 |
Nhà dân tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh bị ngập trong nước- Ảnh VNN |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ hạ lưu sông Bưởi đang dao động ở mức đỉnh, sông Cả ít biến đổi. Mực nước lúc 10 giờ ngày 2-11 trên một số sông như sau: Sông Bưởi tại Kim Tân: 12,23m, trên BĐIII: 0,73m; Sông Cả tại Nam Đàn: 7,46m, dưới BĐIII: 0,44m; Sông La tại Linh Cảm: 4,95m, dưới BĐII: 0,55m.
Dự báo, đêm nay, ngày mai (3-11), ở khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ hạ lưu sông Bưởi xuống chậm, đến tối nay, tại Kim Tân xuống mức 12,0m, trên BĐIII: 0,5m. Lũ sông Cả lên chậm, đến sáng mai (3-11), tại Nam Đàn có khả năng lên mức 7,6m, dưới BĐIII: 0,3m. Từ ngày mai (3-11), lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên lại. Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, đến 9 giờ sáng nay, ngày 2-11, lũ trên sông Hoàng Long bắt đầu xuống chậm nhưng vẫn ở mức cao.
Lũ trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn đã đạt đỉnh vào lúc 5 giờ là 256,96m (trên báo động III là 0,46m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam đạt mức đỉnh vào lúc 6 giờ là 5,56m (dưới báo động III là 0,24 m) và đang xuống.
Lũ trên sông Thương, sông Cầu và hạ lưu sông Thái Bình đang lên.
Lúc 9 giờ ngày 2-11, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,62m (trên báo động III là 0,62m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,01 m (trên báo động II là 0,21m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,54 m (dưới báo động III là 0,26 m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,23m (dưới báo động II là 0,27m).
Dự báo, lũ trên sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Lục Nam tiếp tục xuống; trên sông Thương, sông Cầu và hạ lưu sông Thái Bình còn đang lên.
Chiều tối nay, 2-11, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng xuống mức 4,5m (trên mức báo động III là 0,5m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương sẽ lên mức 5,4m (dưới báo động III là 0,4m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ lên mức 5,8m (ở mức báo động III); trên sông Thái Bình tại Phả Lại sẽ lên mức 4,5m (ở mức báo động II)
Các tỉnh miền bắc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
* Phú Thọ: Ông Đặng Đình Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện đồng bộ bốn biện pháp khắc phục hậu quả đợt mưa lớn vừa qua. Ngay sau khi nước rút, các địa phương tập trung vệ sinh đồng ruộng để nhanh chóng phục hồi sản xuất vụ đông. Các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở giúp nhân dân củng cố, sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, sớm ổn định cuộc sống; sửa chữa cầu cống, cơ sở hạ tầng; ngành y tế và ngành nông nghiệp chuẩn bị đủ thuốc sát trùng để vệ sinh môi trường, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh cho người và gia súc. Tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở để có phương án di dời dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Tại những điểm sạt lở trên một số tuyến đường đã được các địa phương khắc phục không xảy ra ách tắc giao thông. Trận mưa lớn vừa qua trên địa bàn Phú Thọ đã làm một người chết, khoảng 4.500ha cây trồng, ao hồ nuôi thuỷ sản bị ngập, 9 nhà hư hỏng, hơn 3.000m kênh mương bị vỡ... Ước thiệt hại khoảng 18 tỷ đồng.
