thống nhất. Không bao giờ được phép quên những người đã hy sinh để đất nước có được ngày hôm nay”.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Đức Toàn, phía các cựu binh Mỹ đã trao cho ông 3 sơ đồ về 3 khu mộ tập thể mà lính Mỹ đã chôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cả 3 sơ đồ này ông Toàn đã bàn giao cho cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị. Như vậy, bên cạnh khu mộ tập thể vừa quy tập tại Cam Lộ, còn hai khu mộ tập thể nữa mà chúng ta đã có sơ đồ. Cũng theo ông Toàn, cuối tháng 9-2010, các cựu binh Mỹ đã hứa sẽ sang làm việc và cung cấp cho ông thêm nhiều thông tin về các liệt sĩ của ta do lính Mỹ chôn cất.
|
Bài và ảnh: Hồng Hải