Tham dự phiên khai mạc kỳ họp có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ ba HĐND thành phố là kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét nhiều nội dung quan trọng: Đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, thu-chi ngân sách, công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 và kế hoạch năm 2022; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công 5 năm và kế hoạch năm 2022; các nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội; một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững...
 |
Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI khai mạc Kỳ họp thứ ba. Ảnh: AN KHÁNH |
Phát biểu tại kỳ họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, HĐND TP Hà Nội cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố; nâng cao chất lượng thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền các cấp của TP Hà Nội. (ANH VIỆT)
* Ngày 7-12, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ tư. Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Kỳ họp diễn ra trong 2,5 ngày, tập trung thảo luận thông qua tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác.
Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng một số ngành kinh tế của thành phố vẫn tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm 2020, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,8%; giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người; thu hút đầu tư nước ngoài gần 6 tỷ USD, tăng 11%. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101% dự toán năm 2021.
Tuy nhiên, so với năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2021 giảm 6,8%; công nghiệp xây dựng giảm 12,9%... Năm 2022, thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6-6,5%; tăng năng suất lao động đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho hơn 140.000 lao động...
Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, năm 2022, thành phố cần đề ra các nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; triển khai chiến lược y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, gắn với chiến lược phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và các kế hoạch khác; cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, thực thi trách nhiệm của các ban, ngành, chính quyền địa phương; hoạt động giám sát của HĐND thành phố cần có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.. (NGUYỄN HIỂN)
* Ngày 7-12, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X khai mạc Kỳ họp thứ ba. HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng về tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho năm 2022, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, những chính sách đặc thù của tỉnh, các giải pháp duy trì an toàn, hiệu quả trạng thái bình thường mới, phục hồi tăng trưởng...
HĐND tỉnh xác định tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm của HĐND tỉnh, từng đại biểu, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã tiến hành bầu bổ sung một đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, cùng một số chức danh của HĐND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh. Kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra đến ngày 8-12. (THUẬN UYÊN)