* Lạng Sơn: Do ảnh hưởng của không khí lạnh cộng hội tụ trường của đới gió Đông đông nam lên cao, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có mưa, riêng địa bàn huyện Đình Lập có mưa rất to. Tính đến trưa 2-11, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 1 người mất tích là anh Hoàng Văn Quyết (22 tuổi), trú tại thôn Pò Tấu, xã Đình Lập, huyện Đình Lập. Gần 2.960 ngôi nhà bị ngập, 74 nhà bị sập và hư hỏng nặng; 748ha lúa, hoa mầu bị ngập, trong đó 236ha hoa mầu bị mất trắng; 2 chợ Giếng Vuông (TP. Lạng Sơn) và Đình Lập (huyện Đình Lập) bị chìm trong nước,... Do mưa to kéo dài, tại vị trí Km 4, km 9 + 900 và km 30 + 180 thuộc QL 4B bị tắc do ngập nước, các điểm sụt lở với tổng khố lượng lên đến 11.000m3. Trên QL 31 tại các điểm dọc tuyến từ km 101 đến km 132 + 350 đã có 55 điểm sụt lở, ước tỉnh khoảng trên 5.000m3 đất, các tuyến đường tỉnh lộ 232 (đoạn Ngầm Bản Nam và cầu Na Sầm, huyện Văn Lãng), tỉnh lộ 250 (Đồng Bục - Hữu Kiên - Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng), tỉnh lộ 237 cũ và tỉnh lộ 238B cũ đều bị ngập nước,... Các đơn vị lực lượng vũ trang cùng ban Phòng chống lụt bão tỉnh đã tổ chức các tổ đội đến các địa bàn xung yếu, đưa 205 hộ dân trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi an toàn. Theo ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh ước tính ban đầu, thiệt hại gần 6 tỷ đồng. Lạng Sơn hỗ trợ 3 triệu đồng đối với những gia đình có người bị chết, 1 triệu đồng cho người bị thương, 10 triệu đồng cho nhà bị đổ, 5 triệu đồng cho các nhà bị hư hại và hỗ trợ 3 tháng lương thực kể từ ngày bị ảnh hưởng cho những gia đình bị mất hoa mầu do mưa lũ...
* UBND huyện Nho Quan và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Ninh Bình vừa quyết định cho gần 4.000 học sinh vùng lũ ở 7 xã, thuộc huyện Nho Quan là: xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Thuỷ, Xích Thổ nghỉ học vào ngày mai. Ngoài ra, một số trường vùng khó khăn bị nước cô lập của hai huyện Gia Viễn, Nho Quan cũng sẽ tiếp tục được thông báo cụ thể. Hiện vùng Nho Quan nước lũ ngập cao gần ngang mực nước hạ nguồn sông Hoàng Long. Dự báo việc nước rút phải mất thời gian khá lâu và các học sinh vùng này cũng phải nghỉ học. Ông Mai Đức Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Khi nước rút khỏi trường lớp thì vẫn còn nhiều tuyến đường bị chia cắt, vì vậy học sinh khó đến trường. Hơn nữa công tác dọn dẹp vệ sinh sau lũ sẽ kéo dài thêm thời gian nghỉ học của các em. Phòng giáo dục huyện đang lên kế hoạch, chương trình, có biện pháp dạy thêm, học thêm để các em theo kịp chương trình. Huyện cũng đang cần hỗ trợ từ nhiều phía và trích ngân sách để khôi phục sửa chữa thiết bị trường học. Hiện nay, gia đình các em học sinh cũng như thầy cô giáo đều bị ngập lụt, rất khó khăn trong cuộc sống, cần được quan tâm giúp đỡ.
Nghệ An: Khôi phục nhanh sản xuất sau mưa lũ
Chiều 2-11, tranh thủ thời tiết “thuận lợi” khi mưa lũ đã rút, các địa phương trong tỉnh Nghệ An đồng loạt ra quân khắc phục hậu quả đợt mưa lũ “lịch sử” trong mấy ngày qua.
Tỉnh tập trung khôi phục lại sản xuất nông nghiệp; dọn vệ sinh môi trường; kiểm tra, lập dự toán những công trình thuỷ lợi, đường giao thông bị hư hỏng để có kế hoạch sửa chữa. Tại thị xã Cửa Lò, hàng trăm người dân cùng công nhân công ty môi trường đang tổ chức thu dọn rác, đá sỏi do mưa lũ gây ra trên các tuyến đường và dọc bãi biển Bình Minh. Hiện khó khăn nhất đối với các bãi tắm ở Cửa Lò là có hàng ngàn m3 cát, sỏi và rác trôi dạt đến, gây ô nhiễm môi trường và làm biến dạng các bãi tắm, vì vậy phải mất ít nhất một tuần nữa việc dọn dẹp mới hoàn thành. Đối với nông nghiệp, thiệt hại lớn nhất trong đợt mưa lũ vừa qua là diện tích lúa mùa và cây vụ đông mới gieo cấy bị hư hỏng.
Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương giúp nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp bằng việc bơm nước xả lũ trong các đồng ruộng còn ngập nước, thống kê chính xác diện tích, chủng loại cây trồng bị thiệt hại có thể khối phục được và diện tích cây trồng bị mất trắng để kịp thời hỗ trợ giống cho nông dân. Đối với các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng nhẹ, trước mắt sẽ tổ chức gia cố, sửa chữa lại; với những công trình hư hỏng lớn hoặc đã có hiện tượng vỡ đập, tỉnh chỉ đạo các công ty thuỷ nông tháo nước và phối hợp với các địa phương tiếp tục giữ phương án chủ động di dời dân cho đến hết mùa bão lụt để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.
Khó khăn nhất đối với Nghệ An trong khôi phục sản xuất là diện tích cây trồng bị hư hỏng và mất trắng rất lớn (trên 30.000ha) nên cần một lượng giống lớn. Hiện nay, các công ty cung ứng giống trên địa bàn tỉnh không thể đáp ứng được ngay số lượng giống để khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, trong khi mùa vụ xuống giống sản xuất vụ đông đã cơ bản kết thúc.
Hà Giang: Mưa gây tắc đường trên Quốc lộ 4C
Từ ngày 31-10 đến nay, trên địa bàn Hà Giang có mưa vừa trên diện rộng và một số vùng có mưa to gây ngập lụt cục bộ, làm ách tắc giao thông. Đặc biệt, mưa to và kéo dài ở các xã Minh Tân, Thuận Hoà, Phong Quang (Vị Xuyên) đã làm các con suối dâng đầy nước và chảy xiết, gây ách tắc giao thông cục bộ từ các bản lên xã, chia cắt các bản với nhau.
Tuyến đường quốc lộ 4C từ thị xã Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc bị tắc do mưa lớn làm nước suối dâng cao, chảy xiết cuốn trôi cầu km 18 (chiều từ Hà Giang đi Quản Bạ). Mất cây cầu nên tuyến giao thông độc đạo này bị tắc, phải chờ khắc phục.
Ngành giao thông đã tập trung nhân lực, vật lực khôi phục nhanh cây cầu này. Nếu trời không mưa, nước rút, dự kiến chiều 3-11, cây cầu tạm qua con suối này sẽ khắc phục xong.
Ninh Bình: 7 xã thuộc huyện miền núi Nho Quan ngập trong nước
Đến sáng 2-11 tỉnh Ninh Bình đã thống kê được sơ bộ tình hình thiệt hại trong đợt lũ vừa qua. Tuyến đê Đức Long – Gia Tường bị vỡ nhấn chìm 7 xã thuộc huyện miền núi Nho Quan là: Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Thuỷ, Xích Thổ, Đức Long, Gia Tường và Lạc Vẫn. Tại đây, 9.250 hộ bị ngập nước sâu, trên 11.000ha cây vụ đông bị ngập, diện tích nuôi cá bị ngập mất trắng khoảng 500ha. Hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, thuỷ lợi, trạm bơm, nhà cửa, trường học, trạm y tế ở 7 xã này đều ngập trong nước; một số vùng khác đang bị chia cắt, cô lập.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cho biết: cơn lũ tràn về “trái vụ” ở Ninh Bình, đúng vào lúc bà con đang rầm rộ sản xuất cây vụ đông, mặc dù các phương án ứng phó chuẩn bị khá kỹ nhưng do lũ lớn khiến không thể giữ đê và thiệt hại lên đến cả trăm tỷ đồng.
Hiện nay tỉnh Ninh Bình dồn sức khắc phục, trước mắt cứu đói khẩn cấp cho bà con vùng ngập nặng. Tỉnh đã cấp 1.000 thùng mỳ tôm, 200 thùng lương khô, 300 lít dầu hoả và nhiều cơ số thuốc chữa bệnh, hoá chất xử lý nước, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Tỉnh phối hợp với Quân đoàn I tổ chức thăm hỏi, động viên mai táng chiến sĩ dũng cảm hy sinh trong lũ. 4 xã vùng chậm lũ huyện Nho Quan được hỗ trợ bước đầu 100 triệu đồng/xã và 3 xã vùng phân lũ, mỗi xã 150 triệu đồng.
Tỉnh vận động lực lượng bộ đội, công an, dân quân và thanh niên giúp đỡ công sức nạo vét kênh mương, thông tuyến đường, bảo vệ môi trường... Đặc biệt sở y tế thành lập các tổ công tác ở tất cả các xã để khám chữa bệnh, cấp thuốc kịp thời cho bà con.
Hà Nam: Xuất hiện một số điểm đùn sủi và sạt lở trên tuyến đê sông Đáy, sông Nhuệ
Sáng 2-11, ông Lê Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua cùng với nước lũ ở các sông dâng nhanh, tại tuyến đê của sông Nhuệ đã xuất hiện khoảng 6-7 điểm đùn sủi và tại tuyến đê sông Đáy có 8 điểm bị sạt lở.
Ngay sau khi có báo cáo của các địa phương, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo huy động lực lượng xử lý nhanh các điểm bị đùn sủi và sạt lở. Tuy nhiên các biện pháp được thực hiện chỉ mang tính tạm thời chưa thể xử lý dứt điểm vì hiện nay mực nước sông vẫn đang ở trên mức báo động 3 và đang tiếp tục lên gần đạt tới đỉnh lũ. Riêng tại khu vực đê sông Nhuệ khu vực xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng tới 12h đêm ngày 1-11, các lực lượng phòng chống lụt bão của địa phương đã hoàn thành việc đắp bờ con trạch chống tràn dài 2km. Mặt khác do có sự chỉ đạo, không bơm nước ở Hà Nội ra sông Nhuệ nữa nên mực nước sông đã lên chậm hơn nhiều so với những ngày trước.
Do tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thôi không dồn sức cho việc chống úng cây vụ đông vì khả năng cứu được không cao mà tập trung cho việc bảo vệ các tuyến đê xung yếu trên địa bàn. Tỉnh Hà Nam cũng đã đề nghị Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu giúp tỉnh có thể phát triển những loại cây vụ đông khác ngắn ngày hơn sau khi nước rút để hỗ trợ cho nông dân ở các địa phương. Tỉnh Hà Nam cũng đang rà soát thống kê tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra để tìm cách khắc phục.
Nhằm giúp Hà Nam phòng chống và khắc phục hậu quả của mưa lũ, sáng 2-11, một đoàn công công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã về làm việc và đi kiểm tra một số nơi trên địa bàn tỉnh.
Mưa lũ làm sạt lở lớn tại huyện Ba Bể (Bắc Kạn)
Khoảng 9 giờ ngày 2-11, tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ. Hàng chục ngôi nhà của các hộ dân dọc tỉnh lộ 258 bị đất đá sạt lở vùi lấp, trong đó có 4 ngôi nhà của các hộ gia đình ông Phạm Văn Huy, Ma Thế Dương, Nguyễn Văn Lộc, Phạm Văn Tuấn, cùng ở tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, tổng thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng. Hiện sạt lở vẫn tiếp tục, song rất may do sạt lở diễn ra ban ngày nên các hộ dân kịp thời sơ tán, không có ai bị thương.
Theo kết quả điều tra của Sở Khoa học & Công nghệ, Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành của tỉnh Bắc Kạn: Thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) là khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở cao. Hiện có 120 hộ dân đang sống ở khu vực này. Đáng ngại nhất, quả đồi thuộc Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã có những vết nứt kéo dài 40 đến 50 mét, rộng 2 mét, khiến cho khoảng 450.000m3 đất, đá từ quả đồi cao 80 m này bị trôi tụt xuống gần 5 m so với đỉnh, có nguy cơ lấp vùi tiếp nhà cửa của các hộ dân khác tại địa phương.
Ngay sau khi xuất hiện sạt lở tại thị trấn Chợ Rã, Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt và cứu hộ cứu nạn tỉnh Bắc Kạn đã cử cán bộ xuống các địa điểm sạt lở kiểm tra tình hình và cùng với địa phương triển khai lực lượng khắc phục hậu quả, đồng thời tiếp tục di dời những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các tình huống xấu có thể tiếp tục xảy ra.
Do ảnh hưởng của gió Đông Nam kết hợp với không khí lạnh, từ tối 1-11 đến sáng 2-11, tại nhiều nơi trong tỉnh Bắc Kạn xảy ra mưa lũ lớn; lượng mưa đo được (từ tối 1-11 đến 10 giờ ngày 2-11), tại huyện Chợ Mới 60mm, Chợ Đồn là gần 50 mm, huyện Ba Bể hơn 40mm... Dự báo nước sông sẽ tiếp tục dâng cao và trời sẽ còn mưa trong 1 đến 2 ngày nữa.
Theo TTXVN